‘Bộ trưởng’ Elon Musk có thể sẽ làm việc tại Nhà Trắng, mục tiêu cắt giảm 75% biên chế nhân sự chính phủ Mỹ, mỗi cơ quan lớn sẽ bị 2 nhân sự Bộ DOGE giám sát

Elon Musk đã được cấp thẻ ra vào Nhà Trắng và cũng đã được cấp email có đuôi chính phủ Mỹ.

Theo tờ Business Insider (BI), CEO Elon Musk của Tesla nhiều khả năng sẽ được cấp Văn phòng Cánh Tây (West Wing) tại Nhà Trắng, rất gần với văn phòng làm việc của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhiệm vụ chủ yếu của doanh nhân quyền lực nhất thế giới tập trung vào cắt giảm 2 nghìn tỷ USD chi tiêu của chính phủ, qua đó sa thải đến 75% biên chế nhân sự liên bang.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, sự gần gũi với Tổng thống Mỹ khiến Elon Musk có tầm ảnh hưởng lớn hơn cả nhiệm vụ này.

Mặc dù từng được chỉ định là người đồng lãnh đạo Bộ DOGE cùng Elon Musk nhưng ngay sau lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump, người phát ngôn Nhà Trắng cho hay ông Vivek Ramaswamy sẽ từ bỏ vị trí này với nguyên nhân không được nêu rõ.

Tờ New York Times (NYT) cho hay Elon Musk đã được cấp thẻ ra vào Nhà Trắng và cũng đã được cấp email có đuôi chính phủ Mỹ.

Theo NYT, chính Elon Musk đã mong muốn được làm việc gần với Tổng thống Donald Trump và đã được ông chủ Nhà Trắng chấp thuận.

‘Bộ trưởng’ Elon Musk có thể sẽ làm việc tại Nhà Trắng, mục tiêu cắt giảm 75% biên chế nhân sự chính phủ Mỹ, mỗi cơ quan lớn sẽ bị 2 nhân sự Bộ DOGE giám sát- Ảnh 1.

Quyền lực của Elon Musk

Mặc dù Bộ hiệu quả chính phủ Mỹ (DOGE) không phải là một bộ chính thức cũng như Elon Musk chưa rõ có trở thành nhân viên chính phủ đặc biệt hay không nhưng nhiều khả năng vị doanh nhân quyền lực nhất thế giới này sẽ không dễ rời xa trung tâm quyền lực.

Tờ BI cho hay nhóm DOGE của Elon Musk đã dành phần lớn 2 tháng qua tại các văn phòng của SpaceX, cùng với các kỹ sư từ Thung lũng Silicon để lên kế hoạch cắt giảm nhân sự cho chính phủ. Nhóm này có thể sẽ phân tán khắp các cơ quan trên toàn liên bang với mục tiêu khoảng 2 người cho mỗi ban ngành lớn để tiến hành khảo sát cắt giảm nhân sự.

Nếu điều này trở thành sự thật, Bộ DOGE của Elon Musk sẽ thực sự trở thành một thế lực có tầm ảnh hưởng trên chính trường Mỹ với các chân rết có quyền khảo sát nhân sự ở khắp các bộ ban ngành. Tuy nhiên chính điều này cũng làm gia tăng các tranh cãi về xung đột quyền lợi, tính minh bạch và công bằng khi các viên chức bị đánh giá.

Việc đế chế Elon Musk được hưởng lợi hàng tỷ USD từ các chương trình của chính phủ khiến nhiều chính trị gia phản đối, cho rằng có sự xung đột lợi ích tại đây.

Trên thực tế, Bộ DOGE mà Tổng thống Donald Trump ký thành lập qua lệnh hành pháp ngày 20/1/2025 có sự khác biệt rất lớn. Trên giấy tờ, Bộ này là một phần của Nhà Trắng và báo cáo trực tiếp với chánh văn phòng Nhà Trắng Susie Wiles, đồng thời có quyền tuyển dụng nhân viên chính phủ.

