30-4-1975: Ngày trở về - Kỳ 6: Con đi Việt Minh, cha làm tổng thống Sài Gòn

Sau bước ngoặt lịch sử 30-4-1975, rất nhiều cuộc đoàn viên cảm động và cũng không ít éo le do hoàn cảnh đất nước hàng chục năm phải phân chia chiến tuyến: Con đi Việt Minh, cha làm tổng thống Sài Gòn.

sài gòn - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Dõi thời gian ở miền Bắc trước năm 1975 - Ảnh: QUỐC MINH

Có những người cha mặc quân phục cách mạng đi tìm con mình vừa cởi bỏ áo lính Sài Gòn. Có những người anh từ chiến khu về tìm em từng cầm súng đối đầu bên kia chiến địa để thuyết phục "anh em mình cùng về ăn với ba má một bữa cơm"...

Câu chuyện dưới đây hết sức đặc biệt khi người con Trần Văn Dõi ra Bắc làm anh lính Việt Minh tham chiến Điện Biên Phủ. 

Người cha

Một đoạn ông Trần Văn Dõi ghi chép về cha mình là tổng thống Việt Nam cộng hòa Trần Văn Hương - Ảnh: QUỐC MINH

Cha - con ở cùng một Tổ quốc nhưng cách xa hoàn toàn

Những lần trò chuyện trực tiếp với tôi khi đã cuối đời, ông Dõi tâm sự năm 1946 chia tay gia đình để ra Bắc ông chỉ nghĩ đi vài năm rồi về không ngờ lại lâu như vậy. Ngày ấy chàng thanh niên 20 tuổi có mối tình quê với một thiếu nữ tên Bảy. 

Lật trang hồi ký ghi ngày 25-8-1946, ông không ngại cho tôi xem đoạn kể về mối tình lãng mạn thuở thanh niên: "Hẹn gặp Bảy ở Ngã Tư, nói lời chia tay bịn rịn. Hẹn trở về khi xong nhiệm vụ của người thanh niên. Bảy hứa quyết tâm chờ mình. Hôn nhau lần đầu... thật là lãng mạn. Ra đi mang nặng lời thề. Đánh tan giặc Pháp mới về cùng em...".

Đặc biệt, ngay sau đoạn hồi ký tình yêu này ông Dõi đã ghi mốc thời gian ngày 26-8-1946 và thái độ của cha mình với thời cuộc dân tộc lúc đó: "Mình báo cho ba biết (trong hồi ký, ông Dõi viết ông Trần Văn Hương là ba nhưng các bản khai lý lịch ở miền Bắc ông đều viết là bố) mình sẽ đi xa. 

Ông cụ hơi ngạc nhiên, không cản nhưng muốn mình chậm lại chờ ông cụ ngẫm chừng thời cuộc. Lúc này phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa đang đàm phán với Pháp ở Fontainebleau. Ông cụ cho biết quyết không trở lại làm việc cho Pháp hoặc một chính phủ tay sai nào. Nhưng đi với chính phủ cộng sản thì cũng cần suy nghĩ thêm...

Mình nói cho ông cụ biết mình ra đi trước tiên là xa cái gia đình quá ngột ngạt hiện nay (mẹ và cha ông Dõi không hòa hợp nhau) và kế đó là vì nhiệm vụ của người thanh niên trước vận nước. Đây là lần đầu tiên mình có phản ứng mạnh và nói thẳng nói thật với ông cụ...".

Nhiều năm hồi tưởng chuyến ra Bắc đầu tiên và biền biệt xa quê hương đến gần 30 năm, ông Dõi vẫn nhớ đã cùng người bạn kháng chiến tên Nho làm giấy tờ trà trộn vào số đông đồng bào người Bắc được Pháp cho hồi hương. 

Họ từ Sài Gòn đi tàu ra Vũng Tàu rồi lên chiếc Pasteur đang đậu ngoài đó. Chuyến đi này không ngờ lại là bước ngoặt với ông Dõi khi lên đúng chiếc Pasteur "chở phái đoàn ông Phạm Văn Đồng đi thương thuyết ở Pháp về".

Ông Dõi kể ngày 1-10-1946, khoảng 14h ông lên chiếc Pasteur sang trọng, khổng lồ dài hơn 100m và cao như tòa nhà mấy tầng lầu. Chiếc tàu này là niềm tự hào hàng hải của Pháp khi đó. Tuy nhiên điều ông Dõi thấy tự hào lại chính là lá cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được treo ngay trên con tàu Pháp. Đặc biệt, trên tàu còn có mặt 2.000 lính thợ người Việt tham gia Thế chiến thứ 2 hồi hương. Nhắc nhớ ông Dõi đã kể một kỷ niệm thú vị:

"Ngày 2-10-1946, tàu lênh đênh giữa biển lại xảy xô xát giữa đám lính Tây với anh em ONS (lính thợ người Việt). Bọn Tây này được đưa từ Sài Gòn ra miền Bắc, chúng rất bực khi thấy chiếc Pasteur được trang trí cờ Việt, do lính Việt giữ trật tự, nên chúng sanh sự với anh em.

Cuộc va chạm xảy ra rất ngắn nhưng vài thằng tây thì làm gì được với 2.000 anh em ONS. Bị đánh đau, anh em còn dọa đốt tàu. Thằng chủ tàu hoảng cầu cứu phái đoàn. Công việc được thu xếp, thế là tây ở một phía, ta ở một phía...".

Ngày 4-10-1946, ông Trần Văn Dõi đặt chân lên đất Bắc ở Hải Phòng, bắt đầu cuộc đời người lính Việt Minh, lên đến đại úy, tiểu đoàn trưởng.

Trong khi đó người cha Trần Văn Hương cũng dần về Sài Gòn làm tiệm thuốc tây rồi bước vào cuộc đời chính trị trái ngược con mình, với các chức vụ đô trưởng Sài Gòn, phó thủ tướng, thủ tướng rồi phó tổng thống, tổng thống Việt Nam cộng hòa. Hai cha con vẫn ở chung một Tổ quốc nhưng cách xa nhau hoàn toàn…

*************

Đoàn tụ sau gần 30 năm cách biệt nhưng ông Trần Văn Dõi và người cha Trần Văn Hương không nói được gì nhiều. Ông Dõi cảm nhận được nỗi buồn của cha mình...

>> Kỳ tới: Ngày trùng phùng nước mắt chảy vào trong

30-4-1975: Ngày trở về - Kỳ 6: Con đi Việt Minh, cha làm tổng thống Sài Gòn - Ảnh 3.30-4-1975: Ngày trở về - Kỳ 5: Có một ngày 30-4-1975 đặc biệt ở Cuba

'Mỗi lần nhắc nhớ kỷ niệm lịch sử đặc biệt này, tôi vẫn xúc động. Hình ảnh đoàn kết, ấm áp ngày 30-4-1975 ở Cuba bừng sống lại như mới hôm qua', cựu đại sứ Võ Anh Tuấn tâm sự.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề