3 sự thật đáng lo ngại từ chuyến "đi để về" kỳ quặc của Sam Altman
Đằng sau quyết định sa thải để rồi mời trở về trong vỏn vẹn 5 ngày của Sam Altman là 3 sự thật đáng lo ngại hơn về OpenAI.
Ngày 17/11/2023, Sam Altman - Nhà đồng sáng lập, CEO của OpenAI, bất ngờ bị Hội đồng Quản trị (HĐQT) của công ty này tuyên bố sa thải. Theo đó, Giám đốc công nghệ (CTO) Mira Murati sẽ tạm thay vị trí của Altman với hiệu lực ngay tức thì, nhưng bà đã từ chối.
Hai ngày sau, Altman đàm phán với OpenAI về việc trở lại nhưng bất thành, và sau đó đã thông báo sẽ gia nhập Microsoft - nhà đầu tư lớn nhất của OpenAI, để xây dựng một đội ngũ mới làm về trí tuệ nhân tạo (AI). Trong khoảng thời gian trên, hơn 700 nhân viên của OpenAI, đã cùng ký thư dọa nghỉ việc trừ phi HĐQT giải tán và đưa Altman trở lại. Đến ngày 22/11/2023, Altman chính thức trở về sau chuyến đi kéo dài 4 ngày trong sự chào đón của các nhà đầu tư, khách hàng và nhân viên.
Đã có vô số dấu hỏi xuất hiện quanh sự kiện chấn động Thung lũng Silicon vừa qua. Trên mạng xã hội X (Twitter), tỷ phú Elon Musk cho rằng một "điều gì đó đáng sợ" đã thúc đẩy Ilya Sutskever - nhà khoa học trưởng của OpenAI, hạ bệ Altman, và đặt nghi vấn rằng công ty AI đang phát triển một công nghệ nguy hiểm.
Tôi hết sức lo lắng. Ilya là người có đạo đức và không ham muốn quyền lực. Ông ấy sẽ không hành động quyết liệt như thế trừ phi thật cần thiết. Thế giới cần biết nếu OpenAI sở hữu thứ gì đó gây nguy hiểm cho nhân loại.
Tỷ phú Elon Musk - CEO của Tesla
Dù vậy, câu chuyện về "cuộc đảo chính" tại OpenAI, như cách nhiều người đã nói, phơi bày nhiều bài học sâu sắc và đáng lo ngại trong tương lai gần hơn là những đồn đoán của Elon Musk hay giới truyền thông. Lý do vì nó không chỉ diễn ra tại startup công nghệ được quan tâm nhất hiện nay mà còn là dấu hiệu cho thấy ngành AI non trẻ đã được đưa đến vinh quang nhanh như thế nào.
Cụ thể, có ít nhất 3 bài học đáng lo ngại từ "chuyến đi rồi về" chóng vánh của Sam Altman.
Thứ nhất là sức mạnh tuyệt đối của nhân sự AI. Khi các nhân viên tập hợp chữ ký và dọa nghỉ việc, thông điệp "OpenAI sẽ chẳng là gì nếu không có những bộ óc đằng sau nó" được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. Từ khi ChatGPT ra mắt cách đây 1 năm, nhu cầu về nhân sự AI đã nóng hơn bao giờ hết. Theo lời của Altman - người đóng vai trò trực tiếp trong việc phát triển ChatGPT, phần mềm AI này hiện có 100 triệu người sử dụng mỗi tuần.
Và, khi sự hỗn loạn xuất hiện, cả Microsoft lẫn các công ty công nghệ khác đều sẵn sàng chào đón những nhân sự bất mãn với vòng tay rộng mở. Điều này đã mang lại cho cả Altman lẫn các lập trình viên của OpenAI sức mạnh đàm phán tuyệt đối và làm suy yếu nghiêm trọng những nỗ lực của HĐQT để giành quyền kiểm soát.
Cần biết rằng, đòn bẩy quyền lực này là rất đáng chú ý khi Altman không sở hữu bất kỳ cổ phần nào trong OpenAI. Trên thực tế, Altman. Trên thực tế, ngay sau tuyên bố sa thải, các nhà đầu tư cùng các nhà sáng lập có tiếng ở Thung lũng Silicon đã lớn tiếng bày tỏ sự lo ngại của họ và thậm chí còn so sánh hành động này với việc Apple quyết định sa thải Steve Jobs 38 năm trước. Jobs sau đó đã trở lại vào năm 1997 và rốt cục dẫn dắt Apple tạo ra iPhone rồi trở thành công ty có giá trị nhất ở Mỹ.
Thứ hai, "chuyến đi rồi về" cũng làm sáng tỏ cấu trúc khác thường của OpenAI và các rủi ro của nó. Khi được thành lập vào năm 2015, OpenAI hoạt động với tư cách là một phòng thí nghiệm, là một tổ chức phi lợi nhuận với mục đích xây dựng AI tổng quát (AGI) an toàn "vì lợi ích của nhân loại". Ba năm sau, mọi chuyện nhanh chóng trở nên rõ ràng rằng mục tiêu này đòi hỏi một lượng lớn sức mạnh xử lý đắt tiền (và ấy là nếu nó khả thi).
Theo đó, để có thể trả tiền cho việc này, một công ty con thu "lợi nhuận giới hạn" đã được thành lập để bán các công cụ AI (như ChatGPT) với tên gọi OpenAI. Từ đây, công ty này mang lại nguồn tiền mặt dồi dào cho cả tổ chức và Microsoft rất nhanh chóng đã đầu tư 13 tỷ USD để đổi lấy 49% cổ phần. Tháng trước, OpenAI được cho là đang đàm phán để bán cổ phần của nhân viên cho các nhà đầu tư với mức định giá dự đoán gần 90 tỷ USD.
