Bộ Công Thương duyệt giá tạm cho 19 dự án điện tái tạo chuyển tiếp

19 dự án điện tái tạo chuyển tiếp đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm tính bằng 50% mức trần trong khung giá, tổng công suất 1.347 MW.

Theo số liệu cập nhật từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến 24/5 có 37 dự án điện tái tạo chuyển tiếp chưa có giá gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EVNEPTC) để đàm phán giá và hợp đồng mua bán điện.

24 dự án trong số này chấp nhận giá tạm tính bằng 50% mức trần trong khung giá của Bộ Công Thương, tức khoảng 754-908 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Giá mua điện chính thức và quyết toán tiền sẽ thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm tính cho 80% số dự án trên, tức 19 dự án, tổng công suất 1.347 MW.

Tại cuộc họp chiều 24/5 về gỡ vướng cho các dự án điện tái tạo chuyển tiếp, chủ đầu tư các dự án này nói đang cùng EVN đẩy nhanh ký hợp đồng mua bán điện, thử nghiệm để công nhận vận hành thương mại (COD). Như vậy, khi các bước này hoàn thành, hệ thống điện sẽ có thêm hơn 1.340 MW điện từ các dự án điện tái tạo chuyển tiếp, giúp giảm bớt khó khăn về nguồn cung.

Ngoài ra, dự án Điện gió Nhơn Hội giai đoạn 2, công suất 30 MW đã đàm phán xong, đang hoàn thiện thủ tục trình Bộ Công Thương phê duyệt giá. Có 4 dự án khác công suất 154 MW đang rà soát hồ sơ.

Một dự án điện gió tại Quảng Trị. Ảnh: Hoàng Táo

Một dự án điện gió tại Quảng Trị. Ảnh: Hoàng Táo

Tuy nhiên còn 48 dự án vẫn chưa gửi hồ sơ đề nghị đàm phán giá. Đại diện EVN cho hay đã nhiều lần "giục" số dự án này cung cấp hồ sơ để thỏa thuận giá điện.

"Chúng tôi đã lập nhiều tổ đàm phán, sẵn sàng trao đổi và hướng dẫn giải quyết các vướng mắc cho các chủ đầu tư", đại diện EVNEPTC cho biết.

Chủ đầu tư 4 dự án điện gió tại Quảng Trị, Gia Lai cho hay, các dự án này đã có giá tạm tính nhưng còn thiếu một số giấy tờ pháp lý, nên "nhanh nhất có thể hoàn thiện để thử nghiệm và hoàn thành COD, phát điện".

"Chúng tôi đang rất cần tiền vì đã rót vào các dự án gần 300 triệu USD mà tới giờ chưa có đồng doanh thu nào, lãi suất mỗi tháng rất lớn. Doanh nghiệp cố hết sức xong các giấy tờ vì kéo dài thêm ngày nào, thiệt hại ngày đó", ông nói.

Tuần trước, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương sớm sửa các quy định, có hướng dẫn cụ thể về phương pháp tính, đàm phán giá với điện gió, mặt trời chuyển tiếp trước ngày 20/5.

Tuy nhiên, ngày 23/5, nhóm 23 nhà đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp cho biết việc đàm phán vẫn vướng vì thiếu hướng dẫn từ Bộ Công Thương. Các nhà đầu tư kiến nghị Bộ sớm hướng dẫn, chỉ đạo EVN rõ các nội dung trong hợp đồng, như giá mua điện tạm thời bằng 50% giá trần của khung giá phát điện, áp dụng đến khi có giá chính thức. Việc quyết toán sẽ thực hiện theo giá chính thức từ ngày phát điện lên lưới.

Họ cũng kiến nghị bộ này sớm sửa đổi quy định liên quan tới khung giá (Thông tư 15 và Quyết định 21) và các văn bản hướng dẫn để sớm có giá mua điện chính thức.

Hiện tổng công suất số dự án điện tái tạo bị chậm vận hành tiến độ là hơn 4.600 MW. Trong đó, gần 2.100 MW của 34 dự án chuyển tiếp đã hoàn thành thi công, thử nghiệm. Các dự án này không được hưởng giá ưu đãi (giá FIT) trong 20 năm và phải đàm phán giá điện với EVN theo khung giá phát điện của Bộ Công Thương đưa ra đầu năm nay, với giá thấp hơn 20-30% so với trước đây.

Anh Minh