Sứ mệnh của Bộ DOGE trên giấy tờ cũng rất khác khi chỉ là cập nhật phần mềm cùng hệ thống công nghệ thông tin của chính phủ liên bang, khác xa với nhiệm vụ cắt giảm 2 nghìn tỷ USD ngân sách trước đó.

Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump nêu rõ Bộ DOGE sẽ thay thế US Digital Service hay USDS, một dạng nhóm tác chiến kỹ thuật đặc biệt được thành lập trong thời chính quyền Tổng thống Barack Obama sau sự sụp đổ của Healthcare.gov. Nhóm này là một tổ chức tạm thời giúp tuyển dụng nhân viên chính phủ trở nên dễ dàng hơn.

Mặc dù vậy theo chuyên gia Caleb Burns tại Wiley Rein, đây là kết quả được tư vấn từ luật sư khi chính quyền mới nhận ra rằng nếu Bộ DOGE hoạt động theo lẽ thường thì sẽ phải chịu thách thức từ pháp lý.

"Việc thành lập với nhiệm vụ khác biệt trên giấy tờ nhưng thuộc thẩm quyền của Nhà Trắng là điều cần thiết để tránh một cuộc chiến pháp lý", ông Burns nhấn mạnh.

‘Bộ trưởng’ Elon Musk có thể sẽ làm việc tại Nhà Trắng, mục tiêu cắt giảm 75% biên chế nhân sự chính phủ Mỹ, mỗi cơ quan lớn sẽ bị 2 nhân sự Bộ DOGE giám sát- Ảnh 2.

Đồng quan điểm, chuyên gia Aimee Ghosh tại Pillsbury cho hay Bộ DOGE nằm trong chính phủ nên nó phải tuân theo các quy tắc về tính minh bạch lẫn công khai, đồng thời rất dễ trở thành tâm điểm chỉ trích, kiện cáo của giới chính trị.

Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên thệ nhậm chức và ký sắc lệnh hành pháp thành lập DOGE, ít nhất 3 vụ kiện đã được đệ trình tố cáo DOGE vi phạm Đạo luật ủy ban cố vấn liên bang, một luật từ năm 1972 yêu cầu các hội đồng cố vấn bên ngoài chính phủ phải họp công khai.

Giới hạn

Ở một khía cạnh khác, nhiều chuyên gia tranh cãi xung quanh việc liệu Bộ DOGE có hoạt động hiệu quả không khi trở thành tâm điểm chỉ trích của giới chính trị gia.

Việc trở thành một phần chính phủ nghĩa là Elon Musk không thể sử dụng khối tài sản hàng trăm tỷ USD của mình để tài trợ cho các hoạt động của DOGE.

Tuy nhiên trong khi USDS bị quá tải với số nhân viên hơn 200 người thì nhóm DOGE được cho là chỉ có khoảng 20 nhân viên chính thức và sẽ thuê ngoài nhiều nhiệm vụ.

Bộ DOGE sẽ được tuyển dụng tình nguyện viên và những chuyên gia đặc biệt không nằm trong biên chế và không cần tiết lộ thông tin tài sản cá nhân hay thu nhập, qua đó dễ dàng nhận được lợi ích bên ngoài từ Elon Musk.

Theo giám đốc Dylan Hedtler-Gaudette thuộc dự án giám sát chính phủ (PGO), khung đạo đức chung và luật, quy tắc, quy định về xung đột lợi ích theo luật hiện nay là quá yếu kém và không rõ ràng.

Trên thực tế kể từ năm 2014 khi USDS làm việc với cơ quan liên bang để cải thiện và dọn dẹp đống hỗn độn Healthcare.gov, nhiều chuyên gia đã chỉ trích cơ quan này tuyển dụng người từ khu vực tư nhân và vi phạm quy tắc xung đột lợi ích khi những người này có thể hưởng lợi từ quyền lực nắm trong tay.

Bất chấp điều đó, USDS vẫn hoạt động và tình hình tương tự có thể xảy ra với DOGE, nhất là khi người lãnh đạo Bộ này lại là doanh nhân giàu nhất hành tinh.

*Nguồn: BI, NYT