"Tôi mua sữa này vì thấy quảng cáo nhập từ nước ngoài…"
"Tôi nghe nói sữa có thành phần này kia giúp con thông minh trí tuệ…"
Đây là hai trong rất nhiều lời thổ lộ mà BSCKII Mai Quang Huỳnh Mai, Phó khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) nghe được từ nhiều phụ huynh của bệnh nhi đến khám.

Nhiều trẻ chậm phát triển vì phụ huynh chọn nhầm sữa kém chất lượng (Ảnh minh họa: Unsplash).
Trong nhiều năm làm nghề, không ít lần vị bác sĩ từng phải tiếp nhận một số bệnh nhi đến khám vì chậm tăng trưởng sau khi sử dụng các sản phẩm sữa không rõ ràng trong thời gian dài.
Nhiều bé trong số đó sống tại vùng nông thôn và uống sữa mua từ các kênh bán hàng không chính thống.
"Tôi rất quan ngại với thói quen chọn sữa cảm tính của một số phụ huynh bệnh nhi. Họ 'ngây thơ' tin vào lời giới thiệu của người bán, các trình bày bắt mắt trên vỏ hộp mà quên kiểm tra những chi tiết quan trọng để xác nhận sản phẩm này liệu có an toàn cho con em mình hay không", bác sĩ nói.
Rất khó phân biệt sữa thật - sữa giả bằng mắt thường
Theo bác sĩ Mai, hiện nay, thị trường sữa tại Việt Nam có nhiều nhãn hàng được quảng cáo bằng những từ ngữ mỹ miều, bắt tai như "nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài", "công nghệ tiên tiến", "phát triển toàn diện", "tăng cường trí tuệ"...
Tuy nhiên, ngay cả với các nhà chuyên môn, nếu chỉ cảm quan nhìn bằng mắt thường không thể khẳng định sản phẩm đó là thật hay giả nếu không có xét nghiệm kiểm nghiệm chuyên sâu về thành phần dinh dưỡng và vi sinh.
Bác sĩ cảnh báo, người tiêu dùng cần lưu ý nguyên liệu nhập từ nước ngoài không đồng nghĩa với sản phẩm cuối cùng đạt chuẩn chất lượng.
"Chất lượng sữa phụ thuộc vào nguồn gốc và độ tinh khiết của nguyên liệu, tỷ lệ pha trộn, quy trình chế biến, hệ thống hậu kiểm và tính trung thực của đơn vị sản xuất khi công bố thành phần", bác sĩ liệt kê.
Đồng quan điểm, bác sĩ Vi Thị Tươi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng, cũng cho rằng các thủ đoạn quảng cáo sữa giả hiện nay rất tinh vi.
"Sữa giả thường bắt chước tên gọi những dòng sữa uy tín, lại có định hướng truyền thông rất chuyên nghiệp…, nên kể cả khi đã đọc thành phần hay các thuật ngữ, người tiêu dùng vẫn thật sự rất khó phát hiện", bác sĩ này chia sẻ.

Sữa giả rất khó phân biệt bằng mắt thường (Ảnh minh họa: Reuters).
Tuyệt đối không mua sữa qua livestream
Trong bối cảnh sữa giả lẫn lộn trong thị trường, theo bác sĩ Mai, người tiêu dùng nên lựa chọn kênh phân phối uy tín; kiểm tra bao bì, thông tin sản phẩm trước khi mua sữa.
Cụ thể, mọi người nên mua sữa ở nhà thuốc, siêu thị lớn, hệ thống cửa hàng uy tín, nơi có hóa đơn, phiếu thông tin đầy đủ về nhà sản xuất/nhập khẩu. Ưu tiên các sản phẩm đã được Bộ Y tế hoặc Cục An toàn thực phẩm cấp phép lưu hành, có nhà sản xuất uy tín.
Tuyệt đối không mua qua trang mạng các trang không rõ nguồn gốc, livestream bán hàng chưa được kiểm chứng, hàng xách tay hoặc có giá thấp hơn thị trường…
"Một số sản phẩm có mẫu mã sang trọng, tên gọi nước ngoài, nhưng thực tế là gia công nội địa, công bố chất lượng mập mờ, hoặc xách tay không rõ nguồn gốc", bác sĩ cảnh báo.
Bên cạnh đó, nhãn mác trên sữa phải ghi rõ tên sản phẩm, đối tượng sử dụng, thành phần, ngày sản xuất - hạn dùng, tên công ty chịu trách nhiệm, mã số công bố/giấy phép.
"Dù không chính xác tuyệt đối, mọi người có thể kiểm tra mã QR hoặc mã vạch. Nếu nghi ngờ sản phẩm, nên liên hệ hãng sữa qua hotline chính thức để xác minh mã lô sản phẩm", bác sĩ chia sẻ.
Ngoài ra, mọi người cũng có thể nghi ngờ sữa khi có mùi lạ, không tan đều, có lớp cặn khi pha hoặc màu vàng đậm bất thường. Tuy nhiên, vị bác sĩ cũng nhấn mạnh, đây chỉ là phương pháp hỗ trợ. Một số sữa giả có kỹ thuật pha chế rất tinh vi, không khác gì sữa thật về mặt cảm quan.
Ngoài ra, bác sĩ Tươi cũng cảnh báo, mọi người không nên mua sữa vì cả nể người quen giới thiệu, quầy thuốc quảng cáo hay mua tại hội thảo ở thôn/xã…
Người sử dụng sữa giả, kém chất lượng có thể có các dấu hiệu đau đầu, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, phát ban… Trong trường hợp này, người bệnh cần được đưa đến các cơ sở y tế ngay khi có biểu hiện bất thường.
Trong trường hợp không có biểu hiện cấp tính, về lâu dài, trẻ có thể bị suy dinh dưỡng, chậm tăng cân, da xanh, hay quấy khóc; người có bệnh nền có thể suy kiệt do không được cung cấp đủ chất.
Lúc này, bệnh nhân cần gặp bác sĩ dinh dưỡng để được đánh giá lại thể trạng và có phương án cải thiện sức khỏe nếu cần.