Bài học của UAE: Phát triển kinh tế trong lúc thế giới đầy khủng hoảng
Những ngày tới, UAE sẽ rất bận rộn. Hàng chục ngàn nhà ngoại giao, nhà hoạt động môi trường và doanh nhân, sẽ bay tới quốc gia nhỏ bé này, để tham dự hội nghị khí hậu hàng năm của Liên Hiệp Quốc (COP28).
Kỹ năng trung gian của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), trong giải quyết mâu thuẫn giữa những quốc gia và ngành công nghiệp, sẽ có cơ hội phát huy, với hy vọng thế giới đạt được tiến bộ về chống biến đổi khí hậu. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất khiến UAE được chú ý. Thời gian qua, họ đã cho thế giới thấy cách phát triển mạnh mẽ, bất chấp thời đại đầy chia rẽ và bất ổn.
UAE là nơi sinh sống của 0,1% dân số, nhưng lại chiếm 0,5% GDP, và 10% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu. Sự giàu có của họ đến nay khiến nhiều quốc gia ngưỡng mộ. Giống như một số nước mới nổi ngày nay, UAE cũng có sự chia rẽ về chính trị và kinh tế. Họ duy trì một mô hình chính trị chuyên quyền và khép kín, nhưng nền kinh tế lại cực kỳ cởi mở.
UAE là đồng minh thân cận của Mỹ, nhưng đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc. GDP bình quân đầu người của UAE vượt xa Anh hoặc Pháp. Họ cũng được coi là trung tâm giao thương của các doanh nghiệp Ấn Độ và châu Phi, nên mệnh danh là Singapore của Trung Đông. Năm 2020, UAE là một trong những quốc gia vùng Vịnh đầu tiên bình thường hóa quan hệ với nhà nước Do Thái Israel.
Kết quả là, UAE đang ngày càng thịnh vượng, ngay cả khi chiến tranh nổ ra ở Trung Đông và Ukraine, cùng với sự cạnh tranh gay gắt giữa các siêu cường, đang làm chao đảo thế giới. Nền kinh tế phi dầu mỏ của UAE tăng trưởng ở mức gần 6% một năm, tương đương Ấn Độ, nhưng phương Tây và thậm chí cả Trung Quốc đều mơ ước. Người giỏi và tiền bạc đang đổ về, khi thương nhân Trung Quốc, ông trùm Ấn Độ, tỷ phú Nga và chủ ngân hàng phương Tây muốn tìm kiếm một nơi ổn định. Năm 2022, UAE thu hút đầu tư nước ngoài cho các dự án chuyển đổi xanh nhiều hơn bất cứ nơi nào, trừ Mỹ, Anh và Ấn Độ.
Giống như Singapore, UAE là thiên đường của khu vực. Trong khi sự trỗi dậy của Singapore trùng với thời kỳ hoàng kim của toàn cầu hóa, thì UAE lại nắm bắt cơ hội trong hỗn loạn và rối ren. UAE không chỉ muốn phát triển về kinh tế, còn là ảnh hưởng chính trị ra bên ngoài. Theo 1 số chuyên gia, thành công lẫn thất bại của UAE, đều mang đến bài học hữu ích cho các cường quốc tầm trung.
Bài học quan trọng nhất, là hãy phát huy ưu thế để phát triển kinh tế. UAE từng gặp nhiều khó khăn về kinh tế, đặc biệt là khủng hoảng nợ nần do xây dựng của thành phố Dubai, buộc họ phải nhận cứu trợ vào năm 2009. Nhưng ngày nay, UAE đang tận dụng tối đa lợi thế, để đạt được hiệu quả.
Các nhà đầu tư vào cảng biển của UAE, đang ngồi 1 chỗ điều hành công việc ở London, Luanda, Mumbai hay Manila. DP World, một trong những công ty như vậy, hiện xử lý khoảng 1/10 tổng lưu lượng container vận chuyển toàn cầu. Tương tự là Masdar, một trong những hãng phát triển năng lượng sạch lớn nhất thế giới, đã đầu tư vào mọi thứ, từ trang trại gió ở Texas đến nhà máy năng lượng mặt trời ở Uzbekistan. Ngày càng nhiều ông lớn trên toàn cầu, xem UAE là nơi lý tưởng, an toàn và thoải mái, để làm việc, sinh sống cũng như nghỉ dưỡng. Hơn thế nữa, UAE hiện cũng là một trong những nhà đầu tư quan trọng ở châu Phi, giúp xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Không những vậy, khả năng tiếp cận vốn, sức mạnh điện toán và phân tích dữ liệu, giúp các nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) ở Abu Dhabi tạo ra Falcon - mô hình ngôn ngữ lớn mã nguồn mở. Falcon về mặt nào đó, tiềm năng có thể đánh bại sản phẩm tương tự của Meta. Một số chuyên gia cho rằng, UAE là quốc gia quan trọng thứ ba về AI, sau Mỹ và Trung Quốc. Xuyên suốt quá trình phát triển, UAE đã tận dụng triệt để vị trí trung chuyển của đất nước ở ngã ba châu Phi, châu Á và châu Âu. AI và sức mạnh công nghệ, giúp xây dựng các đế chế kinh tế có hệ thống quản trị và nền tảng kỹ thuật tốt.
Một bài học nữa là chào đón nhân tài nước ngoài. Chỉ với 1 triệu người dân địa phương, UAE cần thêm người di cư có tay nghề cả cao lẫn thấp. Thế giới không thiếu người dám nghĩ dám làm, với hy vọng kiếm cơ hội phát triển ở một nơi bản thân được tạo điều kiện. Các công ty khởi nghiệp, công ty đổi mới sáng tạo, tìm tới UAE không chỉ vì chính sách, mà còn tính quốc tế hóa. Quan chức đều nói tiếng Anh thành thạo. Phần lớn được đào tạo bài bản ở phương Tây.
Trong khi Ả Rập Saudi đang sử dụng cả biện pháp cứng nhắc để thu hút chuyên gia, ví dụ yêu cầu các tập đoàn lớn lập chi nhánh ở khu vực, thì UAE muốn biến mình thành nơi hấp dẫn để sống, kinh doanh và nghỉ ngơi thuần túy.
Chương trình thị thực vàng (golden visa) bắt đầu năm 2019, mang lại cho các chuyên gia cơ hội cư trú dài hạn. Một số ít thậm chí có thể nộp đơn xin quốc tịch - điều chưa từng có ở vùng Vịnh. Đến lúc nào đó, Ả Rập Saudi - quốc gia mới bắt đầu dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ, có thể bước đi tương tự. Mặc dù UAE hạn chế nghiêm ngặt quyền tự do chính trị, cũng như có thành tích xấu về nhân quyền, nhưng các mối đe dọa cạnh tranh đang thúc đẩy nước này tự do hơn về xã hội và kinh tế.
UAE cũng đang hưởng lợi từ chính sách thương mại. Ấn Độ là quốc gia cảnh giác với thương mại tự do, nhưng năm 2022 đã ký FTA với UAE, sau một thập kỷ đàm phán. Từ đó buôn bán giữa hai nước tăng thêm 16%. Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel năm 2020, mang lại cho UAE nhiều bí quyết công nghệ quý giá. Các công ty Israel tiếp cận nguồn vốn sâu và thị trường vùng Vịnh rộng lớn, thông qua cửa ngõ UAE. Nhiều hãng hàng không phương Tây ngừng bay đến Israel khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu. Tuy nhiên, Etihad và FlyDubai, 2 hãng hàng không của UAE, vẫn thực hiện các chuyến bay bình thường.
Khi ảnh hưởng của Mỹ suy yếu, nhiều cường quốc tầm trung bị cám dỗ trước viễn cảnh tăng cường hình ảnh và sức mạnh ở nước ngoài, nhằm bù đắp khoảng trống. Ông Muhammad bin Zayed, tổng thống và là người cai trị trên thực tế của UAE, đã nắm được thế chủ động một cách hợp lý. Chủ nghĩa thực dụng của ông, giúp ích nhiều cho chiến lược này. Ở châu Phi, UAE là đối tác được chào đón, không như phương Tây bị coi là mang tư tưởng thực dân, hay Trung Quốc mang bẫy nợ.
Cuộc họp về khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP28) vào tháng 12 tới, UAE đang hy vọng sẽ trở thành quốc gia kết nối, giữa những nước phát triển, đang phát triển và kém phát triển.