Bình Dương quyết vượt khó, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Bình Dương là một trong 40 địa phương được Thủ tướng biểu dương, đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên mức trung bình cả nước trong 9 tháng qua. Để đạt được thành tích này, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung vào việc giải phóng mặt bằng nhanh chóng, rút gọn thủ tục hành chính và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm

Tính đến ngày 15/10, tổng giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh Bình Dương là 6.766 tỷ đồng, đạt 44,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và 32,2% kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao.

Cụ thể, nguồn vốn ngân sách trung ương đã giải ngân được 2.150 tỷ đồng đồng trên tổng kế hoạch hơn 3.183 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 67,5%. Nguồn vốn ngân sách địa phương, giải ngân được 4.616 tỷ đồng trên tổng kế hoạch 18.816 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 25,9%.

Đối với địa phương có nhiều dự án giao thông trọng điểm đi qua như Vành đai 3 TP.HCM, Quốc lộ 13, Vành đai 4… việc giải phóng mặt bằng luôn là một thách thức lớn, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Giải bài toán này, nhiều địa phương đã nỗ lực không ngừng để giải phóng mặt bằng, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án. Làm được điều này, mỗi địa phương có những cách làm sáng tạo, áp dụng nhiều giải pháp hiệu quả.

Bình Dương quyết vượt khó, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công- Ảnh 1.

Người dân bị ảnh hưởng bởi đường Vành đai 3 ở thành phố Dĩ An vui mừng về ở trong khu tái định cư Đông Hòa (ảnh: ĐC)

Đơn cử như thành phố Dĩ An, thời gian qua, đã đạt được những thành công nhất định trong việc giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là trong dự án Vành đai 3 TP.HCM.

Đối với dự án này, Dĩ An có 532 trường hợp bị giải tỏa với số tiền bồi thường hơn 3.000 tỷ đồng. Đến nay, Dĩ An đã đền bù đạt 97%, tương ứng khoảng 2.850 tỷ đồng. Giải phóng mặt bằng sớm cũng đã tạo thuận lợi cho đơn vị thi công thực hiện dự án.

Ông Võ Trọng Tài, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dĩ An chia sẻ, để có mặt bằng sạch, thành phố đã thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng và ban chỉ đạo để tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng. Dĩ An cũng đã vận dụng sáng tạo trong giải tỏa đền bù, đối với chính sách đã ban hành nhưng thiếu sẽ kiến nghị bổ sung.

"Khi người dân chưa có chỗ tạm cư, chúng tôi có thể thuê chung cư cho ở, hoặc hỗ trợ ở miễn phí trong thời gian ngắn để họ ổn định. Hoặc địa phương sẽ tìm giúp nhà trọ, thuê phương tiện di chuyển nhà cửa, vật dụng cho người dân để họ di chuyển sớm. Chúng tôi cũng có những chính sách hỗ trợ riêng như đối với trường hợp phải di chuyển chỗ ở mà không thuộc diện được tái định cư vẫn được hỗ trợ, từ đó tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân", ông Võ Trọng Tài cho biết.

Bình Dương quyết vượt khó, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công- Ảnh 2.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương khảo sát, đôn đốc các địa phương giải phóng mặt bằng để dự án Vành đai 3 TP.HCM đúng tiến độ

Còn tại huyện Bàu Bàng, đến nay, tỷ lệ giải ngân đạt 69,5%. Có được kết quả này, ngay từ đầu năm, địa phương đã chủ động phân bổ chỉ tiêu các công trình, dự án và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng cho biết, huyện Bàu Bàng đã bố trí 258 tỷ đồng cho các công trình đầu tư công. Địa phương đã chủ động phân bổ chỉ tiêu các công trình, dự án cho các đơn vị chủ đầu tư và tập trung giải quyết các thủ tục liên quan. Đặc biệt, huyện đã đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để đảm bảo các dự án được triển khai đúng kế hoạch.

"Bởi tháo gỡ nút thắt mặt bằng được thì các dự án, công trình ở những giai đoạn sau sẽ đẩy nhanh tiến độ hơn. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi cũng tập trung quyết liệt hơn nữa, chủ yếu là đẩy nhanh khối lượng các công trình để giải ngân, hoàn thành kế hoạch, chỉ tiêu tỉnh đề ra", ông Võ Thành Giàu cho hay.

Đặt mục tiêu cao, quyết tâm hoàn thành kế hoạch giải ngân

Bên cạnh việc vướng mắc về mặt bằng khiến nhiều công trình bị chậm tiến độ, kéo theo tỷ lệ giải ngân thấp thì các quy định pháp luật liên quan đến đấu thầu và đất đai còn chưa hoàn thiện và đồng bộ cũng gây khó khăn cho quá trình giải ngân vốn đầu tư công.

Mặc dù còn nhiều thách thức, Bình Dương vẫn đặt mục tiêu cao là đạt ít nhất 85% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công vào cuối năm 2024, tương đương 122% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đặc biệt, các công trình trọng điểm phải đạt tỷ lệ giải ngân trên 80%.

Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh đã tổ chức các cuộc họp để giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và địa phương. Đối với các địa phương đang vướng, UBND tỉnh đã đôn đốc nhanh chóng giải ngân và có cam kết thực hiện. Đồng thời, tỉnh cũng có kế hoạch điều chỉnh nguồn vốn còn dư để bổ sung vào các dự án khác, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.

Bình Dương quyết vượt khó, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công- Ảnh 3.

UBND tỉnh Bình Dương tổ chức cuộc họp đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công

Để đạt kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ tiêu của tỉnh đề ra, các địa phương cũng đã cam kết thực hiện. Ông Nguyễn Trọng Ân, Chủ tịch UBND thành phố Bến Cát cho biết, địa phương đang tập trung giải phóng mặt bằng cho dự án đường DH 606 đến vành đai Bắc Mỹ Phước. Tuyến đường này tổng vốn đền bù 270 tỷ đồng, năm nay tỉnh bố trí cho địa phương 150 tỷ đồng. Thời gian qua, giải ngân chậm do chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư.

"Do chủ trương của tỉnh mới chấp thuận vào tháng 6, chúng tôi đang tập trung công tác triển khai các bước bồi thường giải phóng mặt bằng. Khoảng tháng 12 sẽ có phương án bồi thường, lúc đó chúng tôi sẽ tập trung chi hết 150 tỷ đồng đã được bố trí vốn, nếu tỉnh có nguồn khác hỗ trợ thì Bến Cát sẽ tiếp nhận và giải ngân để hoàn thành việc giải phóng mặt bằng toàn tuyến", ông Ân nói.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, các ngành cần tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian giải ngân.

Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải ngân vốn đầu tư công và yêu cầu các cấp, các ngành phải quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.