Bất ngờ về trữ lượng vàng vừa phát hiện tại Việt Nam, hai tỉnh nào dẫn đầu về số mỏ "kho báu"?

Trong 40 mỏ vàng được phát hiện có 14 mỏ trung bình, 26 mỏ nhỏ, phân bổ tại các tỉnh Tây Bắc.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường mới đây đã công bố kết quả "Đề án điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội (Đề án Tây Bắc)".

Đây là một trong những đề án điều tra địa chất cơ bản lớn nhất cả nước, có quy mô rộng, đối tượng đa dạng, thời gian thực hiện kéo dài gần 8 năm (từ năm 2017).

Ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết đơn vị đã lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 trên 13.081 km2; thực hiện 498 lỗ khoan với tổng chiều sâu hơn 46.000 mét, trong đó 90% lỗ khoan gặp thân quặng – một tỉ lệ rất cao.

Đặc biệt, Đề án đã đạt được thành tựu quan trọng là phát hiện và đánh giá 110 mỏ khoáng sản. Trong đó, có tới 40 mỏ vàng với tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 29,9 tấn vàng.

Bất ngờ về trữ lượng vàng vừa phát hiện tại Việt Nam, hai tỉnh nào dẫn đầu về số mỏ "kho báu"?- Ảnh 1.

40 mỏ vàng được phát hiện có trữ lượng gần 30 tấn - Ảnh minh họa

Trong 40 mỏ vàng trên, có 14 mỏ trung bình, 26 mỏ nhỏ, phân bổ tại các tỉnh: Tuyên Quang và Bắc Kạn mỗi tỉnh 8 mỏ, Lai Châu 5 mỏ, Thanh Hóa và Nghệ An mỗi tỉnh 4 mỏ, Cao Bằng và Lạng Sơn mỗi tỉnh 3 mỏ, Hà Giang (Yên Bái), Sơn La mỗi nơi 2 mỏ, Điện Biên 1 mỏ.

Tại 2 khu vực phát hiện nhiều mỏ vàng nhất là tỉnh Tuyên Quang và Bắc Kạn, các nhà nghiên cứu phát hiện mỏ vàng được phân bố khá sâu.

Thông tin trên TNO cho hay, tại Tuyên Quang các mỏ vàng là phần nhân của nếp lồi Đạo Viện có trục kéo dài theo hướng đông bắc - tây nam. Vàng được phát hiện khi khoan xuống độ sâu 220 m. Chuyên gia cho rằng, các thân quặng vàng ở dưới sâu, tối đa lên đến 500 m nên cần được điều tra, đánh giá tiếp.

Bất ngờ về trữ lượng vàng vừa phát hiện tại Việt Nam, hai tỉnh nào dẫn đầu về số mỏ "kho báu"?- Ảnh 2.

Số lượng các mỏ vàng phân bố tại các tỉnh

Tại Bắc Kạn, nhà nghiên cứu phát hiện nhiều thân quặng vàng bắt đầu độ sâu 140 m, khả năng phát hiện thêm các thân quặng dưới sâu, quặng ẩn, đến độ sâu khoảng 200 - 250 m theo hướng cắm hoặc sâu hơn.

Còn tại tỉnh Lai Châu, các nhà nghiên cứu phát hiện vàng nằm trong các đới cà nát, milonit (đá biến chất động lực hạt mịn) dọc theo đới đứt gãy phương tây bắc - đông nam. Đây là khu vực có thân quặng tồn tại ở phần sâu, có triển vọng phát hiện quặng vàng ẩn sâu nên cần được đầu tư điều tra, phát hiện.

Trữ lượng vàng của Việt Nam là bao nhiêu?

Trước đây, Việt Nam phát hiện 500 điểm quặng, mỏ vàng, trong đó khoảng 30 vị trí đã được thăm dò, đánh giá với trữ lượng khoảng 300 tấn. Các mỏ vàng chủ yếu ở miền núi phía Bắc, một số tỉnh Trung Bộ.

Theo kết quả thăm dò khoáng sản giai đoạn 2011-2020, được phê duyệt bởi Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia, Việt Nam có khoảng 25.084 kg vàng gốc.

Trong đó, Quảng Nam là tỉnh nhiều vàng nhất cả nước, tập trung chủ yếu ở mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn. Năm 2011, theo khảo sát, hai mỏ vàng này có trữ lượng khoảng 20 tấn. Mỏ vàng Bồng Miêu là một trong những mỏ có trữ lượng lớn nhất nước hiện nay.

Tuy nhiên, tháng 3/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt dự án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu với kinh phí 19,5 tỷ đồng, giao địa phương thực hiện đến cuối năm 2024.

Kết quả của đề án Tây Bắc còn xác định có 5 mỏ đồng với tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 13.000 tấn đồng kim loại. Ngoài ra, tại mỏ đồng ở Lùng Thàng (xã Bản Qua và Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), các đơn vị nghiên cứu còn phát hiện khoáng sản đi kèm có vàng với tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 420 kg vàng.

Ngoài các mỏ vàng có một thành tựu quan trọng của Đề án là đã phát hiện và đánh giá 110 mỏ khoáng sản, gồm 25 loại khác nhau như đất hiếm, thiếc-wolfram, vàng, đồng, antimon, đá mỹ nghệ, đá vôi công nghiệp… Trong đó có 17 mỏ quy mô lớn, 43 mỏ trung bình và 50 mỏ nhỏ - vượt gấp đôi mục tiêu ban đầu.

Bất ngờ về trữ lượng vàng vừa phát hiện tại Việt Nam, hai tỉnh nào dẫn đầu về số mỏ "kho báu"?- Ảnh 3.

2 loại khoáng sản quý hiếm vừa được phát hiện ngoài vàng - AI phân tích và đánh giá

Ông Trọng cho biết: "Trong 110 mỏ khoáng sản mới được phát hiện, 62 diện tích khoáng sản tiềm năng đã được chuyển giao để tích hợp vào Quy hoạch thăm dò khoáng sản quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Đề án cũng dự báo 15 diện tích phân bố đá magma có tiềm năng khoáng sản chiến lược; điều tra chi tiết 3 khu vực địa nhiệt ở Điện Biên, Lai Châu và Sơn La; hoàn thành bản đồ địa chất - khoáng sản tỷ lệ 1:250.000 toàn khu vực Bắc Bộ và tỉnh Nghệ An.

Đề án Tây Bắc là đề án điều tra tổng thể tiềm năng khoáng sản, tài nguyên địa chất, đo vẽ hoàn thiện bản đồ địa chất khoáng sản, tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Phạm vi thực hiện của Đề án Tây Bắc gồm toàn bộ vùng Tây Bắc với diện tích 109.250km, gồm 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện phía Tây của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.

Trang Anh