Alibaba và JD.com bắt tay để sống sót

Lần đầu tiên 2 đối thủ truyền kiếp chấp nhận hợp tác để sống sót qua dịp siêu sale 11/11, khi nhu cầu thị trường suy yếu và bị đe dọa bởi các nền tảng livestream bán hàng.

Cuộc chiến giành thị phần khốc liệt giữa sàn TMĐT truyền thống và nền tảng livestream vào dịp lễ độc thân 11/11. Ảnh: Cmoinsider.

"Double Eleven" hay "Ngày hội độc thân" hàng năm là lễ hội mua sắm lớn nhất tại Trung Quốc. Năm ngoái, tổng doanh thu dịp 11/11 lên tới 1.140 tỷ nhân dân tệ (tương đương 160 tỷ USD).

Tuy nhiên năm nay, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) nước này đã bắt đầu tung ra các chương trình giảm giá trước 1 tháng, thay vì chỉ tung độc quyền trong 24 giờ vào ngày 11/11 như thường lệ.

Theo SixthTone, nhu cầu thị trường giảm sút hơn mọi năm, trong khi số lượng đối thủ tham gia lại càng tăng. Đặc biệt, sự tham gia của những nền tảng livestream đang nổi lên như Douyin, Kuaishou, hay Xiaohongshu càng khiến cuộc cạnh tranh trong dịp lễ mua sắm năm nay khốc liệt hơn bao giờ hết.

Gắng gượng giành lại thị phần

Thực tế, tại Trung Quốc, đây không chỉ là thời điểm đóng góp lớn nhất cho doanh số bán hàng trong năm, mà còn là thước đo quan trọng để giới đầu tư đánh giá hiệu quả kinh doanh của một nền tảng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng sức hút của "Ngày hội độc thân" không còn mạnh mẽ như trước và các sàn thương mại điện tử cũng nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong thói quen tiêu dùng của người dân.

Ông Liu Bo, Phó chủ tịch Alibaba nhận định người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưu tiên mua sắm tiết kiệm. Họ chú trọng hơn đến giá trị nhận được cho từng khoản chi tiêu, đặc biệt khi có thể mua số lượng lớn sản phẩm với mức giá thấp.

“Do đó, việc nhấn mạnh vào chất lượng không còn phù hợp với xu hướng hiện tại, thay vào đó, phải đẩy mạnh giảm giá và khuyến mại liên tục”, ông Liu Bo đề xuất giải pháp.

Không chỉ "chiến đấu" với nhu cầu tiêu dùng ảm đạm, các nền tảng truyền thống như Alibaba và JD.com cũng đang chịu áp lực khi mất thị phần vào "tay chơi" mới Pinduoduo hay các nền tảng xã hội như Douyin, Kuaishou và Xiaohongshu, vốn đã tích hợp thương mại điện tử vào ứng dụng.

Việc ngày càng nhiều người tiêu dùng Trung Quốc mua sắm dựa trên các gợi ý từ những người có ảnh hưởng trong các buổi livestream hoặc video ngắn trên Douyin đã khiến các nền tảng TMĐT truyền thống như Alibaba và JD phải vật lộn để theo kịp xu hướng.

Le doc than 11/11 anh 1

Một buổi livestream của những người có sức ảnh hưởng có thể bán được hàng triệu sản phẩm. Ảnh: Weibo.

Theo số liệu của Syntun, vào dịp Lễ độc thân 2023, JD.com và Alibaba (gồm Taobao và Tmall) đều mất thị phần đáng kể vào tay các nền tảng phát video và livestream.

Cụ thể, các nền tảng này đã đạt doanh thu 215 tỷ nhân dân tệ (gần 30 tỷ USD), tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các nền tảng TMĐT truyền thống dù vẫn hơn về doanh thu với 924 tỷ nhân dân tệ, song lại giảm 1% so với dịp lễ năm 2022.

