Thủ phủ trồng lá dong Hà Tĩnh
Những ngày này phóng viên trở về thôn Vĩnh Phúc (xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ) ghi nhận trong vườn của mỗi hộ dân đều phủ màu xanh bạt ngàn bởi cây
Thủ phủ trồng lá dong Hà Tĩnh
Những ngày này phóng viên trở về thôn Vĩnh Phúc (xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ) ghi nhận trong vườn của mỗi hộ dân đều phủ màu xanh bạt ngàn bởi cây
Bà Nguyễn Thị Viên bên vườn cây lá dong của gia đình
Cách đây hàng chục năm, ở thôn Vĩnh Phúc chỉ một số gia đình trồng cây lá dong, lúc đầu họ trồng để gói bánh chưng phục vụ nhu cầu gia đình. Về sau lá dong có giá trị trên thị thường nên được người dân trồng đồng loạt, cứ dịp cuối năm họ cắt bán kiếm thêm nguồn thu nhập chi tiêu những ngày Tết.
Bà Viên hiện là một trong số hộ dân trồng cây lá dong nhiều nhất ở thôn Vĩnh Phúc với diện tích khoảng 1.200m2. Năm 2023, bà bán được 30.000 lá dong, thu về 18 triệu đồng. Năm nay, bà dự định xuất bán khoảng 25.000 lá dong, giá trị thị thường hiện nay dao động 60.000 đồng/100 lá, ước tính bà thu về khoảng 15 triệu đồng.
Cách nhà bà Viên khoảng 500m, bà Nguyễn Thị Hà (50 tuổi, ngụ thôn Vĩnh Sơn, xã Quang Vĩnh) những ngày này cũng đang tất bật dọn lại vườn tược làm lối đi để chuẩn bị cắt lá dong giao cho thương lái. Vườn trồng cây lá dong của gia đình bà Hà rộng hơn 300m2, sản lượng năm nay đạt khoảng 10.000 lá. Cách đây một tuần bà bán cho thương lái với giá 6 triệu đồng.
Thêm nguồn thu nhập chi tiêu ngày Tết
Trồng cây lá dong không tốn nhiều chi phí cũng như công chăm sóc, thuận lợi cho người nông dân, vì vậy hầu hết ở thôn Vĩnh Phúc hộ gia đình nào cũng trồng cây này để vừa sử dụng gói bánh chưng khi Tết đến, vừa bán ra thị trường có thêm nguồn thu nhập.
Người dân muốn trồng cây lá dong chỉ cần xin một ít "mồi" (bụi rễ cây) từ gia đình khác, sau đó đem về trồng trong vườn, họ bón phân lân, phân chuồng, đạm, vôi để phòng trừ sâu bệnh một thời gian sau cây sẽ ra mầm, đơm lá.
Mỗi năm cây lá dong sẽ cho ra hai vụ lá để người dân thu hoạch. Tuy nhiên, việc thu hoạch nhiều sẽ khiến cây cho lá nhỏ, không đẹp, do vậy người dân ở thôn Vĩnh Phúc thường thu hoạch lá vụ Tết.
Điểm đặc biệt ở cây lá dong thôn Vĩnh Sơn là có màu xanh đâm, ít bị úa vàng sau cắt, bánh chưng được gói bằng lá dong thôn này sau khi nấu chín vẫn có màu xanh đậm, hương thơm của lá dong hòa quyện lẫn mùi thơm của nếp rất đặc trưng.
Theo bà Viên, người dân trồng lá dong ở thôn Vĩnh Phúc rất thuận lợi bởi không cần cắt đem ra thị trường bán, mà cứ mỗi dịp gần Tết thương lái ở trong và ngoài tỉnh tự tìm đến các khu vườn để mua. Lá dong xanh tốt, lá to bán có giá trị hơn những lá dong nhỏ, còi cọc.
"Ngoài nghề thuần nông thì người dân ở đây tận dụng những khu đất trống trong vườn nhà để trồng thêm cây lá dong. Mỗi dịp cuối năm người dân cắt lá dong bán, thu về một khoản thu nhập không nhỏ để mua sắm, chi tiêu ngày Tết" - bà Viên nói.
Theo lãnh đạo UBND xã Quang Vĩnh, toàn xã hiện có khoảng 100 hộ dân chuyên trồng cây lá dong, với diện tích trên 10ha.
Trong đó hộ dân trồng ít là khoảng 300m2, hộ trồng nhiều thì đến hàng ngàn mét vuông. Hằng năm cứ đến dịp Tết, các hộ dân lại thu hoạch lá dong đem bán, mang về nguồn thu nhập đáng kể, từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp bà con đón Tết vui tươi hơn.