Ngày 28/12, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết các bác sĩ nơi đây vừa tiến hành ca ghép thận cho một bệnh nhi, với nguồn tạng từ người cho chết não.
Người đàn ông chết não "gửi" lại thận cho bé trai 13 tuổi
Trước đó, vào tối 18/12, Bệnh viện Nhi đồng 2 nhận được thông tin từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia về một trường hợp bệnh nhân hiến tạng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương.
Đó là một bệnh nhân 47 tuổi, nhập viện trong tình trạng xuất huyết não nguy kịch. Dù các bác sĩ nỗ lực điều trị, bệnh nhân được chẩn đoán chết não.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, ekip bác sĩ nhanh chóng liên lạc với người nhận phù hợp, thực hiện xét nghiệm, các thủ tục theo đúng quy trình và khẩn trương hội chẩn liên viện với Bệnh viện Chợ Rẫy, thống nhất các nội dung liên quan để chuẩn bị công tác lấy và ghép thận.
Bệnh nhi nhận thận là bé trai 13 tuổi, được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối, đang lọc máu định kỳ nhưng không đáp ứng tốt với lịch lọc máu.
Trước phẫu thuật, bệnh nhi được chỉ định chụp CT scan dựng hình mạch máu và siêu âm, nhằm đánh giá mức độ xơ hóa và tắc nghẽn mạch máu vùng chậu. Kết quả cho thấy, động mạch chậu ngoài của bệnh nhi xơ hóa kèm nhiều nốt vôi hóa, tĩnh mạch chậu ngoài viêm tắc hoàn toàn.
Sau khi xác nhận sự phù hợp của thận hiến với bệnh nhi, công tác lấy tạng được tiến hành lập tức. Dưới sự hộ tống của lực lượng cảnh sát giao thông, thận được vận chuyển trong điều kiện bảo quản nghiêm ngặt, đảm bảo không bị ảnh hưởng trong quá trình đưa từ Bình Dương về TPHCM.
Khi thận được đưa về đến Bệnh viện Nhi đồng 2, mọi công tác chuẩn bị cho ca ghép đã hoàn tất. Ekip phẫu thuật ghép tạng bao gồm các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 và các chuyên gia đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ca phẫu thuật thách thức
Ekip mổ nhận định, thách thức lớn nhất là tình trạng xơ hóa nghiêm trọng mạch máu vùng chậu của bệnh nhi - hệ quả từ quá trình điều trị suy thận kéo dài. Xơ hóa mạch máu làm giảm độ đàn hồi và lưu thông của máu, tăng nguy cơ tắc nghẽn, chảy máu hoặc thậm chí là hoại tử thận ghép.
Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã gặp rất nhiều thách thức để xử lý tình trạng mạch máu nêu trên. Một trong những khó khăn lớn là việc lựa chọn vị trí mạch máu, để tiến hành khâu nối giữa mạch máu thận hiến và mạch máu của người nhận, nhằm đảm bảo máu lưu thông tốt, giúp thận mới hoạt động hiệu quả.
Do động mạch chậu ngoài bị xơ hóa, nhóm phẫu thuật viên đã quyết định sử dụng động mạch chậu chung để khâu nối. Tĩnh mạch thận từ người hiến được nối vào tĩnh mạch chủ dưới bằng phương pháp khâu nối tận bên.
Sau khi thận được ghép thành công, bệnh nhi được chuyển vào khu hồi sức để tiếp tục điều trị. Trong 24 giờ đầu, các xét nghiệm và cận lâm sàng kiểm tra cho thấy, chức năng thận cải thiện đáng kể, thận ghép đang dần thích nghi với cơ thể.
Bệnh nhi được điều trị chống đông và theo dõi siêu âm hàng ngày sau phẫu thuật. Các dấu hiệu tưới máu thận được theo dõi sát, và đến nay, kết quả cho thấy thận ghép hoạt động tốt.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Phan Nguyễn Ngọc Tú, Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã thực hiện thành công 33 trường hợp ghép thận cho trẻ em. Trong đó, có 3 trường hợp ghép thận từ người hiến chết não.
"Ca ghép thận này không chỉ mang lại sự sống cho bệnh nhi mà còn là minh chứng cho sự phát triển của y học Việt Nam trong lĩnh vực ghép tạng, mở ra hy vọng mới cho nhiều trường hợp khác đang chờ ghép thận", bác sĩ Tú chia sẻ.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết thêm, tình trạng xơ hóa mạch máu ở bệnh nhi có thể do nguyên nhân bẩm sinh, viêm mạch mạn tính hoặc các thủ thuật can thiệp mạch trước đó.
Mạch máu của trẻ em có đường kính nhỏ và thành mạch mỏng, dễ bị tổn thương trong quá trình thao tác. Khi khâu nối, nguy cơ chảy máu hoặc hẹp miệng nối sau khâu nối mạch máu rất cao, nếu không được thực hiện với độ chính xác tuyệt đối.
Bác sĩ Thạch nhấn mạnh, việc đánh giá trước phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong xác định chiến lược khâu nối mạch máu. Các phương pháp hình ảnh học như chụp CT scan dựng hình mạch máu hoặc siêu âm Doppler giúp đánh giá mức độ xơ hóa và lựa chọn vị trí mạch máu phù hợp cho khâu nối.
Điều này giúp giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng thành công trong phẫu thuật.