Theo quan niệm của người Việt, ngày 23 tháng Chạp hàng năm là thời điểm ông Công ông Táo cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo chuyện lớn, chuyện nhỏ trong gia đình tới Ngọc Hoàng. Vì vậy, cứ đến ngày này, các thành viên trong gia đình sẽ sum vầy bên nhau, chuẩn bị mâm cúng tươm tất và thả cá chép xuống sông, hồ, đưa ông Táo về trời.
Bên cạnh vẻ đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, tục lệ thả cá cũng mang đến những tác động không nhỏ đối với môi trường. Khi thả cá, người dân thường vứt túi ni-lông, thả tro, tàn nhang và các đồ thờ cúng xuống sông để cầu may mắn.
Hành động này đã trực tiếp gây ô nhiễm nước sông Hồng tại Hà Nội và ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước hạ nguồn tại Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên… Rác thải nhựa cũng là mối đe dọa với môi trường biển, đại dương và sức khỏe con người tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.
Trước thực trạng đó, đã có một chiến dịch truyền thông được "lăn bánh" trong 8 năm, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng người dân thủ đô. Chiến dịch truyền thông này đã thu hút hơn 800.000 lượt tiếp cận; xây dựng một mạng lưới lên đến gần 1.000 tình nguyện viên từ các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước; thu gom hơn 12,3 tấn rác bị vứt ra sông, hồ.
Đồng thời, tổ chức thành công 2 cuộc thi vẽ tranh; 1 triển lãm nghệ thuật và sản xuất 8 video giáo dục và hợp tác cùng các KOL như Châu Bùi, Trang Moon, What the Pho, Lee Boo...
Đó là những thành quả của chiến dịch truyền thông cộng đồng “Cứu dòng nước, Rước ông Táo” của Keep Vietnam Clean (KVC) , nhằm nâng cao nhận thức của người dân và giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trong dịp lễ ông Công ông Táo và Tết Nguyên Đán.
Chiến dịch hướng đến một Hà Nội với lối sống không rác thải, tôn trọng và sống hài hòa với thiên nhiên, đồng thời vẫn gìn giữ những nét đẹp văn hóa và truyền thống dân tộc. Về dài hạn, sáng kiến góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông, hồ, ao tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc trong các ngày lễ truyền thống.
Tập trung chính vào đối tượng thanh thiếu niên và phụ nữ ở độ tuổi 35-65 tuổi, sáng kiến sử dụng phương pháp truyền thông tổng hợp, lấy trọng tâm tại các điểm nóng là sông, hồ tại Hà Nội - nơi người dân thường thả cá cùng túi ni lông, hay các vật dụng thờ cúng như tro, bát hương, bàn thờ… xuống sông, hồ vào ngày lễ ông Công ông Táo.
Chiến dịch được thực hiện qua ba hoạt động chính. Thứ nhất, hoạt động truyền thông qua các cuộc thi vẽ tranh dành cho trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn, lễ trao giải và triển lãm tranh, chiến dịch truyền thông trên MXH. Thứ hai, tổ chức hội thảo & tập huấn về tác hại của việc thả tro tàn xuống sông hồ, kênh rạch, các biện pháp thân thiện với môi trường khi thực hành tín ngưỡng. Thứ ba, hoạt động dọn dẹp, thu gom và phân loại rác thải tại các điểm cầu và địa phương.
Những ngày đầu, sáng kiến chỉ kêu gọi tình nguyện viên hỗ trợ người dân thả cá, phân loại rác và tiến hành dọn dẹp quanh bờ sông để giảm lượng túi ni-lông vứt xuống ao, hồ, sông.
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, KVC nhận thấy, vào dịp cuối năm, sau khi hóa vàng và dọn dẹp bàn thờ, nhiều người dân thường thả một lượng lớn tro, tàn nhang và đồ thờ cúng xuống sông, hồ với hy vọng cầu may mắn cho năm mới. Hậu quả là, mặt nước và bờ sông Hồng bị phủ đầy túi ni-lông, tàn tro và các loại rác thải khác, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và cảnh quan môi trường.
