Cận cảnh camera AI tự động phát hiện vi phạm tại Trung tâm chỉ huy của Cục Cảnh sát giao thông

Thông qua hệ thống camera giám sát và tích hợp thêm AI, Trung tâm thông tin chỉ huy có thể tự động nhận diện vi phạm giao thông, các hành vi gây rối, lập lại hành trình của một chiếc xe tình nghi gây tai nạn.

Cận cảnh camera AI tự động phát hiện vi phạm tại Trung tâm chỉ huy của Cục Cảnh sát giao thông - Ảnh 1.

Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình - cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông - Ảnh: HỒNG QUANG

Rạng sáng 17-7, hơn 10 cán bộ, chiến sĩ của Cục Cảnh sát giao thông cùng các đơn vị phối hợp vẫn ứng trực tại Trung tâm thông tin chỉ huy. Công việc của họ chia làm các ca, đảm bảo hoạt động 24/7.

Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình - cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông - nhấn mạnh đây là trung tâm quản trị cấp 1 của Cục Cảnh sát giao thông với những công nghệ hiện đại, kết hợp với ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Để vận hành tốt, theo ông, Cục Cảnh sát giao thông đang từng bước hoàn thiện để có dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống". Từ đó sẽ kết nối các loại dữ liệu và phân tích, sử dụng dữ liệu.

Camera AI phát hiện chiếc xe máy vượt đèn đỏ và người điều khiển không đội mũ bảo hiểm - Ảnh: HỒNG QUANG

Đối với camera AI, sau khi ghi nhận xe vi phạm, hệ thống sẽ lập tức trích xuất được ảnh/clip liên quan. Nội dung bao gồm tuyến đường, thời gian vi phạm, hành vi…. Trên cơ sở dữ liệu đăng ký xe sẽ nhận diện được ngay chủ xe này là ai. Hiện AI đã có thể nhận diện được khoảng 20 hành vi vi phạm và đang liên tục được phát triển thêm, bao gồm cả ô tô và xe máy.

"Cảnh sát từ đây có thể coi như tuần tra trên môi trường điện tử. Trọng tâm là đảm bảo an ninh an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân lên trên hết, trước hết", theo đại tá Phạm Quang Huy.

Ngoài giám sát hành vi vi phạm, trung tâm còn quản trị toàn bộ lực lượng cảnh sát giao thông trong quá trình tuần tra kiểm soát. Thông qua hệ thống bản đồ số, có thể xem các nơi có các cán bộ, chiến sĩ làm việc.

Khi thao tác vào một vị trí cụ thể có thể theo dõi được tên, số hiệu, số điện thoại của cán bộ đang làm việc ở vị trí đó. 

Đồng thời, trung tâm còn kiểm soát toàn bộ xe tuần tra của cảnh sát giao thông, trong đó có các trường thông tin về số lượng xe đang hoạt động, đang dừng đỗ để xử lý vi phạm, đang ở đơn vị; tổ công tác này của đơn vị nào, có bao nhiêu người, được trang bị những công cụ gì và đang làm chuyên đề gì trên tuyến đường nào…

"Từ đây có thể điều phối trong trường hợp có vụ việc khẩn cấp cần được giải quyết nhanh nhất", đại tá Phạm Quang Huy cung cấp thông tin rõ hơn.

Cận cảnh camera AI tự động phát hiện vi phạm tại Trung tâm chỉ huy của Cục Cảnh sát giao thông - Ảnh 4.

Đại tá Phạm Quang Huy - phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông - chia sẻ về hoạt động của Trung tâm thông tin chỉ huy - Ảnh: HỒNG QUANG

Một nhiệm vụ khác của trung tâm là còn hỗ trợ điều tra giải quyết tai nạn giao thông.

Đại tá Phạm Quang Huy lấy ví dụ về một trường hợp gây tai nạn bỏ chạy. Theo lời khai của nhân chứng thì tài xế đi ô tô màu đỏ, mặc áo màu trắng, loại xe 5 chỗ.

Qua đó, trung tâm sẽ lọc được trên tuyến đường đó, trong khoảng thời gian này có bao nhiêu ô tô màu đỏ chạy qua. Và chiếc xe gần nhất với thời gian xảy ra vụ việc sẽ được đưa vào phân tích, đánh giá và tìm ra toàn bộ lộ trình xe này đã đi qua, phục vụ công tác tìm kiếm và điều tra.

Ngoài ra, trung tâm này còn tự động phát hiện các hành vi làm mất an ninh trật tự, gây rối trật tự công cộng (giơ dao, cầm gậy, giáo mác…), tụ tập đông người, nhận diện khuôn mặt các đối tượng truy nã.

