Các tập đoàn kinh tế Nhà nước bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế

Trong 9 tháng năm 2024, 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đã có những bước bứt phá mạnh mẽ, tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, đạt được những kết quả ấn tượng về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế...

Trong 9 tháng năm 2024, 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đã có những bước bứt phá mạnh mẽ, tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, đạt được những kết quả ấn tượng về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời bảo đảm đời sống, việc làm, thu nhập cho người lao động.

Các tập đoàn kinh tế Nhà nước bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế- Ảnh 1.

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cùng đoàn công tác của Ủy ban kiểm tra tiến độ Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào ngày 10/5/2024

Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch cả năm

Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu Công ty mẹ của 19 Tập đoàn, Tổng công ty ước đạt 971.593 tỷ đồng, bằng 83% kế hoạch năm và bằng 115% so với cùng kỳ; Lợi nhuận trước thuế ước đạt 50.360 tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch năm; Giá trị nộp ngân sách nhà nước ước đạt 62.904 tỷ đồng, bằng 115% kế hoạch năm và bằng 100% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo đó, tính đến hết tháng 9/2024, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất ước đạt hơn 1.538.000 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch năm và bằng 112% so với cùng kỳ năm trước; Lợi nhuận trước thuế ước đạt gần 857 tỷ đồng, bằng 105% kế hoạch năm, cụ thể:

Lĩnh vực điện: Điện sản xuất lũy kế 9 tháng năm 2024 ước đạt 232,9 tỷ kWh, bằng 75% kế hoạch năm, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Điện thương phẩm lũy kế 9 tháng năm 2024 ước đạt 209,2 tỷ kWh, bằng 80% kế hoạch năm, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng điện truyền tải lũy kế 9 tháng năm 2024 ước đạt 186,56 tỷ kWh, bằng 80% kế hoạch năm, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.

Các tập đoàn kinh tế Nhà nước bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng cùng đoàn công tác Ủy ban kiểm tra tiến độ thi công Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu vào ngày 22/5/2024

Lĩnh vực dầu khí: Sản lượng dầu thô lũy kế 9 tháng năm 2024 ước đạt 7,45 triệu tấn, bằng 90% kế hoạch năm và bằng 94% so với cùng kỳ năm trước; Sản lượng khai thác khí lũy kế 9 tháng năm 2024 ước đạt 4,8 tỷ m3, bằng 94% kế hoạch năm và bằng 83% so với cùng kỳ.

Các tập đoàn kinh tế Nhà nước bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế- Ảnh 3.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về đích chỉ tiêu doanh thu và nộp ngân sách cả năm 2024

Lĩnh vực xăng dầu: Sản lượng xăng dầu hợp nhất lũy kế 9 tháng năm 2024 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) (không bao gồm nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn) ước đạt 4.900.300 tấn, bằng 84% kế hoạch năm và bằng 90% so với cùng kỳ. Sản lượng xăng dầu hợp nhất lũy kế 9 tháng năm 2024 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ước đạt 11.518.000 m3, tấn, bằng 88% kế hoạch năm và bằng 105% so với cùng kỳ năm 2023.

Lĩnh vực than: Than nguyên khai sản xuất lũy kế 9 tháng năm 2024 ước đạt 27.694.000 tấn, bằng 71% kế hoạch năm và bằng 97% so với cùng kỳ. Than thành phẩm sản xuất lũy kế 9 tháng năm 2024 ước đạt 37.405.000 tấn, bằng 72% kế hoạch năm và bằng 102% so với cùng kỳ. Than tiêu thụ lũy kế 9 tháng năm 2024 ước đạt 34.365 nghìn tấn, bằng 71% kế hoạch và bằng 94% so với cùng kỳ.

Các tập đoàn kinh tế Nhà nước bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế- Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh cùng đoàn công tác của Ủy ban thị sát công trường, kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện Dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài vào ngày 13/9/2024

Lĩnh vực vận tải, hàng không: Đối với lĩnh vực hàng không, thông qua toàn bộ mạng lưới các cảng hàng không của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), sản lượng vận chuyển hành khách ước đạt 83,52 triệu khách, bằng 73% kế hoạch năm và bằng 96% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng vận chuyển hàng hóa bưu kiện ước đạt 1.112 nghìn tấn, bằng 81% kế hoạch năm và bằng 122% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, riêng sản lượng vận chuyển hành khách của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ước đạt 17,2 triệu khách, bằng 76% kế hoạch năm và bằng 109% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 225,3 nghìn tấn, bằng 82% kế hoạch năm và bằng 142% so với cùng kỳ năm 2023.

