
Startup Lila Sciences của Mỹ mới đây đã chia sẻ tham vọng cách mạng hóa khoa học thông qua trí tuệ nhân tạo (AI). Công ty khởi nghiệp ở Cambridge, Massachusetts này đã làm việc bí mật suốt 2 năm nhằm chế tạo siêu trí tuệ nhân tạo (AGI), với mong muốn giải quyết những thách thức lớn nhất của nhân loại.
Với đội ngũ nhà khoa học giàu kinh nghiệm và 200 triệu USD kinh phí ban đầu, Lila đang phát triển một chương trình AI dựa trên dữ liệu thí nghiệm và tư duy khoa học. Công ty khởi nghiệp sau đó sẽ để phần mềm AI tiến hành thí nghiệm trong phòng lab tự động với vài nhà khoa hỗ trợ.
Trong những dự án chứng minh công nghệ, AI của Lila tìm ra nhiều kháng thể mới giúp đối phó với dịch bệnh, thậm chí có thể phát triển vật liệu mới nhằm thu giữ carbon từ khí quyển. Lila thu kết quả thực tế từ phòng thí nghiệm trong vòng vài tháng, trong khi thông thường phải mất tới vài năm. Trong một số trường hợp, AI thậm chí có thể vượt xa trí tưởng tượng của con người với các phát minh.
“AI sẽ tiếp sức cho quá trình tiến hóa tiếp theo của phương pháp khoa học”, Geoffrey von Maltzahn, giám đốc điều hành của Lila, nói.
Được biết, Lila áp dụng cách tiếp cận tập trung vào khoa học để huấn luyện AI tạo sinh, cung cấp cho nó những bài báo nghiên cứu, ghi chép thí nghiệm và dữ liệu từ phòng thí nghiệm khoa học đời sống, khoa học. Startup này tin rằng điều đó sẽ đem đến cho công nghệ chiều sâu, tương tự cách chatbot viết thơ và mã máy tính.
GIẤC MƠ SIÊU AI
Lila Sciences đại diện cho vô số các công ty công nghệ khác đang theo đuổi AI, thậm chí là siêu AI (AGI), mỗi ngày. Đầu năm 2024, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Thụy Sĩ, một số giám đốc điều hành đã bày tỏ kỳ vọng của mình về một loại AI ngang bằng hoặc thậm chí vượt xa trí tuệ con người. Hình thù siêu trí tuệ nhân tạo ra sao, được áp dụng như thế nào,...khi ấy vẫn còn là điều bí ẩn.
ASI, được coi là “chén thánh” của AI, có thể thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào, dù là cờ vua hay câu đố toán học. Trước lo ngại rằng những dạng AI này có thể định hình lại hoặc phá hủy thế giới, CEO OpenAI Sam Altman trước đây tin rằng đây hoàn toàn là những nỗi sợ phóng đại.
“Nó sẽ thay đổi thế giới ở mức ít nhiều so với những gì chúng ta vẫn tưởng”, Altman phát biểu.

Masayoshi Son, CEO Softbank, đã dự đoán về một tương lai do ASI thống trị bởi chúng thông minh hơn 10.000 lần so với người thông minh nhất hành tinh. Vị tỷ phú này tin rằng mình được đưa đến Trái đất để biến tương lai này trở thành hiện thực.
“SoftBank được thành lập với mục đích gì? Masayoshi Son sinh ra với mục đích gì? Nghe có vẻ lạ, nhưng tôi nghĩ mình sinh ra là để hiện thực hóa ASI. Tôi cực kỳ nghiêm túc về điều đó”, Son nói với các cổ đông tại cuộc họp thường niên tuần trước, theo CNBC và cho biết mọi khoản đầu tư mà ông thực hiện trong suốt sự nghiệp của mình, từ Uber đến Alibaba, đều chỉ là khởi động cho các khoản đầu tư AI.
“ASI là trọng tâm duy nhất của tôi”, ông nói.
