Các thị trường vẫn “ngồi trên lửa” dù Mỹ đạt thoả thuận nâng trần nợ công

Để có hiệu lực, các điều khoản của thoả thuận vẫn cần được các Nghị sĩ Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà thuộc hai viện Quốc hội Mỹ thông qua trước ngày 5/6.

Chính phủ Mỹ và Đảng Cộng hoà vừa đạt được thoả thuận về nguyên tắc nhằm nâng trần nợ và giới hạn chi tiêu. Động thái này giúp nền kinh tế số 1 thế giới tránh được nguy cơ vỡ nợ lịch sử, với những hậu quả không chỉ đối với nước Mỹ mà còn đối với nền kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ca ngợi thoả thuận là một thoả hiệp quan trọng, nhưng vẫn bảo vệ được các ưu tiên chính của Đảng Dân chủ. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đánh giá, đây là một thoả thuận xứng đáng với người dân Mỹ.

“Sau nhiều tuần đàm phán, dù còn nhiều việc phải làm, nhưng chúng tôi đã đi đến một thỏa thuận về nguyên tắc xứng đáng với người dân Mỹ. Thỏa thuận có sự cắt giảm lịch sử trong chi tiêu, những cải cách mang tính hệ quả giúp người dân thoát khỏi cảnh nghèo khó, tham gia vào lực lượng lao động, không có thuế mới, không có các chương trình mới của chính phủ... Tôi hy vọng sẽ hoàn thành việc soạn thảo dự luật, xác nhận lại với Nhà trắng cũng như nói chuyện với Tổng thống, sau đó sẽ trình Dự luật và bỏ phiếu vào ngày 31/5”, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho hay.

Các thị trường vẫn “ngồi trên lửa” dù Mỹ đạt thoả thuận nâng trần nợ công - Ảnh 1.

Chủ tịch Hạ viện McCarthy trao đổi với báo giới tại Đồi Capitol ngày 27/5. Ảnh: AP

Tuy nhiên để có hiệu lực, các điều khoản của thoả thuận vẫn cần được các Nghị sĩ Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà thuộc hai viện Quốc hội Mỹ thông qua trước ngày 5/6 - được gọi là “Ngày X” - thời điểm được dự báo chính phủ Mỹ sẽ không còn khả năng thanh toán các hoá đơn. Nếu thoả thuận cuối cùng được Quốc hội thông qua và được Tổng thống Joe Biden ký thành luật trước “Ngày X”, Mỹ sẽ tránh được một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có.

Theo Giáo sư Vinod Agarwal tại Đại học Old Dominion, một vụ vỡ nợ của Chính phủ Mỹ - điều chưa bao giờ xảy ra, có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu và khiến hàng triệu người mất việc làm. “Đó sẽ là một thảm hoạ đối với nền kinh tế Mỹ và về cơ bản sẽ gây ra một cú sốc cho nền kinh tế toàn cầu và không thể biết hậu quả sẽ đi đến đâu. Tuy nhiên, như hầu hết các nhà kinh tế đã ước tính, lãi suất sẽ tăng đáng kể với hậu quả là nền kinh tế Mỹ có thể sẽ rơi vào suy thoái. Rất nhiều việc làm sẽ bị mất và chính phủ liên bang sẽ không thể thanh toán tất cả các nghĩa vụ của mình. Kết cục sẽ là sự hỗn loạn trong nền kinh tế Mỹ cũng như kinh tế thế giới”, Giáo sư Vinod Agarwal nhận định.

Vấn đề gây tranh cãi nhất hiện nay là điều khoản áp đặt các yêu cầu mới đối với một số chương trình mạng lưới an sinh xã hội. Đảng Cộng hoà đã cho thấy lập trường rất quyết liệt khi cho rằng, những người thụ hưởng các chương trình như phiếu thực phẩm, những người không có người phụ thuộc cần phải tuân theo các quy tắc mới. Tuy nhiên, các thành viên Đảng Dân chủ đã coi ý tưởng đó là một cuộc tấn công nhằm vào người nghèo.

Áp lực đối với các nhà đàm phán ngày càng lớn, khi nền kinh tế số 1 thế giới đang tiến gần hơn đến bờ vực vỡ nợ và nguy cơ xảy ra thảm hoạ kinh tế. Việc Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen lùi dự báo thời điểm vỡ nợ của Chính phủ Mỹ từ ngày 1/6, sang ngày 5/6 đã giúp các nhà lập pháp có thêm thời gian nhưng tuy nhiên, giới hạn này chỉ mang tính tương đối. Việc Quốc hội Mỹ có bao nhiêu thời gian để hành động; ngăn chặn thảm hoạ tài chính tiềm ẩn là điều chưa thể khẳng định, khiến các thị trường tiếp tục “ngồi trên đống lửa”./.