"Bật đèn xanh" cho điện rác, điện mặt trời nổi

Thực tế cho thấy tiềm năng phát triển các nguồn điện rác, điện mặt trời trên mặt hồ thủy điện và thủy lợi là rất lớn

Tại cuộc họp với 63 địa phương mới đây về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII), Bộ Công Thương cho biết đang xem xét mở tối đa nguồn điện rác, ưu tiên điện mặt trời mặt hồ.

Đề xuất bổ sung quy hoạch

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, điện mặt trời mặt hồ sẽ được ưu tiên phát triển và đưa vào quy hoạch, nhất là ở những địa phương có sẵn mặt hồ thủy điện và đường nối lưới. Còn với điện rác, tinh thần chung là sẽ mở ra tối đa trên cơ sở nhu cầu, đề xuất của các địa phương. Bộ Công Thương dự kiến trình Thủ tướng Quy hoạch điện VIII điều chỉnh trước ngày 28-2.

Theo cập nhật bổ sung danh mục dự án năng lượng tái tạo của Bộ Công Thương, các địa phương đang đề xuất 34 dự án điện rác với công suất 621,1 MW. Ví dụ, đại diện Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang đề xuất Bộ Công Thương đưa vào quy hoạch thêm 20 MW điện rác. Đại diện Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị xem xét bổ sung công suất 10 MW loại hình điện này. Trong khi đó, đại diện tỉnh Lâm Đồng cũng đề xuất bổ sung thủy điện tích năng trên lưu vực sông Đồng Nai và bổ sung vào quy hoạch các dự án điện mặt trời trên mặt nước.

Ông Nguyễn Tuyển Tâm, Trưởng Phòng Kế hoạch và Quy hoạch Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương, cho hay theo Quy hoạch điện VIII, công suất điện rác cả nước chỉ hơn 2.200 MW. Tuy nhiên, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo sẽ nghiên cứu để điều chỉnh quy mô nguồn điện rác cho phù hợp với quy mô rác thải thực tế. "Mặc dù có chủ trương mở rộng nguồn điện rác tối đa song Bộ Công Thương cũng đang đánh giá tác động lên lưới điện" - ông Tâm cho biết.

Về điện mặt trời nổi, PGS-TS Đặng Đình Thống, Hội Khoa học và Công nghệ Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA), đánh giá với cường độ bức xạ mặt trời trung bình cả nước 4,2 KWh/m2/ngày, có thể sản xuất thêm khoảng 511 tỉ KWh điện. Như vậy, tiềm năng phát triển điện mặt trời nổi trên các hồ thủy điện để tạo ra các tổ hợp phát điện thủy điện - điện mặt trời ở Việt Nam là rất lớn. Bên cạnh đó, hàng trăm hồ thủy lợi lớn nhỏ với tổng diện tích mặt nước rất đáng kể cũng sẽ là điều kiện tốt để phát triển thêm công suất điện mặt trời nổi.

Nhà máy điện rác Sóc Sơn (TP Hà Nội) xử lý trung bình khoảng 5.000 tấn rác tươi/ngày, tổng công suất điện 90 MWẢnh: THÙY LINH

Nhà máy điện rác Sóc Sơn (TP Hà Nội) xử lý trung bình khoảng 5.000 tấn rác tươi/ngày, tổng công suất điện 90 MWẢnh: THÙY LINH

Còn nhiều vướng mắc

Dự án điện mặt trời nổi đầu tiên và lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm này là dự án Đa Mi tại tỉnh Bình Thuận, do Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng, vận hành thương mại năm 2019 với sản lượng thiết kế khoảng 70 triệu KWh/năm.

Thực tế, thời gian qua, các dự án điện rác, điện mặt trời mặt hồ chính thức phát điện lên lưới chưa nhiều, một phần do còn gặp nhiều vướng mắc khi triển khai. Theo một nhà đầu tư điện mặt trời nổi, về mặt kỹ thuật, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể đáp ứng song vướng mắc lớn nhất nằm ở hồ sơ và quy hoạch để triển khai dự án.

Trong khi đó, với loại hình điện rác, trong 20 năm gần đây, Việt Nam có khoảng 20 dự án đã và đang được triển khai. Tuy nhiên, mới có một số nhà máy chính thức phát điện lên lưới như Nhà máy điện rác Sóc Sơn (Hà Nội), Nhà máy đốt chất thải phát điện Seraphin (Hà Nội), Nhà máy đốt chất thải phát điện Cần Thơ...

Là nhà đầu tư điện rác, ông Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam, cho hay quá trình triển khai gặp một số vướng mắc, chẳng hạn thủ tục đưa dự án điện rác vào quy hoạch để đấu nối với lưới điện hiện nay còn rườm rà. Do đó, ông kiến nghị cho phép các địa phương đăng ký sản lượng, thay vì nhà đầu tư phải tự đăng ký, hoàn thiện thủ tục để xin vào quy hoạch.

"Các nhà đầu tư nội địa gặp khó khăn bởi câu chuyện "con gà - quả trứng". Nhiều địa phương yêu cầu nhà đầu tư điện rác phải đạt điều kiện đã từng triển khai 2 dự án tương tự, khiến nhà đầu tư trong nước phải đứng ngoài cuộc đua" - ông Trọng nêu thêm.

Cũng theo ông Trọng, việc "mở cửa" cho điện rác sẽ không gây áp lực cho hệ thống truyền tải. Bởi theo tính toán, ở Hà Nội, với 7.000 tấn rác/ngày thì công suất phát điện chỉ khoảng 140 MW/ngày - con số không lớn.

Theo PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, các dự án điện rác phải bảo đảm thực hiện theo đúng quy hoạch cũng như các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan thu hồi năng lượng, tái chế.

"Quy định hiện hành cho phép nếu Việt Nam chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn thì có thể áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn châu Âu. Thế nhưng, đáp ứng được quy định này thì lại không đáp ứng quy định khác và phải xin ý kiến các bộ, ngành. Vì vậy, việc tháo gỡ vướng mắc về thể chế là vấn đề quan trọng" - ông Thọ nhìn nhận. 

Đề xuất giá điện rác 12 cent/KWh

Theo ông Nguyễn Đình Trọng, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, công suất điện rác có thể lên tới hơn 100 MW, còn các địa phương khác chỉ dao động 10-20 MW do số lượng rác ít. Trong khi đó, các dự án đốt rác phát điện áp dụng mức giá cố định 10,05 cent/KWh (khoảng hơn 2.500 đồng/KWh). Vì vậy, ông đề nghị xem xét tăng giá lên 12 cent/KWh để thu hút nhà đầu tư, nhất là ở địa phương gặp khó khăn về thu hồi, xử lý rác thải do số lượng ít.