Anh và EU hàn gắn quan hệ hậu Brexit

Hội nghị thượng đỉnh Anh - EU diễn ra hôm nay (19-5) được xem là bước ngoặt quan trọng trong quan hệ giữa Vương quốc Anh và khối 27 quốc gia thành viên EU sau nhiều năm căng thẳng kể từ sự kiện Brexit năm 2020.

Anh - Ảnh 1.

Thủ tướng Anh Keir Starmer bắt tay Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Brussels (Bỉ) vào ngày 2-10-2024 - Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Anh Keir Starmer sẽ đón tiếp các lãnh đạo EU tại thủ đô London trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên kể từ khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), nhằm thiết lập lại mối quan hệ đối tác và tăng cường hợp tác về quốc phòng - an ninh giữa hai bên.

Chính quyền Công đảng dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Keir Starmer - người từng vận động chống Brexit - đang tìm cách thiết lập mối quan hệ sâu sắc hơn với EU trong bối cảnh hầu hết người dân Anh hiện nay cho rằng quyết định rời khỏi EU là một sai lầm.

Mở lại cánh cửa hợp tác

Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết ông Starmer sẽ ký thỏa thuận mới với EU nhằm thiết lập lại quan hệ hậu Brexit. Thủ tướng Anh sẽ trình bày cách thức mối quan hệ đối tác được củng cố có thể mang lại lợi ích cho người lao động và cải thiện đời sống kinh tế của họ.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng ông Starmer đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với cam kết không vượt qua các "lằn ranh đỏ" như tái gia nhập khu vực kinh tế chung hay liên minh thuế quan của EU. Điều này có nghĩa là việc xóa bỏ hoàn toàn mọi rào cản thương mại với EU là không khả thi trong giai đoạn hiện nay.

Vương quốc Anh muốn xích lại gần hơn với EUĐỌC NGAY

Các nhà đàm phán hy vọng Anh và EU có thể ký được thỏa thuận hợp tác về quốc phòng và an ninh, đánh dấu sự đảo chiều trong quan hệ giữa hai bên. Việc hợp tác này trở nên cấp thiết trong bối cảnh châu Âu đang chạy đua tái vũ trang trước mối đe dọa từ Nga và lo ngại Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không còn ưu tiên bảo vệ "lục địa già" nữa.

Theo Hội đồng châu Âu, hội nghị thượng đỉnh này "sẽ là cơ hội để thể hiện lập trường chung trong việc hợp tác vì hòa bình và an ninh ở châu Âu, cũng như thiết lập quan hệ đối tác chiến lược mới".

Những vấn đề nóng

Các cuộc đàm phán giữa Anh và EU vẫn đang gặp nhiều trở ngại có thể làm chậm tiến trình hàn gắn quan hệ. Các nhà ngoại giao EU cho biết đàm phán đang tập trung vào việc thuyết phục Anh mở cửa vùng biển cho ngư dân châu Âu, đổi lại EU sẽ nới lỏng việc kiểm tra một số thực phẩm nhập khẩu từ Vương quốc Anh.

"Họ đòi hỏi mọi thứ, nhưng lại không chịu nhượng bộ gì" - một nhà ngoại giao châu Âu phàn nàn về lập trường của Anh.

Nhiều vấn đề quan trọng được đưa ra thảo luận trong hội nghị. Thứ nhất là thỏa thuận quốc phòng và an ninh. Anh muốn đàm phán để doanh nghiệp nước này được tiếp cận những dự án quốc phòng chung trong khuôn khổ "Hành động An ninh vì châu Âu" (SAFE) - chương trình cho vay của EU trị giá 150 tỉ euro.

Thứ hai là kiểm dịch động thực vật (SPS). Công đảng ở Anh xác định một thỏa thuận thú y với EU là trọng tâm trong kế hoạch "tái thiết lập quan hệ" nhằm ngăn chặn các cuộc kiểm tra không cần thiết ở biên giới đối với các sản phẩm như thịt và sữa.

Thứ ba là các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dưới 30 tuổi đi lại và làm việc giữa Anh và EU - hiện được xem là ưu tiên đối với phía EU. Tuy nhiên, chính quyền Thủ tướng Starmer đang tỏ ra thận trọng và loại trừ khả năng khôi phục quyền tự do đi lại.

Thứ tư là ngư nghiệp, từ lâu là điểm nóng gây căng thẳng trong quan hệ hai bên. Năm nay EU đã đưa Anh ra tòa vì lệnh cấm đánh bắt lươn cát trong vùng biển của Anh.

Chính quyền của Thủ tướng Starmer cũng phải đối mặt với sự phản đối từ các đối thủ chính trị.

Tại Quốc hội Anh, ông Andrew Griffith, chính trị gia Đảng Bảo thủ, đã yêu cầu Chính phủ Anh trấn an "hàng triệu người đã bỏ phiếu rời EU" rằng "hội nghị đầu hàng này sẽ không phản bội mong muốn của họ".

Thay đổi quan điểm về Brexit

Khảo sát của YouGov hồi tháng 1 cho thấy chỉ có 30% người dân Anh cho rằng việc bỏ phiếu rời khỏi EU là đúng đắn, trong khi 55% cho rằng đó là quyết định sai lầm.

Đáng chú ý ngay cả ông Nigel Farage - người đã chỉ trích EU gay gắt và là lãnh đạo Đảng Reform UK vốn phản đối nhập cư - cũng thừa nhận rằng Brexit không diễn ra suôn sẻ như kỳ vọng.

Sự thay đổi trong dư luận này là một trong những động lực khiến chính phủ mới của ông Starmer tìm cách cải thiện quan hệ với EU.

Anh và EU hàn gắn quan hệ hậu Brexit - Ảnh 2.Doanh số bán nhà ở London tăng cao nhất từ sau Brexit

Theo số liệu từ Công ty bất động sản Foxtons, doanh số bán nhà tại thủ đô London đang ở mức cao nhất từ sau thời điểm Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit).

Đọc tiếp Về trang Chủ đề