Bất bình với luật của EU, nước xuất khẩu LNG lớn thứ 3 thế giới doạ ngừng cung cấp khí đốt cho khối

EU hiện nhập khẩu gần 15% sản lượng LNG của "ông lớn" năng lượng này.

Bất bình với luật của EU, nước xuất khẩu LNG lớn thứ 3 thế giới doạ ngừng cung cấp khí đốt cho khối- Ảnh 1.

Qatar doạ sẽ xem xét ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) cho Liên minh châu Âu (EU). Động thái này nhằm phản đối luật của EU về trách nhiệm doanh nghiệp liên quan đến vấn đề lao động và bảo vệ môi trường.

Trong một bức thư gửi Chính phủ Bỉ đề ngày 21/5, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi cho biết quốc gia vùng Vịnh phản đối Chỉ thị Thẩm định Chuỗi cung ứng vì Phát triển bền vững của EU (CSDDD). Chỉ thị này yêu cầu các doanh nghiệp lớn hoạt động tại EU phải rà soát và khắc phục các vấn đề lao động và môi trường trong chuỗi cung ứng của mình.

“Nói một cách đơn giản, nếu CSDDD không được sửa đổi thêm, Qatar và QatarEnergy sẽ buộc phải cân nhắc nghiêm túc việc chuyển hướng xuất khẩu LNG và các sản phẩm khác sang các thị trường thay thế ngoài EU – nơi có môi trường kinh doanh ổn định và thân thiện hơn", Bộ trưởng Năng lượng Qatar viết trong thư.

Qatar là nhà xuất khẩu LNG lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Australia. EU hiện nhập khẩu khoảng 12-14% tổng sản lượng LNG của Qatar sau khi xung đột Nga-Ukraine khiến nguồn cung khí đốt Nga bị hạn chế sang châu Âu. Qatar có các hợp đồng dài hạn với nhiều tập đoàn năng lượng lớn của châu Âu như Shell, TotalEnergies và ENI.

Một người phát ngôn của Phái đoàn Bỉ tại EU từ chối bình luận về bức thư vốn được tờ Welt am Sonntag (Đức) công bố đầu tiên. Ủy ban châu Âu (EC) cũng xác nhận đã nhận được thư tương tự từ Qatar đề ngày 13/5.

Theo một đại diện EC, hiện các quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu đang thảo thuận các điều chỉnh cho CSDDD, bao gồm hoãn áp dụng đến giữa năm 2028 và giảm bớt mức độ kiểm tra chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp phải thực hiện. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp vi phạm, họ có thể bị phạt lên tới 5% doanh thu toàn cầu.

Trong thư gửi chính phủ Bỉ, Bộ trưởng Kaabi, kiêm CEO của QatarEnergy, cũng bày tỏ lo ngại về việc EU yêu cầu doanh nghiệp phải có kế hoạch chuyển đổi khí hậu phù hợp với mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp theo Hiệp định Paris.

"Qatar và QatarEnergy không có bất kỳ kế hoạch nào đạt mức phát thải ròng bằng 0 trong tương lai gần", Bộ trưởng Kaabi nêu rõ. Ông cũng cho rằng CSDDD đang xâm phạm quyền chủ quyền của từng quốc gia trong việc đóng góp tự nguyện đối với các mục tiêu khí hậu toàn cầu.

Tham khảo: Reuters