Sáng 7/5, Bộ Y tế tổ chức họp trực tuyến và trực tiếp với các bộ, ngành và địa phương về vấn đề thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, thanh tra, điều tra và phát hiện một số vụ việc liên quan đến sữa giả, thực phẩm chức năng giả, thuốc giả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Thủ tướng cũng liên tục ban hành 3 công điện tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm liên quan đến sản xuất, tiêu thụ sữa, thực phẩm chức năng, thuốc giả.
Bộ Y tế là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về An toàn thực phẩm, đồng thời thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý thực phẩm chức năng, thuốc điều trị theo phân công.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (Ảnh: Trần Minh).
Bộ Y tế tổ chức hội nghị để xem xét, đánh giá tình trạng, thực tế sản xuất, buôn bán, lưu thông, sử dụng thực phẩm chức năng, thuốc trên địa bàn cả nước. Mục đích là đưa ra giải pháp để trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục thực hiện các giải pháp căn cơ, bài bản hơn để siết chặt công tác quản lý từng khâu một, từ nhập khẩu, sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
Theo Thứ trưởng, về thể chế trong lĩnh vực quản lý thuốc, chúng ta đã có Luật Dược (2006), Quốc hội vừa thông qua Luật Dược sửa đổi (2024 có hiệu lực từ ngày 1/7). Bộ Y tế cũng được giao nhiệm vụ tham mưu Chính phủ ban hành 1 nghị định và 7 thông tư liên quan.
Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, chúng ta có Luật An toàn thực phẩm, nghị định hướng dẫn luật…
Thứ trưởng đặt câu hỏi tại sao Việt Nam đã có các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia về An toàn thực phẩm, cơ quan quản lý chuyên môn, các Bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp… mà vẫn xảy ra các vụ việc như vừa rồi. Các vụ việc này đã và đang được cơ quan điều tra của Bộ Công an và công an một số tỉnh thụ lý điều tra làm rõ sai phạm theo quy định.
Vì thế, Thứ trưởng yêu cầu rà soát lại xem về thể chế có cần sửa đổi, bổ sung nội dung gì để các văn bản, thể chế chặt chẽ hơn trong quá trình thực hiện.
"Về tổ chức thực hiện, trách nhiệm là của các địa phương. Các tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thuốc, an toàn thực phẩm trên địa bàn như thế nào mà để xảy ra những vụ việc như vừa qua.
Việc phân cấp, phân quyền đã được quy định rõ, trách nhiệm của các bộ, UBND các tỉnh, trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, buôn bán, lưu thông, thuốc, thực phẩm chức năng…", Thứ trưởng Tuyên nói.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến ý thức của nhà sản xuất, nhà quản lý, của người dân.
"Trong khâu tổ chức thực hiện, các bộ ngành chỉ mang tính chất hướng dẫn thể chế, tổ chức thực hiện là của các địa phương, thanh tra, kiểm tra trên địa bàn, tuyên truyền, vận động người dân… Vấn đề đặt ra là làm thế nào để người dân yên tâm sử dụng, giá cả hợp lý, đặc biệt không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, lấy người dân làm trung tâm", Thứ trưởng Tuyên nói.
Chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe
Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, cho biết, các quy định pháp luật trong công tác quản lý chất lượng, đấu tranh chống thuốc giả đã có nhưng chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, chưa phù hợp với mức độ nguy hiểm, tác hại gây ra của hành vi vi phạm.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 192 Bộ Luật Hình sự, hành vi sản xuất buôn bán hàng giả chỉ bị xử lý hình sự đối với hàng giả (bao gồm cả thuốc…) nếu hàng giả trị giá từ 30 triệu đồng trở lên.

Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế (Ảnh: Trần Minh).
Mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng giả theo giá trị hàng hóa là quá thấp (trường hợp đối tượng không bị xử lý hình sự, chỉ áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính), do giá trị thuốc tại cơ sở bán lẻ nhỏ lẻ rất thấp (phần lớn dưới 1 triệu đồng).
Ông lấy ví dụ, cơ sở kinh doanh thuốc Clorocid TW 3 giả, giá trị lọ thuốc chỉ khoảng 30.000 đồng, cơ sở chỉ có 2-3 lọ thuốc bày bán, nếu bị phát hiện, cơ sở chỉ bị xử phạt với mức phạt từ 2 đến 6 triệu đồng, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu hàng hóa vi phạm.
Cơ sở kinh doanh thuốc có hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ có giá trị dưới 1 triệu đồng chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng; cơ sở chỉ bị buộc nộp lại tang vật hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm (điểm c Khoản 1 Điều 17).
Ông Lê Minh Hải, Phó giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, cũng thừa nhận, việc xử lý cơ sở vi phạm đôi khi khó khăn khi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh liên quan nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra một số điểm còn lúng túng trong việc xử lý vi phạm từ phát hiện của người dân, xác định chủ thể kinh doanh, quảng cáo trên môi trường điện tử. Việc xử lý hành vi vi phạm quảng cáo này không thuộc thẩm quyền của Sở, khi phối hợp với đơn vị có thẩm quyền thì thời gian xử lý chậm.
Vì thế, phát hiện đã khó, nhưng khi phát hiện một số trường hợp lại lúng túng trong xử lý.
TS Đỗ Thái Hòa, Phó giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cũng thừa nhận chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, thuốc giả nhưng đang xử lý theo giá trị hàng hóa thu được. Vì thế, cần có quy định, chế tài xử lý riêng với hàng giả trong lĩnh vực y tế vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe, một số hành vi đang xử lý hành chính có thể xem xét xử lý hình sự.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Tuyên yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm chỉ thị 17 của Ban Bí thư về vấn đề an toàn thực phẩm, siết chặt quản lý về đăng ký, tự công bố, tăng cường hậu kiểm, kiểm tra đột xuất thay vì kiểm tra theo định kỳ, kế hoạch, thông báo trước…
Ông cũng cho rằng cần nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý thực phẩm chức năng, xử phạt thật nặng để có sức răn đe, nếu không rất khổ cho cơ quan quản lý nhà nước, khổ nhất là cho người dân, đồng thời cần kiểm nghiệm định kỳ.
Với thuốc, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ, triển khai thu hồi ngay các sản phẩm thuốc giả đã công bố, đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra trên địa bàn, đặc biệt là cơ sở bán buôn, bán lẻ, chú ý đến nguồn gốc xuất xứ để phát hiện thuốc giả.
Các đơn vị khi phát hiện thuốc giả cần quyết liệt, cần thiết chuyển cơ quan điều tra, truy tìm tận gốc cơ sở sản xuất, đầu mối kinh doanh để xử lý, không chỉ dừng lại ở việc lập biên bản.