Có người hỏi tôi ý kiến riêng thế nào.
“Tôi cũng chẳng biết mình nghĩ đúng hay sai, có chỗ cũng ăn cỗ lấy phần, có chỗ thì không bao giờ. Nhưng tùy từng hoàn cảnh, tùy từng nơi mà cũng phải tùy lúc, tùy người. Khen chê thế nào rất khó đấy”.
Hồi tôi còn nhỏ, bố tôi là trưởng một chi họ lớn. Một năm nhà ít nhất cũng có 3-4 kỳ giỗ to, có mời họ hàng khách khứa. Lúc vãn đám giỗ, mẹ và dì tôi tiễn khách về trước và đưa tận tay mỗi người một gói quà là hoa quả, bánh trái, xôi oản mà mọi người đem đến thắp hương.
Mẹ tôi gọi đó là biếu lộc. Còn với các cô, các thím, các dì, các mợ trong họ hàng thì lộc còn hay hết không quan trọng. Người thiếu quả nọ, người thừa bánh kia là chuyện thường. Nhưng mẹ tôi vẫn bảo:
“Thím đem đĩa xôi tôi để chạn trên về cho con bé dâu mới. Nó vừa ở cữ, ăn của nếp tốt sữa đấy”.
“Mợ nhớ cái cặp lồng chim hầm để nóc chạn chưa? Đem về biếu cụ nhé. Đun lại cho nhừ thêm một tý cho cụ dễ ăn”.
Lúc ấy ở dưới bếp, dì tôi cũng đang tíu tít:
“Cô đem đĩa cốm xào này về khoe với bà ngoại xem cháu gái năm nay đi giúp cỗ đã lên tay chưa”.
“Dì hộ tôi nốt chỗ canh măng nhớ. Chỗ cổ cánh thừa lúc nãy tôi đã sẻ một nửa vào thêm rồi. Mai đổi thêm cân bún thì cả nhà lại được bữa sáng ngon đấy”.
Mẹ tôi gọi đó là chia phần. Mọi người đều vui vẻ, hỉ hả. Có khi mọi người còn tự chia nhau nữa, cho gia chủ gọn nhà, gọn bếp. Đám vừng lạc đem về trộn thêm tí muối rang giã, mai ăn cơm nguội thì phải biết. Mấy miếng giò chả đầu thừa đuôi thẹo đem kho lên, mai đem cơm cặp lồng đi làm thì cứ gọi là…
“Bác Cả ơi, em về đây. Nồi măng còn, em đun sôi mở vung rồi nhé. Chiều bác cho nắm rau cần vào mà nấu thì quá ngon. Xôi em dỡ hết ra rá rồi, mai chị Hai cho vào chõ đồ lại cho các cháu ăn sáng mà đi học nhé”, mọi người í ới nhau.
Ngày ấy tủ lạnh đâu có. Gà vịt, thịt thà, tôm, cá hiếm hoi. Nhưng cứ đến giỗ Tết thì đều là đầy đặn, dư giả. Con cháu trông mong cả vào đấy. Ngay như hôm nào bố mẹ tôi đi ăn cỗ, chúng tôi cũng hớn hở hóng phần. Dù chỉ là nắm chim chim xôi đậu hay túm nhãn, túm vải cũng khiến chúng tôi vui suốt cả ngày, khoe nhau rối rít.
Ngày tôi mới lấy chồng, còn ở nhà 52 phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội), sát cạnh có gia đình chị Quỹ, quê ngoại ở Thường Tín. Chị kể mỗi lần về quê ăn cỗ thường chả kịp ăn gì, thì người trên mâm đã mỗi người rút mỗi chiếc đũa xiên giò chả thịt gà, thịt lợn luộc, kể cả xôi đem về, rất tự nhiên như nghìn năm rồi vẫn thế. Tuy nhiên, sau này tôi mới được biết, đó là tập tục ăn cỗ chia phần ở rất nhiều miền quê.
Hơn 40 năm trước, khi tôi về quê chồng ăn cỗ tại chính gia đình nhà chồng, cơm gạo mới, xôi nếp thơm, thịt gà quê mới luộc, tôi vồn vã gắp vào bát cho các bà chị dâu, chị gái trong họ, ra ý dâu mới nhà chủ hiếu khách. Tôi cũng ngon miệng đánh hết bát cơm này sang bát cơm khác. Nhưng gần cuối bữa, tôi vẫn thấy các chị cùng mâm chỉ ăn cơm chan canh xương nấu bí, hoặc mấy miếng rau cải xào lòng mề mà chả ăn gì đến giò chả, thịt gà luộc, thịt lợn nướng. Tôi tưởng các chị giữ ý làm khách nên càng mời giục các chị ăn uống cho thoải mái tự nhiên. Bỗng đâu bà chị gái chồng tôi nháy tôi kéo riêng ra một góc thầm thì:
“Mợ ơi, ở quê người ta đi ăn cỗ còn đem phần về nhà, chỉ ăn rau lá canh riêu thôi mợ ạ. Tý nữa mợ nhớ nhắc chị em đem phần về, không thì họ lại ngại đấy”.
