Cà phê Geisha đắt đỏ

Cà phê Geisha không liên quan tới văn hóa geisha của Nhật Bản. Tuy nhiên, giữa hai khái niệm này có điểm tương đồng: Sự nhẹ nhàng, tinh tế và đầy màu sắc.

Cà phê Geisha - vốn được trồng nhiều ở Trung Mỹ - đang được người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng. Ảnh: Bloomberg.

Trong một căn phòng bài trí tối giản tại quán cà phê Leaves Coffee Roasters giữa thủ đô Tokyo (Nhật Bản), cây viết Melinda Joe của Japan Times trải nghiệm một tách cà phê Geisha tới từ Panama.

“Khi nóng, chị sẽ thấy vị thơm như hoa nhài”, người phục vụ giải thích.

Tới khi nguội, vị của cà phê thay đổi: Hương thơm giống vị bưởi xuất hiện, trong khi vị unami nhẹ khiến người uống liên tưởng tới trà xanh. Ở những ngụm cuối cùng, cà phê dường như có vị ngọt như mật ong.

Chính sự kết hợp này là bí quyết giúp cà phê Geisha trở thành mặt hàng hàng đầu trên thị trường cà phê Tokyo.

Nhật Bản là quốc gia tiêu thụ cà phê lớn thứ ba và là nước nhập khẩu cà phê lớn thứ năm thế giới. Trong đó, ngày càng có nhiều người Nhật ưa thích trải nghiệm cà phê cao cấp. Do nhu cầu của thị trường, các loại cà phê đặc biệt giờ đây đã chiếm tới 10% thị phần.

“Trong khoảng 5 năm trở lại đây, người dùng cà phê ngày càng hiểu biết”, ông Kazuki Togashi, quản lý quán Geshary Coffee tại khu Hibiya, quán cà phê đầu tiên trên thế giới chuyên về cà phê Geisha, nói. “Khi chúng tôi mở cửa năm 2019, một số khách hàng nghĩ rằng sẽ thấy các geisha pha cà phê”.

Hương vị đặc biệt

Cà phê Geisha - hay Gesha - được đặt tên theo một khu vực tại Ethiopia nơi loại cà phê này được phát hiện vào những năm 30 của thế kỷ trước. Sau đó, loại và phê này được mang tới Trung Mỹ.

Tuy nhiên, chỉ trong khoảng 20 năm gần đây, cà phê Geisha mới được chú ý. Khi đó, một mẻ cà phê Geisha từ Panama được bán đấu giá với giá kỷ lục - 46,3 USD/cân - sau thành công trong cuộc thi cà phê ngon nhất Panama.

“Geisha được trồng ở nhiều quốc gia nhưng gắn liền nhất với Panama”, ông Togashi nói, cho biết đất núi lửa và khí hậu ẩm, mát tại vùng cao nguyên Chiriqui mang tới điều kiện lý tưởng cho việc canh tác loại cà phê này.

ca phe geisha anh 1

Một trang trại cà phê Geisha tại Panama. Ảnh: Geshary Coffee.

Chính sự thanh nhã của cà phê Geisha là đặc điểm thu hút người tiêu dùng Nhật Bản, theo ông Taka Ishitani, một chuyên gia pha cà phê đã nhận được nhiều giải thưởng.

“Người Nhật đánh giá cao những hương vị tinh tế, phức tạp”, ông Ishitani nói. “Khi ai đó lần đầu uống thử cà phê Geisha, họ thường hỏi: ‘Liệu đây có thực sự là cà phê không?’ vì hương vị rất khác biệt, giống nước hoa cao cấp hoặc rượu vang trắng”.

Cà phê Geisha cũng đang góp phần giúp cao nguyên Chiriqui chuyển mình. Giờ đây, khách du lịch tới Panama không chỉ thăm thủ đô hay các bãi biển vùng Caribe mà còn tới cả các vườn cà phê ở vùng cao nguyên.

“Chúng tôi muốn cho thấy rằng Panama không chỉ có kênh đào”, ông Jorge Chanis, người tổ chức lễ hội cà phê thường niên La Cosecha của Panama, nói.

Tại cao nguyên Chiriqui, du khách sẽ có cơ hội tham quan nông trường cà phê giữa rừng rậm và nghe hướng dẫn viên giải thích về cách thức môi trường bên ngoài, cách thức thu hoạch và chế biến ảnh hưởng tới hương vị cà phê.

Du khách cũng sẽ được thăm phòng thử cà phê - nơi họ được trải nghiệm rót nước nóng vào cà phê mới xay, cảm nhận hương thơm và thưởng thức.

Trải nghiệm tinh tế

Ở bên kia Thái Bình Dương, các quán cà phê Geisha Nhật Bản mong muốn cho du khách trải nghiệm tương tự. Tại Leaves Coffee Roasters, chuyên gia rang xay cà phê Yasu Ishii tỏ ra cẩn trọng trong từng động tác. Ông sử dụng chiếc máy rang xay Probat của Đức đã có tuổi đời khoảng 70 năm. Chiếc máy này được ông lựa chọn vì có thể giúp tăng cường vị ngọt tự nhiên của cà phê.

Trước khi pha, ông loại bỏ các hạt không đảm bảo chất lượng và chia thành từng phần chính xác 16 gram. Ngay cả kỹ thuật rót nước cũng được tính toán kỹ lưỡng - ông phải giữ ấm nước gần với giấy lọc để ngăn bã cà phê quá đặc.

ca phe geisha anh 2

Ông Yasu Ishii bên chiếc máy rang xay cà phê. Ảnh: Leaves Coffee Roasters.

“Đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật”, ông Ishitani nói. “Khi bạn phục vụ cà phê với mức giá này, bạn cần chia sẻ câu chuyện của những người sản xuất và giúp khách hàng hiểu được sự tinh xảo đằng sau mỗi tách cà phê”.

Cách tiếp cận này phản ánh nhận thức gia tăng trong văn hóa cà phê Nhật Bản: Nhờ giá thành cao, các nhà sản xuất có thể đầu tư vào chất lượng và đảm bảo các nông trại phát triển theo hướng bền vững.

Ngoài phong cách truyền thống, ông Togashi cho biết người Nhật cũng ngày càng ưa thích các biến thể như cà phê lên men với hoa quả và men rượu, giúp mang tới hương vị giống mâm xôi hoặc trái cây nhiệt đời.

“Trong 7 năm qua, nhiều người pha cà phê đã mang các loại hạt được ướp hương đặc biệt tới các cuộc thi. Chúng ngày càng được người tiêu dùng ưa thích”, ông nói.

Tuy nhiên, bà Miho Hariu, giám đốc thương hiệu tại Leaves Coffee Roasters, có quan điểm khác.

“Phong cách đậm hương vị này dễ hiểu nhưng có thể là quá nhiều”, bà nói. “Tôi nghĩ cà phê truyền thống đang quay trở lại. Tại Leaves, chúng tôi quan tâm hơn tới các yếu tố môi trường và hương vị tự nhiên từ cách thức cà phê được trồng”.

Đối với ông Ishii, tương lai của cà phê Geisha - cũng như các loại cà phê khác - phần nào đơn giản hơn.

“Cuộc nói chuyện, sự kết nối giữa con người khi uống cà phê luôn là điều quan trọng nhất”, ông chia sẻ.

Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới

Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.