Trong báo cáo thị trường mới đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết sản phẩm nhà ở ngày càng kém đa dạng bởi tình trạng lệch pha nghiêm trọng. 9 tháng đầu năm, nguồn cung thị trường vẫn phân hoá mạnh với 70% là căn hộ chung cư. Trong đó, phân khúc cao cấp (trên 50 triệu đồng/m2) và hạng sang (hơn 80 triệu đồng/m2) chiếm áp đảo, với 70%.
Tình trạng nhà ở cao cấp, hạng sang chiếm sóng thị trường có xu hướng gia tăng từ đầu năm đến nay. So với quý III/2023, nhà ở hạng sang tăng gấp đôi, còn căn hộ bình dân có xu hướng sụt giảm. Còn phân khúc trung cấp (từ 25 đến 50 triệu đồng) tập trung tại các đại đô thị ven đô, thậm chí dạt sang thị trường tỉnh như Bắc Giang, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai...
Thực trạng này cũng được ghi nhận bởi hãng tư vấn dịch vụ bất động sản CBRE, Theo đơn vị này, 75% tổng nguồn cung mới trong quý trước tại Hà Nội đến từ dòng hàng cao cấp, giá từ 60 triệu đồng/m2 (chưa gồm VAT, phí bảo trì). Quý III có hai dự án được chào bán, dao động 55 - 60 triệu đồng/m2. Thậm chí, quận Tây Hồ còn ghi nhận một dự án hạng sang chào bán gần 200 triệu đồng/m2
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS, cho rằng thị trường nhà ở hiện nay chủ yếu là cao cấp "dành cho giới đầu tư, nhiều tiền". Còn phân khúc bình dân đáng lẽ phải phổ biến nhất, lại "tuyệt chủng", không thấy dự án mới. Ngay các dự án nhà ở xã hội - loại được xác định mức giá ưu đãi cho người lao động, thu nhập thấp - cũng triển khai ì ạch.
VARS dẫn thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy tính đến giữa tháng 7, cả nước mới đạt gần 36% chỉ tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến 2025, gồm dự án đã khởi công, hoàn thành.
Tại hai đô thị loại đặc biệt là Hà Nội, TP HCM, việc xây nhà ở loại này còn chậm, chưa tới 40% chỉ tiêu. Cụ thể, Hà Nội phải xây 18.700 căn đến 2025, nhưng mới có 3 dự án được khởi công (1.700 căn) và 5 dự án xây dựng xong, với 5.200 căn, đạt gần 37% mục tiêu.
Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cấp cao CBRE chi nhánh Hà Nội, cho rằng phần lớn dự án mở bán mới nằm trong đại đô thị hiện hữu với mặt bằng giá đã neo cao. Chủ đầu tư khi tung ra sản phẩm mới sẽ tính toán kỹ tương quan giá bán với khu vực, nên những tòa mới khó có mức thấp hơn giai đoạn trước hoặc dự án xung quanh.
Thời gian tới, nguồn cung căn hộ có xu hướng cải thiện nhưng phân khúc cao cấp vẫn dẫn dắt thị trường, còn bình dân tiếp tục biến mất. CBRE dự báo 3 tháng cuối năm, Hà Nội ghi nhận thêm hơn 10.000 căn, nâng tổng số căn mở bán năm nay lên 30.000 căn, cao nhất 5 năm. Vì có thêm nhiều dự án hạng sang mở bán vào cuối năm, mặt bằng giá sơ cấp (chủ đầu tư chào bán) tiếp tục tăng.
Bà Giang Huỳnh - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và S22M tại Savills cho rằng, để giải quyết vấn đề nhà ở vừa đủ và có khả năng chi trả cho người dân cần có một giải pháp tổng thể kết hợp sức mạnh của cả khu vực công và tư nhân. Không thể có một bên nào đơn lẻ có thể xử lý hoàn toàn thách thức này.
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn chế và lãi suất tăng cao, việc tài trợ cho các dự án nhà ở xã hội đang gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, khu vực tư nhân cũng chịu áp lực lạm phát về chi phí đầu vào. Vì thế, sự hợp tác hiệu quả giữa hai bên trở nên hết sức cần thiết.
Ngoài ra, việc tăng mật độ xây dựng và lập quy hoạch hợp lý sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các giải pháp nhà ở giá cả phải chăng.
Cũng theo bà Giang Huỳnh, chính quyền thành phố cần đưa ra các chính sách khuyến khích mạnh mẽ để thu hút sự hợp tác của các chủ đất, từ đó hình thành những khu dân cư bền vững mới.
"Bằng cách tối ưu hóa diện tích đất, kết hợp với các tiện ích chung và không gian xanh, chúng ta có thể từng bước giải quyết vấn đề nhà ở ngày càng cấp bách. Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các nhà đầu tư sẽ là chìa khóa để hiện thực hóa những ý tưởng này", chuyên gia Savills nhấn mạnh.