Ai cũng chờ thông đường cao tốc

Các tuyến cao tốc đầu tiên kết nối TP.HCM với Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên đã và đang được khởi động hứa hẹn mở ra động lực phát triển mới cho cả khu vực.

Ai cũng chờ thông đường cao tốc - Ảnh 1.

Phối cảnh cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành với giai đoạn đầu sẽ được làm 4 làn cao tốc và làn dừng khẩn cấp toàn tuyến - Ảnh: B.S. chụp lại

Chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và người dân đã có nhiều tính toán để nắm bắt thời cơ, tận dụng lợi thế cùng nhắm đến mục tiêu phồn thịnh cho mọi người, mọi nhà.

"Lộ thông thì tài thông". Bài học của Bình Dương trước đây là một ví dụ. Khi mới tách tỉnh gần 30 năm trước, để mở những khu công nghiệp đầu tiên, Bình Dương phải xin cơ chế để thực hiện dự án quốc lộ 13.

Cao tốc nối TP.HCM và Bình Dương có nhà đầu tư, sắp khởi công

Từ Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đầu tiên tại thành phố Thuận An, khi quốc lộ 13 được mở rộng tới đâu thì các khu công nghiệp như Mỹ Phước, Bàu Bàng... cũng dần hình thành theo.

Từ một tỉnh nông nghiệp với các rừng cao su, nay Bình Dương đã là một "thủ phủ công nghiệp" nhờ biết nắm bắt cơ hội và phát triển hạ tầng.

Với việc triển khai các tuyến cao tốc mới, câu chuyện "lộ thông, tài thông" chắc chắn lại được khẳng định, mở ra một cơ hội phát triển to lớn cho khu vực, nhất là Tây Nguyên.

Không ai, từ chính quyền, doanh nghiệp và người dân, ở các địa phương nơi đường cao tốc đi qua lại chịu bỏ lỡ cơ hội này.

Tất cả đã chuẩn bị, đã sẵn sàng chờ đường thông. Đấy chính là mệnh lệnh để những đơn vị có trách nhiệm phải "bàn làm", để các tuyến cao tốc mới được hoàn thành đúng thời hạn, khớp với các kế hoạch làm ăn của từng địa phương, từng doanh nghiệp, mỗi cá nhân.

Như vậy, mỗi đồng đầu tư cho hạ tầng, ở đây là đường cao tốc, sẽ là "vốn mồi" kích thích vốn đầu tư toàn xã hội. Khi đồng vốn công - tư cùng chảy sẽ tạo ra công ăn việc làm, đánh thức tiềm năng của từng vùng.

Rồi đây mọi người không chỉ nhìn thấy một Bình Dương trù phú mà còn có Bình Phước, các tỉnh Tây Nguyên... cũng nắm tay nhau đi lên. Tiến độ hoàn thành đường cao tốc quan trọng là thế.

Tinh thần có đường là có tất cả đang hừng hực ở khu vực này. Bình Phước những năm gần đây đã quy hoạch thêm hàng ngàn héc ta đất khu công nghiệp với mong muốn các vùng đất không chỉ làm nông nghiệp mà còn có thể thu hút đầu tư, phát triển đô thị, dịch vụ để mang lại giá trị cao hơn.

Với các tỉnh Tây Nguyên, đó là thu hút nhà đầu tư vào công nghiệp chế biến để tăng thêm giá trị cho nông sản, là khai phá tiềm năng về du lịch, khai thác khoáng sản...

Bình Dương cũng đã định ra hướng hành động, khi có đường mới, tỉnh sẽ tái cơ cấu sản xuất cho phù hợp lợi thế của từng vùng.

Đó là chuyển dịch nhà máy từ các đô thị giáp TP.HCM để phát triển các khu công nghiệp mới tại các huyện phía bắc của tỉnh - nơi còn quỹ đất rộng rãi nhưng sẽ rất gần khi có các tuyến đường mới được đầu tư.

Hay với Tây Ninh, ngoài đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, tỉnh này còn phối hợp để đầu tư thêm nhiều cây cầu và các tuyến đường mới hướng về sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải... bằng cách "đi tắt" qua Bình Dương.

Theo tính toán của Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, các cây cầu và đường mới "đi tắt" tới sân bay và cảng sẽ giúp giảm chi phí đáng kể cho các tài xế và doanh nghiệp.

Đường cao tốc mới mở, đường kết nối theo sau, dòng vốn sẽ chảy, tạo cơ hội cho mọi doanh nghiệp và mọi người. Đó chính là nền tảng để có thêm những "Bình Dương mới", đóng góp vào tăng trưởng hai chữ số.

Ai cũng chờ thông đường cao tốc - Ảnh 1.Mở đường cao tốc lên đại ngàn Tây Nguyên

Khu vực Tây Nguyên sẽ được khai phá bởi các tuyến cao tốc như Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cùng một loạt dự án kết nối vùng Đông Nam Bộ giúp rút ngắn thời gian đi lại, mở rộng cửa giao thương đầu tư và du lịch.