Bên trong lớp học AI dành cho các cụ ông, cụ bà ở Trung Quốc

Dưới sự hướng dẫn kiên nhẫn của cô giáo 30 tuổi Li Xiaoyi, những cụ ông, cụ bà ngoài 60 tuổi không chỉ vượt qua nỗi sợ công nghệ mà còn sáng tạo thiệp, video và ảnh bằng AI.

Li Xiaoyi giới thiệu hình ảnh do AI tạo ra cho các học sinh lớn tuổi.

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống tại Trung Quốc, nhiều người cao tuổi vẫn lúng túng, không biết phải bắt đầu từ đâu để bắt kịp công nghệ.

Ở quận Hoàng Nham (Thái Châu, tỉnh Chiết Giang), một lớp học đặc biệt được tổ chức nhằm giúp các cụ ông, cụ bà làm quen với Doubao - chatbot AI phổ biến nhất Trung Quốc do ByteDance, “cha đẻ” của TikTok, phát triển, theo Sixth Tone.

Khi người già học trò chuyện với “cô gái nhỏ”

“Nhấn vào cô gái nhỏ này, cô ấy sẽ trò chuyện với bạn”, Li Xiaoyi, giảng viên lớp học, kiên nhẫn hướng dẫn khi chỉ vào biểu tượng Doubao trên màn hình điện thoại. Trong lớp, các học viên, phần lớn đã ngoài 60 tuổi, chăm chú, loay hoay cuộn lên cuộn xuống để tìm đúng biểu tượng.

Một bà cụ đeo kính, tay cầm chai nước bưởi, giơ tay hỏi: “Cô ơi, Doubao của tôi không có cô gái, chỉ có ba dấu chấm”. Li mỉm cười, bảo bà cuộn thêm vài thao tác. Chỉ ít giây sau, cả lớp đồng loạt reo lên khi “cô gái nhỏ” xuất hiện.

Không gian lớp học đơn sơ nhưng đầy ắp tiếng cười. Người quên bật âm thanh, người mất kết nối Wi-Fi, người phải chỉnh lại cỡ chữ. Li và 2 trợ giảng liên tục di chuyển, cúi xuống từng bàn để lặp đi lặp lại các thao tác cơ bản.

Buổi học “Kết bạn với AI” được tổ chức mỗi chiều thứ 2 tại trường đại học người cao tuổi địa phương. Hoàng Nham hiện có khoảng 700.000 dân, trong đó một phần năm là người trên 60 tuổi, nhóm đối tượng chính mà Li và cộng sự muốn hỗ trợ.

“Doubao có giao diện giống WeChat, nên các cô chú không quá sợ công nghệ”, Li giải thích.

Nhóm của cô gồm một vài cựu phóng viên từng làm việc tại Trung tâm truyền thông Hoàng Nham. Họ bắt đầu chương trình này từ mùa xuân năm nay với mục tiêu giúp người cao tuổi không bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên AI.

“Chúng tôi dạy rất chậm, từng bước một. Chỉ cần thao tác nhỏ như chỉnh cỡ chữ cũng có khi mất cả buổi”, Li chia sẻ.

Sau vài tuần, nhiều học viên bắt đầu tự tin hơn và thử các tính năng sáng tạo.

Ông Li Ming (68 tuổi) từ chỗ chỉ biết đăng nhập nay đã tạo bưu thiếp từ ảnh cũ bằng AI. Bà Wang Ping (76 tuổi), y tá về hưu từng đi hơn 30 quốc gia, giờ có thể thêm chim cánh cụt hoạt hình vào video về Nam Cực. Bà còn tặng Li một album ảnh “trẻ hóa” bằng AI, kèm lời nhắn dí dỏm: “Em làm tôi cảm thấy như 50 tuổi trở lại”.

Lớp học của “các cô chú 2025”

Ý tưởng mở lớp bắt đầu từ chính gia đình Li. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ông ngoại 95 tuổi của cô, một giáo viên về hưu, bất ngờ yêu cầu cài Doubao. Chỉ vài phút sau, ông đã hỏi đường tới trung tâm văn hóa và tìm thông tin về người vợ quá cố.

“Ông vẫn viết thơ tay, nhưng rất thích tra cứu và tạo hình ảnh bằng Doubao. Tôi nhận ra AI thực sự có ích với người già”, Li nhớ lại.

Sau bữa cơm Tết, Li rủ một vài đồng nghiệp lập nhóm “Little Cozy Jacket” (Chiếc áo ấm nhỏ) và tổ chức lớp học miễn phí đầu tiên, thu hút hơn 40 học viên.

Tuy nhiên, khi mở lớp nâng cao với học phí 199 nhân dân tệ (khoảng 27 USD), chỉ 18 người tham gia. “Đa phần người cao tuổi vẫn quen với mức học phí vài trăm nhân dân tệ cho cả kỳ học, nên khó chấp nhận giá cao hơn”, Li cho hay.

nguoi gia hoc AI anh 3

Tài liệu học tập từ lớp AI của Li giải thích cách trích xuất thông tin từ hình ảnh.

Để duy trì hoạt động, nhóm mở thêm kênh video ngắn hướng dẫn, hợp tác với các tổ chức cộng đồng và tìm nguồn tài trợ. “Dạy người cao tuổi không thể áp dụng một khuôn mẫu chung. Mỗi thành phố, mỗi nhóm người đều có nhu cầu và ví dụ khác nhau”, Huang Chuan, thành viên nhóm, cho biết.

Thách thức lớn nhất là tốc độ thay đổi của công nghệ. Chỉ một bản cập nhật của Doubao cũng đủ khiến cả lớp bối rối. “Chúng tôi mất hàng giờ chỉ để giải thích nút bấm mới ở đâu”, Li kể. Có hôm, ba phiên bản Doubao khác nhau cùng xuất hiện trong lớp, khiến việc giảng dạy rối tung.

Người học cũng gặp những lỗi rất “đời thường”: điện thoại hết pin, quên mật khẩu hoặc tắt nhầm quyền truy cập camera. Thế nhưng, chính những tình huống hài hước lại khiến lớp học thêm ấm áp. Có lần, một bà cụ bất ngờ hỏi chatbot có “xem bói” được không, làm cả lớp cười vang.

“Những lúc như vậy, tôi nhận ra mình không chỉ dạy công nghệ, mà còn tạo ra một cộng đồng nơi người già cảm thấy được tôn trọng và lắng nghe”, Li nói.

Với cô giáo 30 tuổi, lớp học cũng là bài học cho chính tương lai của mình: “Một ngày nào đó, tôi cũng sẽ già. Tôi chỉ mong có ai đó kiên nhẫn với tôi, như cách tôi đang kiên nhẫn với họ hôm nay”.

Cẩm nang 'sống sót' nơi công sở

Trong MENTOR - Từ sinh viên chất đến nhân sự chiến, tác giả Lê Công Minh chia sẻ trải nghiệm vượt qua và học hỏi từ thất bại: Từ nam sinh thi trượt đại học đến giám đốc truyền thông kỹ thuật số, nhân viên Big 4 kiểm toán, sáng lập trung tâm tiếng Anh… Đây là nơi những bạn trẻ "lênh đênh" chốn công sở dễ tìm thấy mình và học hỏi để vươn lên trên con đường sự nghiệp.