Úi giời, tôi sững người xấu hổ, mà không kiếm đâu ra cái lỗ nẻ để chui xuống đất. Chao ôi, cô dâu mới Hà Nội vô duyên đến thế là cùng. Những lần về ăn cỗ sau này, tôi đã biết lệ, ăn uống có phần ý tứ hơn và luôn mau mắn hồ hởi chia phần giúp các chị. Quà cho cha mẹ già và các cháu nhỏ ở nhà đầy đủ hết. Ai ai cũng vui như Tết. Sau này, tôi đi ăn cỗ nhiều nơi thì đã thấy gia chủ sắp sẵn mỗi mâm dăm, sáu cái túi nylon nho nhỏ, coi như hợp thức hóa việc ăn cỗ lấy phần, chả ai phải xấu hổ ngượng ngập nữa.
Thế nên, khi thấy trên báo nói chuyện có cô con dâu mới tâm sự là được cử đại diện đi ăn cỗ cho gia đình chồng mà chả đem phần gì về nhà, bị mẹ chồng mắng xơi xơi là đồ ăn tham, khổ tâm quá. Thật là tội nghiệp!
Lại cũng rộ lên câu chuyện anh kia đi đám cưới thấy trên bàn ăn còn thừa nước ngọt liền cầm đem về một hộp cho con. Thế mà người nhà chủ không cho đem về. Cũng thật là tội nghiệp!
Lại có vị khách đang ngồi ăn mà đã quấn con tôm rán vào giấy ăn, đút vào túi quần, có người chụp ảnh được đưa lên Facebook. Cũng thật là tội nghiệp!
Lại cũng có nhà sang ăn cỗ đám cưới ở bên nhà thông gia tại làng khác mà lúc về cuốn hết cả thức ăn thừa và bê luôn thùng bia dự trữ lên xe. Cũng thật là tội nghiệp!
Nhưng câu tục ngữ xưa các cụ dạy vẫn không nên coi thường: Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc. Biết vẫn hơn không.
Lại kể tiếp chuyện những lần về quê chồng ăn cỗ sau này. Ngày có cỗ giỗ hay cỗ cưới, tôi có khi cũng ở lại một, hai ngày. Tối đêm, sau khi dọn rửa mâm bát rồi ngồi chơi với các chị em dâu, chị em gái trong họ hàng, tôi thấy bà chị dâu trưởng họ và các chị em phân chia nhau những thứ cho con cháu đem về, không phải là giò chả thịt thà nữa đâu:
“Nhà Loan có con lợn choai, cho thùng nước vo gạo đặc với chỗ nấu xào thừa mà vỗ cho mau béo. Nhà Mịn có con nái mới đẻ. Để phần cho mủng tấm cám gạo nếp, đem nấu cháo cho tốt sữa. Nhà Linh nuôi mấy con chó thì xương xẩu thừa ối ra đấy, lấy bao nhiêu thì lấy. Còn nhà Lương có con lợn sề thì gốc rau già, vỏ chuối tám đầy”.
Tôi ngạc nhiên bật hỏi ngay: “Tại sao con lợn sề chả được cái gì ngon hở các chị?”.
“Đã gọi là lợn sề thì gặp gì mà chả phải ăn, có mà ăn là may. Bao giờ nó đến lứa chửa đẻ hẵng hay, lại cháo gạo nếp, cám thơm lấy sữa nuôi con”, một chị trả lời.
Đêm ấy tôi cứ thế mà trằn trọc khó ngủ.
Khoảng trong thập niên 80 của thế kỷ trước, không nhớ chính xác năm nào nữa, với tư cách phóng viên theo dõi mảng giáo dục đào tạo, tôi được mời tham gia một cuộc gặp mặt của Thủ tướng với các nhà giáo vừa được phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân tại Phủ Thủ tướng. Hội trường trang trí rực rỡ. Hoa quả, bánh trái bày trang trọng trên các dãy bàn. Nhưng suốt buổi, tôi không hề thấy các nhà giáo cầm lên một miếng. Cuối buổi, đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói trên micro: "Kính mời các nhà giáo và các vị đại biểu đem bánh quả về nhà chia phần cho các cháu. Gọi là có chút lộc vui".
Thật cảm động! Tôi thấy các nhân viên lễ tân đến từng chỗ ghế ngồi đưa cho các nhà giáo những chiếc túi giấy bóng kính màu vàng nâu đã chuẩn bị sẵn. Các nhà giáo cẩn thận gói những gói bánh, quả nho nhỏ đặt bên những túi quà lớn đã được Thủ tướng trao tận tay cùng tấm huy hiệu cao quý từ đầu cuộc gặp gỡ. Ai lúng túng chưa gói kịp thì được các cô nhân viên lễ tân ân cần trợ giúp. Tôi nhận thấy có một vài thầy cô giáo cao niên lau vội những giọt nước mắt vừa ứa trên mi.