Các tập đoàn kinh tế Nhà nước bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế- Ảnh 5.

Vận tải hành khách 9 tháng đầu năm 2024 đạt cao so với cùng kỳ năm 2023

Lĩnh vực đường sắt: Tính đến hết tháng 9/2024, vận chuyển hành khách ước đạt 5.421.210 lượt khách, bằng 88% kế hoạch năm và bằng 120% so với cùng kỳ; 2.101.639 nghìn hành khách/kilomet, bằng 92% kế hoạch năm và bằng 117% so với cùng kỳ; vận chuyển hàng hóa ước đạt 3.405,39 nghìn tấn xếp, bằng 70% kế hoạch năm và bằng 114% so với cùng kỳ năm trước.

Các tập đoàn kinh tế Nhà nước bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế- Ảnh 6.

Lĩnh vực vận tải biển có nhiều khởi sắc

Lĩnh vực đường biển cũng có nhiều khởi sắc, theo đó, sản lượng vận tải biển ước đạt 13,5 triệu tấn, bằng 85% kế hoạch năm và bằng 88% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng thông qua cảng ước đạt 109,39 triệu tấn, bằng 88% kế hoạch năm và bằng 131% so với cùng kỳ năm 2023.

Các tập đoàn kinh tế Nhà nước bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế- Ảnh 7.

Phó Chủ tịch Ủy ban Đỗ Hữu Huy trao Cờ thi đua của Ủy ban cho những đơn vị xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua của Tổng công ty Lương thực miền Bắc

Ở một số lĩnh vực khác như thuốc lá, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp, sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu cũng có những kết quả đáng chú ý, cụ thể: Tổng sản lượng tiêu thụ thuốc lá điếu ước đạt 3.590 triệu bao, bằng 83% kế hoạch năm và bằng 106% so với cùng kỳ năm trước.

Về sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp: Trồng rừng mới ước đạt 2.428 ha, bằng 83% kế hoạch năm và bằng 100% so với cùng kỳ. Khai thác gỗ lũy kế 9 tháng năm 2024 ước đạt 2.327 ha, bằng 87% kế hoạch năm và bằng 163% so với cùng kỳ năm 2023.

Sản lượng gạo của Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) ước đạt 1.439.954 tấn gạo, bằng 100% kế hoạch năm và bằng 105% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng gạo của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) lũy kế 9 tháng năm 2024 ước đạt 912.606 tấn gạo, bằng 97% kế hoạch năm và bằng 74% so với cùng kỳ năm trước.

Về lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu: Phân lân chế biến ước đạt 738.637 tấn, bằng 88% kế hoạch năm và bằng 130% so với cùng kỳ. Sản xuất phân đạm Ure đến hết tháng 9/2024 ước đạt 664.967 tấn, bằng 86% kế hoạch năm và bằng 120% so với cùng kỳ. Sản xuất phân hỗn hợp NPK đến hết tháng 9/2024 ước đạt 1.002.342 tấn, bằng 84% kế hoạch năm và bằng 115% so với cùng kỳ. Khai thác quặng Apatit đến hết tháng 9/2024 ước đạt 1.487.189 tấn, bằng 83% kế hoạch năm và bằng 122% so với cùng kỳ. Sản xuất pin các loại đến hết tháng 9/2024 ước đạt 1576.067 nghìn viên, bằng 61% kế hoạch năm và bằng 97% so với cùng kỳ. Sản xuất ắc quy các loại đến hết tháng 9/2024 ước đạt 1.637.291 Kwh, bằng 80% kế hoạch năm và bằng 120% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhiều dự án lớn, trọng điểm có giá trị thực hiện cao so với kế hoạch

9 tháng đầu năm 2024, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và kế hoạch công tác năm 2024, Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty đã cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tối đa những cơ hội, hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ được giao.

Ủy ban đã thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật và ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, khắc phục tình trạng trước đây nhiều nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa được thực hiện đầy đủ hoặc tồn đọng qua nhiều năm.

