Cái kết đắng của ông bố Trung Quốc tìm con mất tích 22 năm ròng rã

Lei Wuze tìm thấy con trai ruột sau 22 năm mất tích và mong con rời bỏ gia đình nhận nuôi giàu có. Tuy nhiên, ông đã bị con chặn liên lạc trên mạng.

Tim con that lac anh 1

Người cha Lei Wuze đã tổ chức một cuộc tìm kiếm mệt mỏi kéo dài 2 thập kỷ để tìm đứa con trai mất tích của mình. Ảnh: Baidu.

Ông Lei Wuze (55 tuổi) từng sống cùng vợ tại một trạm trung chuyển hàng hóa ở thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Cuộc sống của gia đình ông nghèo nhưng hạnh phúc, cho đến khi con trai 3 tuổi tên Chuanchuan bị bắt cóc trong một chuyến đi cùng hàng xóm vào năm 2001.

Suốt 22 năm, vợ chồng ông Lei không ngừng tìm kiếm con. Họ đã liên hệ với hơn 300 cảnh sát, ghi chép hơn 2.000 đầu mối, SCMP đưa tin.

Ông kiếm tiền bằng việc bán rượu và phần mềm, treo thưởng 250.000 nhân dân tệ (khoảng 34.000 USD) và đã chi hơn 1 triệu nhân dân tệ (gần 136.755 USD) cho hành trình tìm con.

Câu chuyện của ông được chia sẻ rộng rãi trên mạng, thu hút 150.000 người theo dõi và còn được đài truyền hình quốc gia CCTV làm thành phim tài liệu.

Tim con that lac anh 2

Ông Lei Wuze treo thưởng khoảng 34.000 USD cho những ai tìm thấy con trong suốt 22 năm. Ảnh: Line Today.

Tháng 6/2023, cảnh sát tìm thấy Chuanchuan ở Thâm Quyến. Cậu đã tốt nghiệp đại học, làm việc trong ngành tiếp thị và sống cùng gia đình nhận nuôi giàu có. Người bắt cóc - Wang Haowen - bị kết án tử hình vì buôn bán 11 đứa trẻ, trong đó có Chuanchuan.

Dù gia đình tổ chức tiệc đoàn tụ, Chuanchuan không muốn xuất hiện trước công chúng. Ông Lei đến Thâm Quyến nhiều lần nhưng không gặp được con. Cuối cùng, họ tái ngộ tại đồn cảnh sát. Tuy nhiên, Chuanchuan từ chối trở về sống cùng cha mẹ ruột.

Ông Lei cho biết con trai được gia đình nhận nuôi chăm sóc rất tốt, sống đầy đủ. Sau khi cha nuôi mất, cậu được ông bà nuôi tiếp tục nuôi dưỡng.

Dù hiểu rằng việc nối lại tình cảm sau hơn 20 năm không hề dễ, ông Lei vẫn hy vọng: “Hãy để con biết tuổi thơ, quê hương và hành trình chúng tôi đã trải qua để tìm con. Rồi con sẽ quay về”.

Ban đầu, hai cha con vẫn liên lạc qua mạng. Nhưng ông Lei thường xuyên yêu cầu con trai rời Thâm Quyến, về sống với gia đình ruột ở Hồ Nam. Chuanchuan từ chối và nói: “Đừng ép con”. Cậu cũng nói không thể rời Thâm Quyến vì công việc và bạn bè ở đó.

Tim con that lac anh 3

Gia đình ông Lei Wuze tan nát khi con trai họ bị bắt cóc vào lúc 3 tuổi năm 2001. Ảnh: Baidu.

Ông Lei buồn bã trách: “Em con bệnh, con không hỏi han. Cha mổ, con không thăm hỏi suốt 3 ngày. Chúng ta sai ở đâu? Con mê gia đình giàu có đến mức lạnh nhạt với chúng ta sao?”.

Tháng 3/2024, Chuanchuan chặn ông Lei trên mạng. Họ còn không liên lạc với nhau.

Ngày 10/4 vừa qua, nhân sinh nhật con trai, ông Lei đăng video xin lỗi: “Cha xin lỗi, sẽ không ép buộc con nữa. Chúc con sinh nhật vui vẻ”.

Ông cũng nói không còn oán trách gia đình nhận nuôi: “Số phận đã kết nối hai gia đình chúng tôi theo cách đặc biệt”.

Hiện tại, hai cha con đã kết nối lại trên mạng xã hội. Ông Lei đang bán đồ ăn qua livestream để kiếm sống, hy vọng cải thiện tài chính để thu hẹp khoảng cách với gia đình nhận nuôi của con.

Câu chuyện khiến mạng xã hội Trung Quốc bàn tán sôi nổi. Có người cảm thông: “Mong mọi người hiểu người cha này. Sau hơn 20 năm, ông ấy vẫn đang học cách yêu con”.

Nhưng cũng có ý kiến khác: “Từ góc nhìn của đứa con, sau 20 năm bỗng có người lạ nhận là cha ruột và công khai đòi hỏi như bị ép vậy”. Một người khác nói: “Yêu thật sự là tôn trọng cảm xúc của con”.

Cuốn sách viết cho mẹ

Có những tình yêu không cần nói thành lời, nhưng vẫn luôn hiện diện, dịu dàng và vĩnh cửu. Trong Triệu lá thư gửi mẹ, mỗi trang sách là một phong thư nhỏ, chứa đựng lời nhắn gửi chân thành và sâu sắc để dành tặng những người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời mỗi chúng ta.