Do đó, để kích cầu và giành lại thị phần từ các nền tảng TMĐT livestream trong mùa mua sắm năm nay, cả Alibaba, JD.com và Pinduoduo (công ty mẹ của Temu) đều bắt đầu giảm giá ngay từ giữa tháng 10, tức sớm hơn 1 tuần so với năm ngoái.

Thậm chí Taobao, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất của Alibaba, đã bắt đầu đợt khuyến mại sớm hơn 10 ngày so với năm ngoái.

Le doc than 11/11 anh 2

Các sàn đều áp dụng chương trình giảm giá sâu để thu hút khách hàng. Ảnh: SCMP.

Ngoài ra, các sàn TMĐT truyền thống cũng đã khôi phục chương trình đặt hàng trước, cho phép khách hàng đặt cọc một khoản nhỏ để mua hàng. Chương trình này do JD.com khởi xướng nhưng đã bị hủy bỏ từ tháng 6.

Bên cạnh đó, các nền tảng còn triển khai nhiều chương trình giảm giá phức tạp, cho phép người tiêu dùng khấu trừ nhiều lần trên một đơn hàng - điều hiếm gặp so với trước đây.

Thậm chí, chính phủ Trung Quốc cũng vào cuộc khi triển khai các khoản trợ cấp để kích cầu. Cụ thể, người dùng khi mua một số thiết bị gia dụng hay thiết bị số sẽ được giảm giá tới 20%.

Tuy nhiên, hệ thống giá và các chương trình phức tạp đã nhận nhiều phản ứng tiêu cực trên mạng xã hội, khi người dùng cho rằng trải nghiệm mua sắm trở nên quá rắc rối.

Cú bắt tay lịch sử

Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, lần đầu tiên Alibaba và JD.com - 2 đối thủ cạnh tranh khốc liệt trong mảng TMĐT - đã quyết định hợp tác để thúc đẩy doanh số.

Vào tháng 9, Alibaba đã đưa ra quyết định mang tính lịch sử khi tích hợp WeChat Pay - dịch vụ thanh toán kỹ thuật số thuộc sở hữu của đối thủ Tencent vào Taobao và Tmall.

Theo Wu Jia, một Phó chủ tịch khác của Alibaba, động thái này cho phép công ty tiếp cận nhiều người dùng trẻ hơn và các khách hàng ở thị trường cấp thấp, nơi WeChat Pay đặc biệt phổ biến.

Phó chủ tịch Wu cũng tiết lộ rằng Alibaba có kế hoạch tích hợp JD Logistics vào chuỗi cung ứng của mình trước mùa lễ 11/11, nhằm cung cấp nhiều tùy chọn giao hàng hơn.

Li Chengdong - chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT, từng làm việc cho Tencent - cho rằng hiện Alibaba và JD.com thậm chí không còn coi nhau là đối thủ nữa, bởi Douyin và Pinduoduo mới là mối đe dọa lớn nhất của họ.

Song theo vị chuyên gia, đây là dấu hiệu cho thấy sự tuyệt vọng của các sàn TMĐT truyền thống trong việc thu hút người tiêu dùng dịp 11/11 năm nay.

Dù giảm giá sớm hay bắt tay hợp tác, họ cũng khó có thể ngăn được việc mất thêm thị phần trong những tuần tới

Li Chengdong, chuyên gia về TMĐT

"Các nền tảng đang tranh giành từng đơn hàng, điều này cũng phản ánh tâm lý bi quan về nhu cầu thị trường, khi hầu hết nền tảng đều chịu áp lực về doanh số", ông Li chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Li nhận định rằng dù Alibaba và JD.com có nỗ lực làm gì thì cũng không thể theo theo kịp xu thế livestream và mua hàng qua video.

"Dù giảm giá sớm hay bắt tay hợp tác, họ cũng khó có thể ngăn được việc mất thêm thị phần trong những tuần tới", vị chuyên gia bổ sung.

Ông Li kết luận: "Năm ngoái, các sàn thương mại điện tử truyền thống ghi nhận tăng trưởng âm trong Ngày lễ độc thân, và dự báo năm nay cũng không khả quan, thậm chí có thể tồi tệ hơn".

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới là rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.