Sự tập trung cực đoan vào AI diễn ra sau cam kết thực hiện 5 khoản đầu tư AI quy mô lớn trị giá ít nhất 1 tỷ USD của SoftBank. Son đã hỗ trợ nhiều công ty AI, bao gồm khoản đầu tư 200 triệu đô la vào Tempus AI - startup phân tích dữ liệu y tế vào tháng 4/2024. Ông cũng đặt cược khi hỗ trợ Perplexity AI - một công ty khởi nghiệp tìm kiếm trên internet bằng AI đang thịnh hành với hy vọng cạnh tranh với những công ty khổng lồ như Google.
Trong cuộc họp với các cổ đông, Son nhấn mạnh cơ hội trong lĩnh vực lái xe tự động, robot AI, trung tâm dữ liệu và hơn thế nữa. Theo phong cách thường thấy, sau đó, vị tỷ phú này đã bắt đầu một cuộc thảo luận sâu sắc, chân thành về phong cách đầu tư của mình.
“Hai năm trước, tôi thấy mình già rồi, quãng đời còn lại có hạn song bản thân vẫn chưa làm được gì cả và tôi đã khóc rất nhiều”, Masayoshi Son, CEO Softbank, kể lại cảm giác của mình trong giai đoạn đen tối của SoftBank vào năm 2022 và cho biết hiện tại, mục đích sống đang rõ ràng hơn bao giờ hết. “Đây là thứ tôi sinh ra để làm, để nhận ra ASI”.
LO SỢ
Dẫu vậy, theo Aidan Gomez, CEO kiêm đồng sáng lập công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo Cohere, vấn đề then chốt với AGI là nó vẫn chưa được xác định rõ ràng là công nghệ. “Trước hết, AGI là một thuật ngữ được định nghĩa siêu mơ hồ. Câu hỏi thực sự là chúng ta có thể áp dụng nó như thế nào, đưa vào sản xuất ra sao”.
Lila Ibrahim, giám đốc điều hành phòng thí nghiệm AI DeepMind của Google, cũng cho rằng không ai thực sự biết loại AI nào đủ tiêu chuẩn “trí tuệ thông minh”. Ông lưu ý điều quan trọng là phải phát triển công nghệ một cách an toàn.

“Thực tế là không ai biết khi nào AGI sẽ đến”, Ibrahim nói với Kharpal của CNBC. “Chúng tôi đã nhìn thấy những lĩnh vực mà AI có khả năng vượt trội hơn con người. AI có thể hợp tác với con người hoặc được coi như một công cụ. Tôi nghĩ đó thực sự là một câu hỏi mở và không biết phải trả lời thế nào”.
Ngay cả Sam Altman, CEO OpenAI, cũng lo ngại về rủi ro AI. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 5 năm 2023 với ABC News, ông thừa nhận khá sợ những hệ lụy mà siêu AI mang lại.
“Chúng ta phải cẩn thận. Tôi nghĩ mọi người nên vui vì chúng tôi sợ điều này”, Altman nói và cho biết bản thân lo ngại khả năng AI được sử dụng cho những “thông tin sai lệch trên quy mô lớn”. “Khi thế giới tiến gần hơn đến AGI, những rủi ro, căng thẳng sẽ tăng lên”.
Trước đó, Geoffrey Hinton, được mệnh danh là “cha đỡ đầu của AI”, cũng đã đưa ra cảnh báo rằng các chương trình tiên tiến “có thể thoát khỏi sự kiểm soát bằng cách viết mã của chính mình để tự sửa đổi”. “Một trong những cách để thoát khỏi kiểm soát là các hệ thống này viết mã máy tính của riêng chúng để tự sửa đổi. Đó là điều chúng ta cần lo lắng”, Hinton nói.
Được biết, việc ông Hinton đã rời bỏ vị trí phó chủ tịch Google vào năm ngoái đã dấy lên nhiều lo ngại về cách công ty giải quyết các vấn đề an toàn và đạo đức AI.
Jack Hidary, Giám đốc điều hành SandboxAQ, cũng bác bỏ quan điểm của một số giám đốc điều hành công nghệ cho rằng AI có thể sắp đạt đến trí tuệ thông minh “chung”. Nhiều hệ thống vẫn cần sự hỗ trợ của con người.
Theo: The NY Times, CNBC, Business Insider