Ghi nhận 3 trường hợp nhiễm sốt xuất huyết tử vong
Ngày 8/7, thông tin với phóng viên , bác sĩ Hà Thị Hải Đường, Phó trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn (ICU), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết thời gian gần đây, khoa liên tục tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết biến chứng nặng.

Khoa ICU, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).
Trong đó, có 3 trường hợp đã tử vong. Ca tử vong gần nhất là một nữ bệnh nhân sống tại vùng ven TPHCM. Bệnh nhân có cơ địa béo phì, sau khi mắc sốt xuất huyết đã rơi biến chứng suy đa tạng, không qua khỏi chỉ sau khoảng 3 ngày điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.
Theo bác sĩ Hải Đường, những ca sốt xuất huyết tử vong gần đây tại bệnh viện là người trẻ, có cơ địa béo phì, khi nhập viện đã vào sốc và tái sốc nhiều lần, tổn thương gan thận, rối loạn đông máu và xuất huyết nặng, nhiễm trùng.
Trước hàng loạt các biến chứng nguy hiểm, bệnh nhân phải truyền máu, lọc máu, thay huyết tương, chăm sóc tích cực. Nhưng vì tình trạng quá nặng, các bệnh nhân đã không qua khỏi.
Đây cũng là 3 ca sốt xuất huyết tử vong tích lũy từ đầu năm đến nay, ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Đáng chú ý, thời gian qua, số ca nặng có sự gia tăng so với trước đó (trung bình 6-7 ca/tuần).

Bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết nặng, có cơ địa béo phì (Ảnh: Hoàng Lê).
“Năm nào vào mùa mưa cũng là thời điểm sốt xuất huyết bùng phát. Năm nay, nhiều ca xuất hiện tình trạng biến chứng suy gan, suy thận giống đợt dịch 3 năm trước.
Với những trường hợp điều trị kéo dài, dùng nhiều biện pháp phức tạp, nếu không có bảo hiểm y tế thì viện phí đội lên rất cao, lên đến 100-200 triệu đồng.
Người dân cần chú ý các biện pháp phòng chống muỗi. Những trường hợp sốt 1-2 ngày không đỡ hãy cảnh giác đi khám để được đánh giá có phải sốt xuất huyết hay không và có chiến lược theo dõi phù hợp”, bác sĩ Hải Đường cảnh báo.
Số ca bệnh tăng mạnh
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), tính từ ngày 23/6 đến ngày 29/6 (tuần 26 của năm), TPHCM ghi nhận 645 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng hơn 60% so với trung bình 4 tuần trước.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM những ngày qua ghi nhận nhiều ca sốt xuất huyết biến chứng nặng (Ảnh: Hoàng Lê).
Trong đó, số ca bệnh nặng cũng ghi nhận mức cao hơn nhiều so với năm trước (tính đến tuần 23). Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy đến tuần 26 là hơn 10.260 ca.
HCDC cho biết, thời điểm giữa tháng 6 hàng năm đánh dấu sự gia tăng mạnh số ca mắc sốt xuất huyết tại TPHCM. Nhằm chủ động kiểm soát dịch và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngành y tế thành phố đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết Dengue.
UBND TPHCM đã ban hành Kế hoạch số 4326/KH-UBND về “Tháng cao điểm phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố”, từ ngày 13/6 đến hết tháng 7, tập trung vào ba trọng điểm chính: kiểm soát sốt xuất huyết, tay chân miệng và Covid-19.
Trong đó, công tác phòng chống sốt xuất huyết được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và cấp thiết.
Kế hoạch yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đồng loạt ra quân xử lý điểm nguy cơ, thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng hàng tuần, tăng cường giám sát cộng đồng và truyền thông thay đổi hành vi một cách sâu rộng, thực chất.

Cơ quan chức năng giám sát điểm nguy cơ phát sinh lăng quăng tại một hộ gia đình (Ảnh: HCDC).
Khởi đầu cho chuỗi hành động này là sự kiện "Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết Dengue" lần thứ 15 (15/6), ngày toàn thành phố cùng hưởng ứng và kêu gọi cộng đồng nâng cao ý thức phòng bệnh.
Ngành y tế TPHCM đã phối hợp cùng các sở, ban ngành và chính quyền địa phương đồng loạt phát động chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, xử lý nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh, huy động cộng tác viên, đoàn thể, tình nguyện viên cùng người dân tham gia các hoạt động loại bỏ vật chứa nước.
Ngành y tế cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác giám sát, khuyến khích người dân phản ánh các điểm nguy cơ qua ứng dụng “Y tế trực tuyến”. Các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về phòng, chống dịch sốt xuất huyết theo quy định.
Song song đó, các cơ sở y tế tiếp tục được chỉ đạo rà soát quy trình sàng lọc, phân loại, cấp cứu và điều trị sốt xuất huyết, đảm bảo kịp thời tiếp nhận người bệnh và xử trí đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hạn chế tối đa ca bệnh nặng và tử vong.