12 tuổi nhưng nặng hơn 80kg, cậu bé nguy kịch sau 3 ngày sốt

() - Bé trai 12 tuổi có cân nặng 83kg, gấp đôi cân nặng bình thường so với bạn cùng trang lứa, nhập viện trong tình trạng sốc sốt xuất huyết nặng chỉ sau 3 ngày mắc bệnh.

Ngày 7/7, BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) thông tin, đơn vị này vừa cứu sống thành công một bé trai 12 tuổi có tình trạng béo phì nghiêm trọng bị sốc sốt xuất huyết nặng kèm nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bệnh nhi T.N.M.K., ngụ huyện Bình Chánh, có cân nặng 83kg, vượt xa mức trung bình 34-36kg ở lứa tuổi này, được xác định mắc béo phì.

12 tuổi nhưng nặng hơn 80kg, cậu bé nguy kịch sau 3 ngày sốt - 1

Điều tra bệnh sử, trẻ sốt cao liên tục 3 ngày. Đến ngày thứ 4, trẻ xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như đau bụng, nôn ra dịch nâu, tay chân lạnh. Gia đình lập tức đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị sốc sốt xuất huyết nặng, kèm rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan và suy hô hấp nặng trên cơ địa béo phì.

Các bác sĩ đã nhanh chóng triển khai các biện pháp điều trị tích cực. Trẻ được truyền dịch cao phân tử, sử dụng thuốc vận mạch phối hợp và hỗ trợ chống sốc.

Để khắc phục tình trạng suy hô hấp, trẻ được hỗ trợ thở áp lực dương liên tục và thở máy không xâm nhập. Đồng thời, rối loạn đông máu và xuất huyết tiêu hóa được xử lý bằng truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc và vitamin K1. Các biện pháp hỗ trợ chức năng gan cũng được áp dụng.

Sau gần 7 ngày điều trị, tình trạng trẻ cải thiện rõ rệt. Bệnh nhi tỉnh táo, tự thở khí trời, chức năng gan và thận trở về bình thường, được cai máy thở thành công. Hiện trẻ đang tiếp tục hồi phục tốt.

Theo các bác sĩ, trẻ béo phì, trẻ nhũ nhi hoặc trường hợp sốc sớm vào ngày 3-4 của bệnh có nguy cơ diễn tiến nặng, gây khó khăn trong điều trị. Qua trường hợp này, bác sĩ Tiến khuyến cáo phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi trẻ sốt cao trên 2 ngày và có các dấu hiệu nguy hiểm.

Các biểu hiện bao gồm bứt rứt, lăn lộn, li bì, lơ mơ hoặc nói sảng; chảy máu cam, máu răng, nôn ra máu hoặc tiêu phân đen; đau bụng, nôn mửa; tay chân lạnh, lừ đừ, bỏ ăn uống hoặc bỏ bú.

Ngoài ra, hiện nay, vaccine phòng sốt xuất huyết đã có sẵn cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn. Người dân có thể tiêm phòng vaccine để phòng tránh nguy cơ mắc sốt xuất huyết. 

Phụ huynh cũng cần chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ để tránh tình trạng béo phì. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ biến chứng nặng khi mắc sốt xuất huyết như suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan thận.

Trong trường hợp cần thiết, cha mẹ có thể tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

Lưu ý thêm, bác sĩ Tiến cũng cảnh báo, khi trẻ có các dấu hiệu bất thường, gia đình cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay, kể cả trong đêm, để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.