7 loại nước giải nhiệt mùa hè tốt cho sức khỏe

() - Nắng nóng dễ khiến cơ thể mất nước, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Thay vì chỉ uống nước lọc, bạn có thể tận dụng những loại thảo dược tự nhiên để chế biến những món uống giải nhiệt ngay tại nhà.

Mùa hè oi bức là nguyên nhân khiến cơ thể dễ bị mất nước, sinh nhiệt bên trong, gây ra các chứng bệnh như cảm nắng, rôm sảy, nổi mụn nhọt, tiểu tiện khó, viêm họng hay táo bón.

Để làm dịu cơ thể từ bên trong, nhiều người đã sử dụng các loại thảo dược tự nhiên có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu - một giải pháp vừa dễ thực hiện, vừa an toàn và hiệu quả.

Theo bác sĩ Nguyễn Phối Hiền, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cơ sở 3, dưới đây là 7 loại vị thuốc - thảo dược dễ tìm và phổ biến nhất có thể chế biến thành thức uống thanh nhiệt giải khát tại nhà.

Rau má

Loại rau này có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, giúp thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, hỗ trợ điều trị mụn nhọt, nóng gan, huyết áp cao, sáng da. Vào mùa hè, mọi người có thể xay 300gr rau má, lọc lấy nước pha cùng nước dừa tươi để làm nước uống giải khát tốt cho cơ thể. 

7 loại nước giải nhiệt mùa hè tốt cho sức khỏe - 1

Rau má giúp thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm (Ảnh minh họa: Getty).

Râu bắp (râu ngô), cỏ tranh

Râu bắp có vị ngọt, tính bình, giúp lợi tiểu, hỗ trợ điều trị viêm gan, sỏi thận, phù thũng, tiểu buốt.

Cỏ tranh có vị ngọt, tính hàn, giúp làm mát gan, chỉ huyết, lợi tiểu, trị tiểu máu, nội nhiệt và thổ huyết.

Hai vị thảo dược có thể kết hợp cùng mía lau và lá dứa, đun với 2 lít nước trong 30-40 phút để làm ra món nước sâm giúp mát gan, giải khát tốt trong mùa hè. 

Diếp cá

Diếp cá có vị cay, tính mát, giúp thanh nhiệt, tiêu độc, tiêu viêm, hỗ trợ điều trị mụn nhọt, táo bón, trĩ và kinh nguyệt không đều.

Tuy nhiên, không phải ai cũng ăn được diếp cá. Thay vào đó, mọi người có thể làm sinh tố diếp cá đậu xanh bằng cách xay nhuyễn 100g diếp cá rửa sạch, 50gr đậu xanh đã nấu chín cùng 200ml nước rồi lọc qua rây. 

La hán quả

La hán quả có vị ngọt, tính mát, giúp thanh nhiệt, nhuận phế, trị ho khan, viêm họng, táo bón và làm đẹp da.

Loại quả này là nguyên liệu quen thuộc để chế biến trà la hán quả - bí đao. Để nấu món trà này, bạn cần 1 quả bí đao (giữ phấn), 2 quả la hán đập dập, 1 khúc mía và vài lá dứa. Tất cả nguyên liệu sau đó cần đun với 2-2,5 lít nước trong một giờ rồi lọc lấy nước uống trong ngày.

Trà xanh

Trà xanh có vị chát, tính mát, chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp thanh nhiệt, lợi tiểu, giảm mệt mỏi và làm mát cơ thể.

Từ xưa đến nay, trà xanh thường được hãm lấy nước uống như một phương thức giải khát hiệu quả. Bạn cũng có thể thêm chanh và mật ong vào uống cùng để tăng vị ngon và giảm độ đắng của trà.

Nha đam

Nha đam (lô hội) có vị đắng, tính hàn, giúp thanh nhiệt, sát trùng, hỗ trợ tiêu hóa và làm dịu da từ bên trong. Đây cũng là nguyên liệu thường thấy khi chế biến các món đồ uống thanh nhiệt ngày hè. 

Để làm nước nha đam hoa đậu biếc, mọi người cần gọt vỏ 1 nhánh nha đam lớn, cắt hạt lựu, ngâm nước muối loãng rồi luộc sơ. Song song đó, nấu hoa đậu biếc với 500ml nước cho ra màu xanh tím rồi lọc bỏ bã.

Tiếp tục, bạn cho nha đam vào nồi nước hoa đậu biếc, có thể thêm 100gr đường phèn và ½ quả chanh để tăng vị ngon cho món nước.

Lưu ý khi sử dụng thảo dược giải nhiệt

Khi sử dụng các loại thảo dược thanh nhiệt, bác sĩ Hiền lưu ý mọi người chỉ nên dùng với lượng vừa phải, tránh lạm dụng gây phản tác dụng.

Người có cơ địa tỳ vị hư hàn (thường hay lạnh bụng, tiêu chảy) nên thận trọng khi sử dụng. Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Mọi người nên ưu tiên lựa chọn nguyên liệu sạch, rõ nguồn gốc để đảm bảo an toàn. Các loại nước thảo dược nên dùng trong ngày, bảo quản trong tủ lạnh để tránh nhanh hỏng.

Bên cạnh việc uống nước thanh nhiệt, người dân cũng cần uống đủ 1,5-2 lít nước/ngày, hạn chế ra ngoài nắng từ 10h-16h, ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi để đảm bảo sức khỏe.

Đồng thời, giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ, tập thể dục nhẹ nhàng và nghỉ ngơi hợp lý.