Đêm ấy cũng là một đêm tôi trằn trọc khó ngủ.
Sau này, tôi cũng từng tổ chức hay tham dự nhiều đám liên hoan cơ quan, bạn bè. Kết thúc đám liên hoan, tôi cũng giục các đồng nghiệp lấy phần, nhưng người lấy người không. Còn đâu tôi bê tất về nhà cho mấy người thợ làm trong phân xưởng gia đình, đặc biệt là cho các cô giúp việc, hoặc các thợ xây dựng gần nhà. Có khi đồ lủng củng treo đầy xe. Ai chê cười, dè bỉu sau lưng thì cũng đành. Chứ trước mặt thì ai cũng khuyến khích: “Không đem về thì làm sao? Phí của lắm. Toàn người quen biết cả. Có gì đâu mà ngại”.
Các cô giúp việc thích lắm: “Bác ơi, chả mấy khi. Không nhờ bác lấy phần thì làm sao nhà em biết được tôm sú nướng với chim câu quay. Ối cái xôi nếp này người ta thổi khéo thế. Quê nhà em nếp cứng mà chả thơm được thế này”.
Hàng xóm mà có các thợ xây sửa nhà thì cơm canh, rau thịt gì cũng cân tất. Có được mớ cơm tám trắng thơm mà đem đổ nồi mẻ, đặng rồi đem ướp giả cầy hay om chuối ốc đậu thì chả hơn hắt vào thùng nước gạo hay đổ vào thùng rác hay sao? Nhớ lời mẹ tôi thường dặn các con: “Của ngọc thực chớ mà lãng phí, phải tội với giời đấy. Kiếp sau rồi mà đi ăn mày”.
Thực ra, sau các đám cỗ tân gia, sinh nhật cưới hỏi tại nhà hàng, các gia chủ ở Hà Nội vẫn thường cử người đứng ra lo khâu hậu kỳ. Tức là khi kết thúc đám cỗ tiệc, khách khứa họ hàng ai đem gì về thì đem, còn đâu, những người lo khâu hậu kỳ sẽ dồn các thứ thức ăn chủ yếu là thịt thà, tôm cá chia vào các túi to, rồi mọi người tùy thích đem về gia đình nấu lại cho bữa sau kẻo lãng phí.
Tất nhiên, đời sống thành thị và nông thôn nay đều khá giả hơn trước rất nhiều. Nhà nào cũng chỉ một hai đứa con. Rồi già trẻ cũng toàn người khảnh ăn, có đâu cần đến cả đồ ăn thừa các đám cỗ tiệc. Tuy nhiên, trong cộng đồng cũng còn nhiều người thiếu thốn khó khăn, miếng ngon ít khi đến miệng.
Các bà mẹ ở làng trẻ mồ côi SOS Hà Nội cho đến giờ vẫn một lòng yêu kính bà giám đốc đầu tiên của làng trẻ những năm 1990, nhà giáo Tạ Thị Thanh. Năm nay bà Thanh đã xấp xỉ tuổi 85. Khi xưa, chẳng những lo toan biết bao công việc hay những dự án lớn của làng trẻ, bà còn tự tay tắm cho mỗi đứa trẻ sơ sinh hoặc là trẻ mồ côi được đón về làng.
Mỗi khi đi dự những đám cỗ tiệc lớn, bà Thanh thường nói với các chủ nhà hàng khách sạn gói ghém đồ ăn thừa về chia cho các gia đình trong làng trẻ.
Các khách sạn nhà hàng đều rất sốt sắng với thiện ý của bà Thanh. Ấy thế mà rồi từ đó, các nhà hàng khách sạn lại tự nguyện đứng ra tổ chức hẳn hoi những đám cỗ tiệc đầy đặn, sang trọng để chiêu đãi các bà mẹ thiện nguyện và hàng trăm đứa trẻ mồ côi cơ nhỡ được nuôi dạy trong làng trẻ. Thế mới hay chứ.
Ngay như đoàn thiện nguyện câu lạc bộ nhà báo nữ chúng tôi vào các dịp lễ Tết cũng quyên góp cho mỗi gia đình làng SOS hoặc làng trẻ Birla kinh phí đủ để làm một mâm cỗ liên hoan cho bà mẹ và hàng chục cháu nhỏ, với đầy đủ các món ngon theo đúng ý thích của mỗi gia đình. Nhưng ấn tượng nhất là cuộc quyên góp cho bữa liên hoan buffet ngoài trời cho hơn 200 suất ăn mà đoàn chúng tôi cùng Hội đầu bếp Hoàng gia Việt Nam tổ chức ngay tại khuôn viên làng trẻ mấy năm trước. Thật là rộn ràng, ấm áp.
“Các mẹ và các con vui đi, rồi lấy phần thoải mái nhé”.
Bài hát lớn lên cùng con
Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.