Trên lý thuyết, quyền giám sát và quản lý tổng thể tất cả hoạt động vẫn thuộc về HĐQT của tổ chức phi lợi nhuận. Nhiệm vụ của họ là đảm bảo rằng AGI không đi chệch hướng, nghĩa là mang đến lợi ích cho mọi người, và trách nhiệm theo đó không phải là với các cổ đông mà là với "toàn nhân loại". Thế nhưng, "ảo tưởng" này đã hoàn toàn tan vỡ khi các nhân viên yêu cầu Altman trở lại và khi viễn cảnh về một công ty đối thủ nằm trong tập đoàn Microsoft đang tối đa hóa lợi nhuận xuất hiện.
Thứ ba là bài học về sự dại dột khi chỉ dựa vào cấu trúc doanh nghiệp để kiểm soát công nghệ. Khi tiềm năng sáng tạo của AI trở nên rõ ràng, những mâu thuẫn trong cấu trúc của OpenAI đã dần lộ ra. Chỉ một ban giám sát là không đủ để có thể đạt được sự cân bằng tốt nhất giữa việc phát triển AI; thu hút nhân sự và đầu tư; đánh giá các mối đe dọa của AI và giữ an toàn cho nhân loại. Xung đột lợi ích ở Thung lũng Silicon hầu như không hiếm. Ngay cả khi những người ở OpenAI có giỏi như họ nghĩ thì việc giải quyết vấn đề này vẫn nằm ngoài khả năng của họ.
Về cơ bản, Altman là một doanh nhân và sự hỗn loạn tuần trước đã cho thấy tầm nhìn định hướng thương mại của vị CEO rồi cũng sẽ giành chiến thắng. Trên thực tế, HĐQT đã sa thải Altman phần lớn đã bị phá hủy, trong khi Ilya Sutskever - nhà đồng sáng lập OpenAI và ủng hộ việc sa thải, đã công khai bày tỏ sự hối tiếc khi tham gia bỏ phiếu cho việc này. Đâu đó, đã có tiếng nói từ những nhà phê bình bên ngoài cũng như cả một số nhân viên lo lắng rằng công ty đã từ bỏ sứ mệnh ban đầu và đang cư xử giống một Big Tech hơn.
Hiện, OpenAI chưa bình luận gì về câu hỏi của Musk về một "điều gì đó đáng sợ" cũng như nguyên nhân sa thải Altman. Song, Reuters dẫn một nguồn nội bộ cho biết CTO Mira Murati nói với nhân viên rằng một bức thư mật, do một số nhà nghiên cứu OpenAI gửi tới HĐQT cũ về bước đột phá của dự án Q* (Q-Star) đã thúc đẩy họ hành động và ra quyết định hạ bệ Altman.
Q* là một dạng AGI được OpenAI phát triển song song với ChatGPT. Theo định nghĩa của công ty, AGI là hệ thống siêu trí tuệ toàn năng, thông minh hơn con người. Sự thể hiện xuất sắc của nó khiến nhiều người lạc quan về tương lai của siêu trí tuệ, nhưng số khác lại lo ngại Q* có thể đe dọa nhân loại nên đã gửi thư cảnh báo.
Trước đó, theo bản ghi nội bộ mà tờ New York Times có được, HĐQT đã tiến hành kiểm tra và đánh giá "hành vi của Sam và sự thiếu minh bạch trong tương tác của ông ấy làm suy yếu khả năng của ban quản trị trong việc giám sát công ty hiệu quả theo cách họ được ủy quyền".
Theo đó, cùng với sự trở lại của Altman, ông sẽ không có ghế trong ban quản trị và HĐQT mới cũng đã đồng ý sẽ tiến hành một cuộc điều tra độc lập, nhằm xem xét tất cả khía cạnh của các sự kiện gần đây, gồm cả vai trò của Altman. HĐQT mới gồm cựu CEO Salesforce Bret Taylor và cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers. Taylor sẽ giữ vị trí chủ tịch hội đồng quản trị. Adam D'Angelo - đồng sáng lập và CEO của công ty khởi nghiệp hỏi đáp Quora, sẽ vẫn có mặt trong hội đồng quản trị.
Dù vậy, chỉ thay đổi nhân sự chắc chắn là chưa đủ, mà cơ cấu tổ chức của công ty cần phải được đại tu. Điều may mắn là tại Mỹ tồn tại một cơ quan sở hữu quyền đại diện cho lợi ích chung thuyết phục hơn nhiều: chính phủ. Thông qua dự thảo quy định, Washington có thể đặt ra ranh giới hoạt động cho các tổ chức, công ty như OpenAI; và thông qua những diễn biến gần đây, rõ ràng các chính trị gia đang theo dõi AI. Điều này cũng tốt, vì công nghệ này quá quan trọng để có thể phó mặc cho những ý tưởng bất chợt của các tập đoàn.
Sam Altman sinh năm 1985 tại Chicago (bang Illinois), Mỹ trong một gia đình gốc Do Thái nhưng lớn lên ở St. Louis (bang Missouri) - nơi ông nhận được chiếc máy tính đầu tiên năm lên 8 tuổi. Từng theo học tại Đại học Stanford nhưng sau đó đã thôi học, Altman gây tiếng vang vào năm 2012 khi bán Loopt - công ty giúp người dùng điện thoại chia sẻ vị trí của mình cho người khác với giá 43,4 triệu USD. Năm 2015, ông đồng sáng lập OpenAI với mục tiêu nghiên cứu phát triển AGI và là người đã thuyết phục Microsoft đầu tư cho công ty này.