Theo báo Wall Street Journal ngày 4-1, trước đó ít lâu quân đội Mỹ đã khôi phục hoạt động sản xuất lựu pháo M777, sau khi Ukraine sử dụng rộng rãi loại pháo này khiến nhu cầu tăng cao.
Thông tin cho biết thêm đơn đặt hàng lựu pháo M777 gần đây nhất đã 5 năm.
Ông Mark Cancian, cố vấn của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, đồng thời là cựu sĩ quan pháo binh của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ, nhận xét việc khởi động lại dây chuyền sản xuất vũ khí sau khi đã ngừng hoạt động rất hiếm gặp.
Phía quân đội Mỹ vẫn chưa đưa ra bình luận nào về việc này.
M777 được “ưu ái” trên chiến trường Ukraine
Quân đội phương Tây gửi đến Kiev những quả lựu pháo tự hành hiện đại hơn, nhưng M777 vẫn giành được “thiện cảm” của binh sĩ Ukraine vì ít hỏng hóc và dễ sử dụng, cũng như dễ sửa chữa.
Tháng 9-2023, đại tá Serhiy Baranov, tư lệnh Binh chủng Tên lửa, pháo binh và các hệ thống không người lái của Ukraine, cho biết những khẩu lựu pháo do Anh sản xuất có khả năng hoạt động tốt hơn các loại pháo nước ngoài khác.
Lính pháo binh Ukraine cũng nói họ thấy M777 rất chính xác, các bộ phận nhẹ giúp việc di chuyển qua những cánh đồng lầy lội trở nên dễ dàng hơn. Các binh sĩ cũng xác nhận nó dễ sử dụng và sửa chữa hơn các loại khác của phương Tây đang được sử dụng tại đây.
Điều này rất cần thiết vì các binh sĩ Ukraine không có nhiều thời gian để học cách sử dụng vũ khí.
Sẽ cần nhiều thời gian để tái khởi động sản xuất M777
Tuy nhiên, cần có thời gian để khởi động lại việc sản xuất loại vũ khí này. Phía BAE System cho biết những khẩu lựu pháo M777 mới sẽ được giao vào năm 2025, do công ty đang tìm kiếm một nhà cung cấp titan mới để sản xuất M777.
“Ngừng hoạt động càng lâu thì việc khởi động lại càng khó khăn và tốn kém hơn” - bà Cynthia R. Cook, nhân viên tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nói.
BAE System cho biết hơn 8 quốc gia đã đưa ra yêu cầu mua lựu pháo M777, kể từ khi chiến sự ở Ukraine bắt đầu hồi tháng 2-2022.
Các loại vũ khí phòng không khác cũng được tái sản xuất
Việc quay trở lại sản xuất lựu pháo M777 cho thấy cuộc chiến ở Ukraine đang định hình lại ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu như thế nào, đặc biệt việc sử dụng pháo binh và hệ thống phòng thủ tên lửa trên chiến trường.
Đồng thời cho thấy nhu cầu về các loại vũ khí phòng thủ tăng vọt.
Tên lửa phòng không Starstreak của Anh cũng đang được sản xuất trở lại, sau khi loại vũ khí này được triển khai ở Ukraine.
Tập đoàn quốc phòng Rheinmetall của Đức cũng đang xem xét khôi phục một cơ sở sản xuất đạn dược, sau khi nhu cầu về đạn pháo ở Ukraine tăng mạnh.
Wall Street Journal nhận định hệ thống phòng không đóng vai trò then chốt đối với Ukraine, cho phép nước này cản trở bước tiến của lực lượng không quân Nga, bảo vệ các thành phố cũng như cơ sở hạ tầng của nước này trước các tên lửa và máy bay không người lái (drone).