Bộ máy UBND xã được "nâng cấp" thế nào sau sáp nhập?

Chính phủ dự kiến UBND cấp xã tổ chức tối đa 4 Phòng chuyên môn và tương đương

Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14-4-2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Đề án), đã nêu rõ về tổ chức chính quyền địa phương cấp xã (xã, phường, đặc khu).

Bộ máy UBND xã được "nâng cấp" thế nào sau sáp nhập?- Ảnh 1.

Thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Hoàng Phúc

Theo đó, chính quyền địa phương cấp xã gồm có HĐND và UBND. HĐND cấp xã thành lập 2 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội.

Về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã, do bỏ toàn bộ ĐVHC cấp huyện, tổ chức sắp xếp lại các ĐVHC cấp xã để hình thành các ĐVHC cấp xã có quy mô lớn hơn so với cấp xã hiện nay. Đồng thời, chuyển toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện hiện nay về cho xã, phường, đặc khu thực hiện.

Theo đó, Chính phủ dự kiến UBND cấp xã tổ chức tối đa 4 Phòng chuyên môn và tương đương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo (đặc khu).

Đối với ĐVHC cấp xã giữ nguyên trạng (không sắp xếp) thì có thể không tổ chức Phòng chuyên môn. Chính phủ dự kiến bổ trí tăng thêm 1 Phó Chủ tịch UBND và một số công chức cho UBND cấp xã nơi không tổ chức Phòng chuyên môn và giao chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định cụ thể đối với từng ĐVHC cấp xã trên địa bàn.

Đối với trường hợp sắp xếp từ 2 ĐVHC cấp xã trở lên thành 1 ĐVHC cấp xã mới, định hướng tổ chức tối đa 4 Phòng chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp xã. Giao UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế xã hội, quy mô diện tích tự nhiên, dân số, đặc thù quản lý của từng ĐVHC cấp xã để quyết định số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND của từng cấp xã cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng dẫn của Chính phủ.

Đề án cũng nêu rõ định hướng tổ chức 4 Phòng và tương đương với các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.

Thứ nhất, Văn phòng HĐND và UBND (tham mưu thực hiện nhiệm vụ chung của HĐND và UBND cấp xã). Theo đó, văn phòng sẽ tham mưu, giúp HĐND, UBND cấp xã về các chương trình, kế hoạch công tác của HĐND, Thường trực HĐND, UBND và cơ quan chuyên môn thuộc UBND.

Tham mưu, giúp UBND cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, nuôi con nuôi, hộ tịch, chứng thực, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các công tác tư pháp khác; công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, Phòng Kinh tế (đối với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc), sẽ tham mưu, hỗ trợ UBND về: Phát triển kinh tế, kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân sách; quy hoạch, đô thị, hạ tầng; công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch; giảm nghèo; đất đai, tài nguyên, môi trường; xây dựng, giao thông; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, an toàn thực phẩm; kinh tế hộ, hợp tác xã; biển, đảo; phòng, chống thiên tai.

Thứ ba, Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc) sẽ tham mưu, giúp UBND cấp xã về phát triển kinh tế, kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân sách; quy hoạch, đô thị, kiến trúc; đầu tư xây dựng; hạ tầng đô thị (cấp, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, quản lý xây dựng ngầm); nhà ở, công sở; công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch; giảm nghèo; đất đai, tài nguyên, môi trường; xây dựng, giao thông; biển, đảo; phòng, chống thiên tai.

Thứ tư, Phòng Văn hóa - Xã hội sẽ tham mưu, giúp UBND cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới đơn vị hành chính; cán bộ, công chức, viên chức và công vụ; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên; lao động, tiền lương; việc làm; bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bình đẳng giới; công tác dân tộc và tín ngưỡng, tôn giáo.

Tham mưu, giúp UBND cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Giáo dục mầm non; giáo dục phổ thông (giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở); giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên.

Tham mưu, giúp UBND cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Văn hóa; gia đình; thể dục, thể thao; quảng cáo; bưu chính; viễn thông; công nghệ thông tin (không bao gồm an toàn thông tin, an ninh mạng); phát thanh truyền hình; báo chí; xuất bản; thông tin cơ sở; thông tin đối ngoại; hạ tầng thông tin; khoa học và công nghệ; kinh tế số, xã hội số và chuyển đổi số.

Tham mưu, giúp UBND cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; y dược cổ truyền; sức khỏe sinh sản; trang thiết bị y tế; dược; mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số; bảo trợ xã hội; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội (không bao gồm cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy).

Đối với Trung tâm phục vụ hành chính công, sẽ tham mưu, giúp UBND cấp xã thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử; tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính và cung ứng các dịch vụ công trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.