Toàn bộ công tác điều phối, phân tích, ghi nhận và xử lý của trung tâm hoàn toàn tự động hóa.

Hướng tới lập biên bản và nộp phạt online, người vi phạm không cần tới trụ sở cảnh sát

Đại tá Phạm Quang Huy cho biết thêm, hiện lực lượng cảnh sát giao thông đang phát triển ứng dụng chuyên dùng của cảnh sát giao thông.

Trong trường hợp xe vi phạm, gây tai nạn bỏ chạy hoặc phạm pháp, các đơn vị cảnh sát sẽ đưa toàn bộ thông tin vào ứng dụng này. Thông tin sau đó sẽ được trung tâm chỉ huy chuyển tới toàn bộ lực lượng cảnh sát giao thông.

Tới đây, các tổ tuần tra sẽ có thiết bị chuyên dụng được tích hợp ứng dụng cảnh sát giao thông. Thiết bị này có thể đọc thông tin về tài xế thông qua căn cước công dân, chụp ảnh hoặc sử dụng vân tay tài xế.

Cảnh sát giao thông lúc này có thể không cần kiểm soát giấy phép lái xe và đăng ký xe của tài xế bằng bản vật lý mà kiểm soát bằng công nghệ.

Sau đó, chỉ cần người vi phạm xác nhận đúng hành vi thông qua thiết bị chuyên dụng này, sẽ có thông tin lập biên bản điện tử.

Thông tin này cũng chuyển tự động qua hệ thống, kết nối với phần mềm xử lý vi phạm, kho bạc, ngân hàng, cổng dịch vụ công. Người vi phạm có thể nộp phạt thông qua cổng dịch công hoặc ngân hàng, hoàn toàn có thể ngồi nhà xử lý.

Cận cảnh camera AI tự động phát hiện vi phạm tại Trung tâm chỉ huy của Cục Cảnh sát giao thông - Ảnh 5.

Vi phạm giao thông được gửi đến điện thoại tài xế thông qua ứng dụng VNeTraffic - Ảnh: HỒNG QUANG

Ngoài ra, thông qua ứng dụng VNeTraffic, Cục Cảnh sát giao thông coi đây là công cụ giao tiếp giữa cảnh sát giao thông và người dân.

Hiện ứng dụng có 4 tính năng chính. Thứ nhất là đọc thông tin về an toàn giao thông, tài xế có thể kiểm tra lộ trình, hướng đi sắp tới có sự cố, ùn tắc hay không.

Thứ hai là tra cứu thông tin vi phạm thông qua biển số xe. Thứ ba là tra cứu thông tin về đấu giá biển số.

Thứ tư, mỗi người dân có thể cung cấp thông tin hình ảnh về vi phạm giao thông trên các tuyến đường mà họ bắt gặp. Từ đây, cảnh sát sẽ xác minh và xử lý từ dữ liệu này.

giao thông - Ảnh 5.
giao thông - Ảnh 6.
giao thông - Ảnh 7.
giao thông - Ảnh 8.

Trung tâm duy trì hoạt động liên tục 24/7 - Ảnh: HỒNG QUANG

giao thông - Ảnh 9.

AI tự động nhận diện vi phạm và liên thông với các dữ liệu khác để lực lượng cảnh sát giao thông có thể gửi ngay thông báo tới chủ xe - Ảnh: HỒNG QUANG

Theo thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, trong giai đoạn 1, Trung tâm thông tin chỉ huy của Cục Cảnh sát giao thông sẽ vừa chạy vừa hiệu chỉnh ổn định, tìm ra những kinh nghiệm. Trong giai đoạn 2, Cục Cảnh sát giao thông sẽ lắp đặt dày hơn các camera trên cao tốc, sao cho ổn định, sắc nét và thông minh.

Hiện Cục Cảnh sát giao thông đã triển khai thí điểm gửi cảnh báo vi phạm giao thông thông qua ứng dụng VNeTraffic đối với các xe vi phạm trên 4 tuyến cao tốc: Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP.HCM - Trung Lương.

Cận cảnh camera AI tự động phát hiện vi phạm tại Trung tâm chỉ huy của Cục Cảnh sát giao thông - Ảnh 10.Có camera AI, cảnh sát giao thông không cần ra đường chặn bắt xe vi phạm

Tại cuộc họp của UBND TP Hà Nội với 126 xã phường mới đây, trung tướng Nguyễn Thanh Tùng, giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết khi triển khai đầy đủ hệ thống camera AI, dự kiến đến ngày 18-12 TP Hà Nội sẽ không có cảnh sát giao thông ngoài đường nữa.