Thông tin này được ông Steve Biegun, Phó chủ tịch cấp cao của Tập đoàn Boeing cho biết khi làm việc với Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC và kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) tại Mỹ, ngày 26/5 (giờ địa phương).
Boeing đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam từ năm 2021. Ông Steve Biegun nói, tới đây tại thị trường Việt Nam, hãng sẽ đẩy mạnh hợp tác với các hãng bay Việt. Việc hợp tác cũng diễn ra ở một số lĩnh vực đặc thù như máy bay trực thăng, vận tải và đầu tư phát triển chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị hàng không.
Hiện một số nhà cung cấp tại Việt Nam đang hỗ trợ sản xuất một số thành phần máy bay thương mại của Boeing, như linh kiện, nội thất máy bay và vật liệu tổng hợp, nhưng chủ yếu là linh phụ kiện nhỏ, giá trị gia tăng chưa cao. Các doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ chủ yếu đến từ khu vực FDI có vốn của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Vì thế, Bộ trưởng Công Thương đề nghị Boeing đẩy nhanh phát triển các nhà cung ứng tại Việt Nam; xây dựng các dự án kết nối và hỗ trợ cụ thể như khảo sát, cử chuyên gia đào tạo nhân sự, chuyển giao công nghệ khi doanh nghiệp đã đáp ứng đủ điều kiện.
Ông cho hay, hiện Việt Nam đã hình thành những tập đoàn có năng lực ngành cơ khí chế tạo, có thể trở thành những đối tác tiềm năng của Boeing trong tương lai.
Do đó, Bộ trưởng Diên cho biết Bộ Công Thương sẵn sàng phối hợp với các đối tác chiến lược như Boeing trong thiết kế khuôn khổ hợp tác thuận lợi, phát triển bền vững ngành công nghiệp phụ trợ hàng không tại Việt Nam. Việc này giúp các nhà cung ứng Việt Nam có thể từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Boeing, và giúp hãng sớm thực hiện mục tiêu chiến lược.
Boeing bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1995. Doanh nghiệp này đã có nhiều đóng góp cho ngành hàng không trong nước như hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam về quốc phòng và dịch vụ hàng không thương mại, hỗ trợ Vietnam Airlines đạt giấy phép bay thẳng không dừng từ TP HCM đến San Francisco (Mỹ).