Tờ New York Times (NYT) cho hay Elon Musk từng cam kết sẽ tiết kiệm 2 nghìn tỷ USD ngân sách Mỹ khi tham gia Bộ hiệu quả chính phủ (DOGE). Thế nhưng con số này bị giảm xuống còn 1 nghìn tỷ USD và cho đến hiện tại, Bộ DOGE tuyên bố mới chỉ tiết kiệm được 150 tỷ USD ngân sách.
Con số này chỉ bằng 15% mục tiêu 1 nghìn tỷ USD và 8% dự định 2 nghìn tỷ USD ban đầu. Thậm chí so với con số gần 7 nghìn tỷ USD ngân sách liên bang năm tài khóa 2024 thì cũng quá nhỏ.
Tồi tệ hơn, tờ NYT nhận định ngân sách liên bang còn tốn thêm 135 tỷ USD cho các thiệt hại mà bộ DOGE gây ra khi sa thải và đóng cửa các cơ quan, bao gồm tiền bồi thường, tiền thuê lại nhân viên và những thiệt hại do biến động nhân sự gây ra.
Nguyên nhân chính là thay vì sa thải thông thường theo quy định, DOGE lại đòi đuổi việc ngay y hệt như những gì Elon Musk từng làm ở Tesla hay Twitter, tạo nên những vụ kiện tụng và bồi thường không đáng có.

135 tỷ USD
Tổ chức phi lợi nhuận PPS cho hay việc sa thải, tuyển dụng lại, mất năng suất và nghỉ phép có lương của hàng nghìn công chức liên bang sẽ khiến ngân sách Mỹ tốn thêm 135 tỷ USD trong năm tài khóa 2025.
Số liệu từ nghiên cứu của Đại học Yale thì cho thấy riêng Sở thuế vụ (IRS) sẽ phải tốn 8,5 tỷ USD chi phí cắt giảm 22.000 nhân viên do DOGE khởi xướng. Tổng số công chức bị sa thải thậm chí có thể lên đến 32.000 người.
Hiện vẫn chưa có ước tính cụ thể nào về thiệt hại do các chương trình sa thải mà DOGE đề xuất. Trong số khoảng 200 vụ kiện và kháng cáo liên quan đến chương trình nghị sự chính phủ thì ít nhất 30 vụ liên quan đến DOGE.
"Elon Musk không chỉ thổi phồng quá mức số tiền ngân sách đã tiết kiệm được mà còn không tính đến sự lãng phí lớn hơn theo cấp số nhân mà ông ấy đang tạo ra", giám đốc điều hành (CEO) Max Stier của PPS cho biết.
Tờ NYT cho hay việc sa thải của DOGE đáng lẽ không nhất thiết tốn kém như vậy nếu không vì thói quen đuổi việc của Elon Musk tại Tesla hay Twitter.
Luật liên bang và các lần đóng cửa chính phủ trước đây đã cung cấp một quy trình sa thải hoàn thiện cho Elon Musk nhưng vị tỷ phú này lại chọn các phương pháp nhanh chóng, mạnh mẽ mà ông đã dùng tạiTwitter sau khi mua lại công ty vào năm 2022.
"Luật pháp rất rõ ràng", chuyên gia Jeri Buchholz, người đã làm việc trong dịch vụ công, xử lý việc tuyển dụng và sa thải tại bảy cơ quan liên bang suốt 30 năm, cho biết.
Các đợt cắt giảm của DOGE đã nhắm vào ít nhất 12% trong số 2,4 triệu nhân viên dân sự trong lực lượng lao động liên bang.
Thế nhưng điều trớ trêu là số liệu của Văn phòng Quản lý Nhân sự (OPM), chính phủ Mỹ đã phải tuyển dụng lại ¼ trong số 100.000 công chức liên bang bị sa thải đợt đầu.
Hầu hết các trường hợp này bị tòa án phán quyết là sa thải bất hợp pháp khiến chính phủ phải bồi thường, đi kèm mức lương đầy đủ cho khoảng thời gian tạm nghỉ.
Thậm chí có trường hợp DOGE phải xin lỗi vì đã sa thải nhầm chuyên gia liên quan đến các chương trình hạt nhân.

Tiếp đó, việc sa thải 10.000 nhân viên tại Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh đã xóa sổ hầu hết các nhóm bác sĩ tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Những bác sĩ tại đây đã bất ngờ vì công việc của họ luôn nhận được sự ủng hộ từ cả 2 Đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Tờ NYT cho biết trong một cuộc thăm dò mới đây, khoảng 58% những người được khảo sát cho biết họ không chấp thuận cách Elon Musk xử lý công việc của DOGE và 60% không chấp thuận bản thân vị tỷ phú này.
"Chúng ta sẽ mắc sai lầm"
Tháng 2/2025, Elon Musk đã phải xin lỗi sau khi Tòa án phát hiện tỷ phú này muốn xóa sổ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) là vi phạm hiến pháp.
"Chúng ta sẽ mắc sai lầm", tỷ phú Elon Musk thừa nhận.
Tuy nhiên đây không phải những sai lầm duy nhất mà Elon Musk và Bộ DOGE mắc phải.
Quay trở lại vụ việc sa thải nhầm chuyên gia hạt nhân, trong số 130 người bị đuổi việc, ít nhất 27 người là kỹ sư, 13 người là nhà phân tích chương trình hoặc dự án, 12 người là quản lý chương trình hoặc dự án và năm người là nhà vật lý hoặc nhà khoa học.
Đặc biệt, bốn trong số những nhân viên này là chuyên gia xử lý vận chuyển an toàn vật liệu hạt nhân và nửa tá làm việc trong đơn vị cơ quan xây dựng lò phản ứng cho tàu ngầm hạt nhân.
"Đó là những công việc rất khó để lấp đầy, bởi vì mọi người có thể kiếm được nhiều tiền hoặc nhiều hơn khi làm việc cho chính nhà máy hoặc phòng thí nghiệm", Cựu lãnh đạo Jill Hruby của Cục An ninh Hạt nhân Quốc gia (NNSA) cho biết.
Đồng quan điểm, CEO Stier của PPS cho biết rất nhiều chuyên gia giỏi từ chối làm cho tư nhân để phục vụ chính phủ, nhưng khi họ bất mãn thì rất dễ dàng chuyển sang công việc khác tốt hơn và khó có thể tuyển dụng lại.
Không dừng lại ở đó, việc DOGE nhắm vào 220.000 công chức thử việc cũng bị cho là có thiếu sót bởi rất nhiều trong số đó là chuyên gia được tuyển dụng để thay thế người sắp về hưu.

Chi phí tuyển dụng và đào tạo những chuyên gia này lên đến 10.000 USD cho một công chức văn phòng và hơn 1 triệu USD cho một chuyên gia ưu tú.
Ngày 13/3/2025, khoảng 24.000 công chức thử việc tại gần 20 cơ quan đã bị DOGE sa thải nhưng Tòa án cho rằng điều này là bất hợp pháp, ra lệnh phải tuyển dụng lại.
Tuy nhiên phía Nhà Trắng đã kháng cáo và cuộc chiến pháp lý vẫn đang tiếp diễn.
Điều trớ trêu là trong khi chờ phán quyết, chính phủ vẫn phải trả lương trung bình 106.000 USD cho những người này dù họ nghỉ ở nhà.
Rõ ràng, Elon Musk đang gặp rắc rối với DOGE nhưng thay vì ở lại giải quyết, vị tỷ phú này lại trở về điều hành Tesla đang trong tình trạng kinh doanh kém, để lại một mớ hỗn độn cho chính phủ.
*Nguồn: NYT