Bộ Nội vụ sau hợp nhất có 22 đầu mối, hơn 800 công chức

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 25/2025/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ, có hiệu lực từ ngày 1-3-2025

Theo Nghị định số 25, Bộ Nội vụ được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Nội vụ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ hiện nay và chức năng quản lý Nhà nước về lao động, tiền lương, việc làm, người có công, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Bộ Nội vụ sau hợp nhất có 22 đầu mối, hơn 800 công chức- Ảnh 1.

Bộ máy mới của Bộ Nội vụ giảm 13 đầu mối

Theo Nghị định số 25, Bộ Nội vụ có 22 đầu mối, trong đó có 10 vụ, 5 cục và 7 đơn vị khác. Cụ thể, cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ gồm: Vụ Tổ chức - Biên chế, Vụ Chính quyền địa phương, Vụ Công chức - Viên chức, Vụ Tổ chức phi chính phủ, Vụ Cải cách hành chính, Vụ Công tác thanh niên và Bình đẳng giới, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Cục Tiền lương và Bảo hiểm xã hội, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục Người có công, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Đây là các tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Các đơn vị gồm: Trung tâm Công nghệ thông tin, Viện Khoa học Tổ chức nhà nước và Lao động, Tạp chí Tổ chức nhà nước và Lao động, Báo là các đơn vị sự nghiệp công lập.

Sau khi hợp nhất Bộ Nội vụ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ đã giảm 13 đầu mối so với ban đầu, từ 35 xuống còn 22 đơn vị. Tổng số biên chế sau hợp nhất của Bộ Nội vụ gồm trên 3.000 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, trong đó số công chức là trên 800 người.

Theo Nghị định số 25, Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; tổ chức chính quyền địa phương; cán bộ, công chức, viên chức và công vụ; lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội; việc làm; an toàn, vệ sinh lao động; hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ; người có công; thanh niên; bình đẳng giới; văn thư, lưu trữ nhà nước; thi đua, khen thưởng và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật.