Cà phê sốt giá trên toàn cầu, nông dân Việt Nam thu lãi đậm, nhưng đâu mới là mức giá bền vững?

Giá cà phê thế giới đã tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 50 năm qua. Với tư cách nhà sản xuất robusta hàng đầu thế giới, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong cuộc biến động này.

Dữ liệu mới nhất cho thấy, giá cà phê thế giới đồng loạt tăng trên 2 sàn giao dịch. Cụ thể: Trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 11/2024 giảm 94 USD/tấn, ở mức 5.471 USD/tấn, giao tháng 1/2025 giảm 89 USD/tấn, ở mức 5.439 USD/tấn.

Tương tự, trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabicagiao tháng 12/2024 giảm 1,20 cent/lb, ở mức 321,85 cent/lb, giao tháng 3/2025 giảm 1,35 cent/lb, ở mức 319,35 cent/lb.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, giá cà phê Robusta và Arabica hiện đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Chênh lệch giá giữa 2 loại cà phê này đạt khoảng 1.500 USD/tấn. Đặc biệt, giá cà phê Arabica trên sàn New York tăng mạnh đã kéo theo sự gia tăng giá của cà phê Robusta trên thị trường.

Cơn sốt giá cà phê được cho là bắt nguồn từ sự gia tăng thu mua mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc. Gần đây, Luckin Coffee, một hãng cà phê lớn của Trung Quốc, đã ký thỏa thuận với các nhà cung cấp Brazil để mua 240.000 tấn cà phê mỗi năm trong giai đoạn 2025-2029.

Đây là kế hoạch thu mua hạt cà phê lớn nhất trong lịch sử của Luckin Coffee, tạo áp lực lớn lên nguồn cung toàn cầu và đẩy giá cà phê tăng cao.

Mặc dù sàn New York đã tạm nghỉ giao dịch trong kỳ lễ Tạ ơn của Mỹ, nhưng trước đó giá cà phê Arabica đã có chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp, đạt mức cao nhất trong gần 50 năm.

Nhà phân tích Carlos Mera của Rabobank nhận định rằng bên cạnh các yếu tố địa chính trị, sự tăng giá này còn bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về sản lượng cà phê Brazil trong vụ mùa 2025/26 và các thách thức liên quan đến vận chuyển và logistics. Những yếu tố này tiếp tục củng cố đà tăng của giá cà phê trên toàn cầu.

Cà phê sốt giá trên toàn cầu, nông dân Việt Nam thu lãi đậm, nhưng đâu mới là mức giá bền vững?- Ảnh 1.

Trong thời gian ngắn, các nhà nhập khẩu vẫn cần robusta Việt Nam vì người tiêu dùng đã quen thuộc với hương vị. Nhưng nếu giá cao kéo dài, họ có thể thay đổi công thức, ảnh hưởng đến xuất khẩu. Ảnh: Vietnam+

Ở trong nước, giá cà phê hôm nay (ngày 30/11) tiếp tục tăng mạnh tại các địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên, theo đó đưa mức giá cà phê trung bình hiện ở quanh mốc 131.000 đồng/kg tại khu vực được mệnh danh là "thủ phủ cà phê" của nước ta.

Điều đáng nói, giá cà phê leo thang trong giai đoạn Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch. Thông thường, thời điểm này giá cà phê sẽ hạ nhiệt do nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, năm nay cả giá cà phê tươi và cà phê nhân lại rủ nhau tăng mạnh.

"So với cùng kỳ năm ngoái, cà phê hiện tại đã tăng giá gấp đôi", anh Nguyễn Văn Hoàn – nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk nói với VietNamNet. Anh cho biết, giá cà phê tươi năm ngoái chỉ 17.000 đồng/kg, còn cà phê nhân chưa đến 60.000 đồng/kg.

Hiện nông dân hái cà phê bán tươi đã được trên 30.000 đồng/kg, cao hơn cả giá cà phê nhân của năm 2020. Còn nếu bán hạt thì giá đã lên trên 130.000 đồng/kg.

"Mức giá này dù bán cà phê tươi hay cà phê nhân thì nông dân đều lãi to", anh Hoàn chia sẻ.

Gia đình anh Hoàn có 5 ha cà phê đang thu hoạch quả chín để phơi sấy. Tuy sản lượng năm nay sụt giảm so với năm ngoái do thời tiết không thuận lợi, song ước tính vẫn thu về khoảng gần 20 tấn hạt. Nếu bán hết với mức giá hiện tại, anh có thể thu về 2,6 tỷ đồng, trừ đi chi phí lãi khoảng 1,7 tỷ đồng.

Theo anh, nhiều nông dân vẫn "găm" hàng chưa vội bán ra. Riêng gia đình anh, thu hoạch được tương đối nên đã bán một phần phòng ngừa rủi ro giá đạt đỉnh rồi lao dốc mạnh như hồi tháng 4 tháng 5 năm nay.

Ông Nguyễn Văn Tạo ở Đắk Mil (Đắk Nông) cũng cho biết, giá cà phê vẫn tiếp đà tăng. Với sản lượng khoảng 27 tấn hạt cà phê thu được ở vụ này, ông ước tính thu về khoảng 3,5 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận khoảng 2 tỷ.

Ở nước ta, năng suất cà phê ước đạt 3-5 tấn hạt/ha tuỳ loại và tuỳ khu vực. Giá thành sản xuất cà phê khoảng 40.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), tính toán, giá cà phê nhân tăng lên 125.000-130.000 đồng/kg, nông dân lãi khoảng 85.000-90.000đồng/kg.

Nếu tính năng suất trung bình 4 tấn hạt/ha, chỉ cần trồng 3 ha cà phê nông dân đã có thể "bỏ túi" tiền tỷ.

Các nhà rang xay trên thế giới cho biết, trong công thức rang xay phổ biến hiện nay, tỉ lệ phối trộn cà phê Robusta đã lên đến 30-40%, thay cho tỉ lệ trước đây chỉ 20-30%.

Rõ ràng, trong "cuộc chơi giá" này, Việt Nam – với tư cách nhà sản xuất robusta hàng đầu thế giới – đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì mức giá cà phê ở ngưỡng cao nhờ khả năng tự chủ tài chính và khả năng bảo quản cà phê lâu dài, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), nhận định.

Tuy nhiên, ông Nam cũng cảnh báo rằng giá robusta Việt Nam đang ở mức quá cao, khiến các nhà nhập khẩu phàn nàn. Trong thời gian ngắn, họ vẫn cần robusta Việt Nam vì người tiêu dùng đã quen thuộc với hương vị. Nhưng nếu giá cao kéo dài, các nhà nhập khẩu có thể thay đổi công thức, ảnh hưởng đến xuất khẩu.

"Mức giá khoảng 100.000 đồng/kg sẽ hài hòa lợi ích các bên và giúp cà phê Việt Nam phát triển bền vững", ông Nam cho hay.

Minh Đức (T/h)

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Phát hiện hơn nửa tấn pháo trong lô cà phêPhát hiện hơn nửa tấn pháo trong lô cà phê