Hàng nghìn tấn vũ khí cho Ukraine bị "khóa chặt"
Tạp chí International Affairs của Bộ Ngoại giao Nga ngày 23/1 đưa tin, chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút lại tất cả yêu cầu đối với các nhà thầu về hoạt động hậu cần thông qua 3 thành phố Rzeszow (Ba Lan), Constanta (Romania) và Varna (Bulgaria). Đây là 3 thành phố đóng vai trò quan trọng trong hậu cần và giao thông hàng hóa, đặc biệt là trong việc vận chuyển vũ khí tới các quốc gia khác.
Theo International Affairs, tất cả các lô hàng đến Ukraine hiện đã bị đình chỉ và "khóa chặt" tại các căn cứ NATO ở châu Âu. Những lô hàng này được cho là chứa hàng nghìn tấn vũ khí và thiết bị dành cho Kiev.
Ngoài ra, Lầu Năm Góc đã tiến hành chiến dịch "thanh lọc" lớn khi sa thải/đình chỉ tất cả những người chịu trách nhiệm cung ứng vũ khí cho Ukraine.
International Affairs cho biết, thông tin này đã được nhà báo người Ukraine Roman Bochkala – hiện đang ở Mỹ - xác nhận.
"Tất cả những người chịu trách nhiệm cung ứng vũ khí cho Ukraine đã bị sa thải/đình chỉ hoặc điều động tới vị trí khác. Một sự khởi động lại hoàn toàn. Sắp tới chắc chắn sẽ có những thay đổi và định dạng quan hệ mới" – Ông Bochkala thông tin qua mạng xã hội cá nhân sau cuộc họp với các nhà báo của tờ Washington Post.
International Affairs dẫn nguồn từ truyền thông Mỹ cho biết, chính quyền mới đang tiến hành một cuộc kiểm toán quy mô lớn về việc sử dụng sai mục đích các khoản tiền viện trợ cho Ukraine.
Trước đó, không bao lâu sau lễ nhậm chức Tổng thống ngày 20/1, ông Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp đình chỉ nguồn cung cấp viện trợ phát triển của Mỹ cho các nước khác với thời hạn 90 ngày.
Theo tờ Los Angeles Times, mục đích của quyết định này là nhằm kiểm tra xem hoạt động viện trợ có tuân thủ với chính sách hiện tại của Mỹ hay không.
"Tất cả các bộ ngành và những người đứng đầu các cơ quan chịu trách nhiệm về chương trình viện trợ phát triển nước ngoài của Mỹ phải ngay lập tức tạm dừng các nghĩa vụ mới, cũng như việc giải ngân các quỹ viện trợ phát triển của Mỹ" – Nội dung sắc lệnh hành pháp do ông Trump ký chỉ vài giờ sau khi nhậm chức nêu rõ.
Theo hãng thông tấn RBC-Ukraine, viện trợ phát triển thường được phân bổ thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), trong đó bao gồm các chương trình tái thiết cho Ukraine. Do đó, Kiev rất có thể sẽ gặp khó khăn trong việc phân bổ ngân sách để xây dựng và sửa chữa hạ tầng năng lượng sau các cuộc tập kích của Nga.
Ông Trump: Ukraine đáng ra không nên chống trả Nga
Liên quan đến tình hình Ukraine, hãng tin NBC News đưa tin, trong cuộc phỏng vấn được phát sóng tối 23/1, Tổng thống Trump đã bày tỏ quan điểm cho rằng, Ukraine "đáng ra không nên chống trả khi Nga phát động chiến dịch quân sự".
"Ông Zelensky đã chiến đấu chống lại một thực thể lớn hơn nhiều, mạnh hơn nhiều" – Ông Trump nói với người dẫn chương trình Sean Hannity của Fox News. "Ông ấy không nên làm như vậy, vì chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận".
Theo Tổng thống Mỹ, ông Zelensky nên tìm kiếm một thỏa thuận với Tổng thống Nga Putin để tránh chiến tranh.
"Tôi có thể dễ dàng thực hiện thỏa thuận đó, nhưng ông Zelensky đã quyết định rằng ông ấy muốn chiến đấu" – ông Trump nói.
Nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục so sánh số lượng xe tăng mà mỗi bên tham chiến có, và nhấn mạnh rằng Nga có nhiều xe tăng hơn.
"Không nên chiến đấu với những thứ đó" – Ông Trump nói.
Châu Âu hối thúc ông Trump tham gia bảo đảm cho Ukraine
Trong khi đó, các quan chức châu Âu đang tìm kiếm cam kết từ chính quyền mới của ông Trump về việc tham gia đảm bảo an ninh cho Ukraine.
Các đồng minh châu Âu của Ukraine đồng tình với Tổng thống Zelensky rằng, Mỹ nên đóng góp quân cho bất cứ lực lượng gìn giữ hòa bình nào dự kiến được triển khai tại Ukraine trong tương lai. Tuy nhiên, để đổi lấy những cam kết đó, ông Trump có thể sẽ kỳ vọng châu Âu gánh vác phần lớn gánh nặng trong việc thực thi bất cứ thỏa thuận tiềm năng nào. Với nhà lãnh đạo Mỹ, cuộc chiến ở Ukraine là vấn đề của châu Âu.
Bình luận về vấn đề trên, tờ ANSA (Italia) cho rằng, trước tiên châu Âu nên lo cho bản thân mình thì hơn.
Tờ này dẫn một nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết, ông Trump đang có ý định rút 20.000 quân Mỹ khỏi châu Âu "như một phần trong quá trình xem xét lại các cam kết của Mỹ nhằm bảo vệ châu lúc này".
Trong trường hợp đó, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại châu Âu sẽ giảm khoảng 20%.