Bộ ba cấp cao của chính quyền Trump đến châu Âu để đàm phán về an ninh

Tổng thống Trump không ngừng đặt câu hỏi về các cam kết an ninh của Mỹ tại châu Âu và kêu gọi đồng minh tăng chi tiêu quốc phòng.

Ba quan chức cấp cao trong chính quyền Trump sẽ có chuyến đi riêng tới châu Âu trong tuần này, với trọng tâm là vấn đề an ninh và cam kết của Washington đối với Ukraine.

Tổng thống Donald Trump, người thúc đẩy chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết" - đã đặt câu hỏi về các cam kết an ninh của Hoa Kỳ tại châu Âu và kêu gọi các đồng minh tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, trong khi chính quyền của ông cho đến nay vẫn im lặng về kế hoạch viện trợ cho Ukraine trong tương lai.

Washington đã cung cấp cho Kiev hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, nhưng chính quyền Trump vẫn chưa tiếp nối dòng viện trợ, mặc dù còn nhiều tỷ USD trong thẩm quyền còn lại được chuyển giao từ thời người tiền nhiệm.

Lần này, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh về AI tại Paris, Pháp từ ngày 10/2 và sau đó tham dự Hội nghị An ninh Munich tại Đức cùng với Ngoại trưởng Marco Rubio, người sau đó sẽ có chuyến công du Trung Đông.

Bộ ba cấp cao của chính quyền Trump đến châu Âu để đàm phán về an ninh- Ảnh 1.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho đến nay vẫn im lặng về kế hoạch viện trợ cho Ukraine trong tương lai. (Ảnh: AP)

Theo thông báo từ Nhà Trắng, Phó Tổng thống JD Vance sẽ có bài phát biểu tại mỗi sự kiện và tổ chức các cuộc họp song phương với các nhà lãnh đạo thế giới.

Trong khi đó, người đứng đầu Lầu Năm Góc Pete Hegseth sẽ đến thăm trụ sở của hai Bộ Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Đức, trước khi tham dự cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO và cuộc họp của những người ủng hộ quốc tế của Ukraine tại Bỉ, sau đó đến Ba Lan để hội đàm với các nhà lãnh đạo của nước này.

Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích sự hỗ trợ của Mỹ cho Kiev, tuyên bố trước khi nhậm chức rằng ông có thể đảm bảo lệnh ngừng bắn Ukraine trong vòng 24 giờ, nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

Bình luận của ông đã gây ra nỗi lo ngại ở Ukraine và những nơi khác ở châu Âu về tương lai về viện trợ của Mỹ, cũng như khả năng Ukraine chống lại các cuộc tấn công của Nga nếu không có sự hỗ trợ thêm từ Washington.

Ông Trump cũng đã làm rung chuyển một số đối tác thân cận nhất của Washington, bằng cách công bố thuế quan đối với Canada, một thành viên NATO khác, dù sau đó đã bị tạm dừng, và đe dọa sẽ làm như vậy đối với Liên minh châu Âu.

Việc nhắm mục tiêu vào các đồng minh đã làm suy yếu thêm niềm tin vào cam kết của Mỹ trong việc hỗ trợ bảo vệ châu Âu, nhất là sau khi ông Trump đe dọa Đan Mạch, một thành viên NATO, bằng cách tuyên bố sẽ kiểm soát lãnh thổ Greenland của nước này.