Các Tập đoàn, Tổng công ty tiếp tục giữ vị trí, vai trò nòng cốt, phát huy vai trò chủ lực, chủ đạo trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước và bảo đảm an ninh quốc phòng, đặc biệt là vấn đề có liên quan đến an ninh năng lượng; bảo đảm cân đối lớn và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quan trọng cho nền kinh tế như điện, than, xăng dầu, hóa chất cơ bản...

Các tập đoàn kinh tế Nhà nước bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế- Ảnh 8.

Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng vượt tiến độ trong quý 3 năm 2024

Trong lĩnh vực năng lượng, tính đến hết tháng 9/2024, một số dự án lớn, trọng điểm có giá trị thực hiện đầu tư cao so với kế hoạch năm 2024 như: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 (đạt khoảng 42%), dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng (đạt khoảng 65%); dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng (đạt khoảng 80%); dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I (đạt khoảng 108%); dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II (đạt khoảng 107%); chuỗi dự án điện - khí lô B (đạt khoảng 40%); các dự án đường dây 500 kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối, đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đã hoàn thành trong tháng 8/2024.

Trong lĩnh vực giao thông, hàng không: Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (đạt khoảng 51%); Dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3, 4 tại Lạch Huyện, Hải Phòng (đạt khoảng 18,02%); dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi (đạt khoảng 20%); Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giá trị khối lượng nghiệm thu hoàn thành đạt khoảng 38,81%, giá trị khối lượng thực hiện ước đạt khoảng 143%; Dự án thành phần 3 - dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 giá trị khối lượng nghiệm thu hoàn thành ước đạt khoảng 16%, giá trị khối lượng thực hiện ước đạt khoảng 48%.

Tăng tốc phát triển với động lực mới, khí thế mới

Với quyết tâm cao hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có những chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời, giúp các doanh nghiệp bảo đảm hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Các tập đoàn kinh tế Nhà nước bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế- Ảnh 9.

Phó Chủ tịch Nguyễn Cảnh Toàn cùng đoàn công tác Ủy ban khảo sát tại hiện trường Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO 2) vào ngày 29/3/2024

Theo đó, Ủy ban tập trung chỉ đạo doanh nghiệp khắc phục bằng được những tồn tại, hạn chế trong sản xuất, kinh doanh; triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho 3 đột phá chiến lược của đất nước (thể chế, hạ tầng, nhân lực), làm mới 3 động lực tăng trưởng cũ (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và bổ sung các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ)…

Bên cạnh đó chú trọng triển khai cơ cấu lại các Tập đoàn, Tổng công ty theo các kế hoạch đã được phê duyệt, trong đó tập trung 3 nội dung: Tái cấu trúc về quản trị, bộ máy theo hướng hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng nhân lực; Tái cấu trúc về tài chính; Tái cấu trúc về ngành nghề, nguyên vật liệu đầu vào… cho phù hợp xu hướng phát triển.

Các tập đoàn kinh tế Nhà nước bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế- Ảnh 10.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đoàn kết, đồng lòng quyết tâm cao hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao

Thời gian tới, lãnh đạo Ủy ban sẽ  đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chủ động, tích cực hơn nữa, phát huy tinh thần tấn công mạnh mẽ, bản lĩnh, tự tin, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, kiên định các vấn đề nguyên tắc nhưng linh hoạt trong thực hiện công việc cụ thể, tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường. Cùng với đó, không ngừng phát huy truyền thống, lịch sử phát triển qua nhiều năm của mỗi doanh nghiệp, tạo khí thế mới, động lực mới, kết quả mới, thắng lợi mới. Tích cực, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, công nhân, người lao động theo hướng năm sau phải cao hơn năm trước; đóng góp tích cực cho công tác bảo đảm an sinh xã hội.

Ủy ban sẽ tiếp tục phát huy kinh nghiệm, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, giải quyết nhanh chóng, kịp thời các đề xuất của doanh nghiệp trên tinh thần tất cả vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển của các Tập đoàn, Tổng công ty.

Với số lượng hơn 800 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay, 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nhưng lại là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước khi nắm giữ khoảng 65% tổng vốn chủ sở hữu cũng như tài sản của cả khối DNNN.