Bên cạnh đó, KVC cũng quan sát thấy đây là tục lệ mang tính tâm linh của người dân Việt Nam trước những ngày năm mới. Do đó, hoạt động giáo dục, truyền thông đóng vai trò rất quan trọng.
Chính vì vậy, ngoài việc tuyên truyền về ô nhiễm nhựa, KVC từng bước tập trung vào nâng cao nhận thức về vấn đề đốt vàng mã, những ảnh hưởng đến sức khỏe khi thả tro xuống nước sông, đồng thời đưa ra hướng dẫn và giải pháp để thực hành tín ngưỡng bền vững.
Trong suốt 8 năm lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường nước của người dân Hà Nội, sáng kiến nhận được sự đồng tình và ủng hộ của chính quyền địa phương, cộng đồng và các đối tác. Các tình nguyện viên đã khuyến khích nhiều người dân, đặc biệt là những người lớn tuổi không thả tro và rác nhựa xuống sông, hồ. Hội viên hội phụ nữ sau khi tham gia tập huấn đã ra quân tại chính khu dân của họ để vận động cộng đồng giảm rác nhựa và tàn nhang.
Bên cạnh đó, cuộc thi vẽ tranh, một phần hoạt động của chiến dịch, được rất nhiều thế hệ nhỏ tuổi hưởng ứng tham gia hoặc chính phụ huynh động viên các bé tham gia để nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên và văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đáng quý hơn cả, từ một cộng đồng nhỏ, sáng kiến giờ đây đã trở thành một trào lưu xã hội trong cộng đồng những người bảo vệ môi trường, trở thành "thương hiệu" của KVC. Nhìn lại dịp Tết 2018, số lượng tình nguyện viên chỉ là 8 người, năm 2019 số lượng “nhảy vọt” đến 100 người, dịp Tết 2024, đã có 128 tình nguyện viên góp phần chung tay bảo vệ nguồn nước.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều tổ chức trong và ngoài nước, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư, các đơn vị báo chí và truyền thông quan tâm đến chiến dịch này và đã sẵn sàng đồng hành cùng KVC trong nhiều chiến dịch. Các đơn vị đoàn thể phụ nữ, thanh niên đã tự xây dựng và phát triển những chiến dịch tương tự cho cộng đồng của mình.
Hành trình “Cứu dòng nước, Rước ông Táo” vẫn chưa kết thúc, Keep Vietnam Clean sẽ tiếp tục triển khai và mở rộng sáng kiến trong thời gian tới, hướng đến việc nhân rộng mô hình đến các quận, huyện khác tại Hà Nội và miền Bắc để lan tỏa tính tác động của sáng kiến.
Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề "Cộng đồng kiến tạo" tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Trong Lễ công bố Giải thưởng, tổ chức ngày 23/09/2024 tại khách sạn Sheraton Hanoi West , Human Act Prize chính thức công bố những điểm nhấn mới của Mùa giải 2024:
1. Ra mắt ấn phẩm "Dấu ấn tiên phong - Đổi mới trong tác động xã hội tại Việt Nam" – Cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.
2. Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị hỗ trợ giải thưởng:
PwC (PricewaterhouseCoopers) – Một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.
Social Impact - Nền tảng giáo dục đầu tiên được thành lập bởi chính các nhà hoạt động cộng đồng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tri thức về phát triển bền vững.
Nền tảng TikTok - Nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, đồng hành lan tỏa những câu chuyện tích cực, tôn vinh những cá nhân, tổ chức đang nỗ lực vì cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay tạo ra những thay đổi tích cực
Đơn vị bảo trợ truyền thông: 13 cơ quan báo chí đã sẵn sàng đồng hành cùng Human Act Prize 2024 để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng: Vietnamnet, Vietnam Plus, Lao động, , Tiền phong, Đại Đoàn Kết, Công thương, Nông nghiệp, Dân Việt, Nhà báo và Công luận, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TpHCM, Tiktok
Human Act Prize 2024 quy tụ các dự án phát triển bền vững, các sáng kiến đóng góp cho cộng đồng của nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong nước, như Công ty Cổ phần Canifa, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines, Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia, đội ngũ sản xuất chương trình Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly, quỹ học bổng Vừ A Dính, và nhiều đơn vị khác…
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org
Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize