Cao tốc 128km trị giá 25.540 tỷ đồng chốt khởi công, tương lai mở ra "chân trời mới" cho 2 vùng kinh tế

Tuyến cao tốc 128km trị giá 25.540 tỷ đồng đã chốt thời gian khởi công.

Cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành chậm nhất tháng 9/2025 khởi công

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp báo gần đây thông tin về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2024 và triển khai kế hoạch nhiệm vụ của năm 2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông. 

Sở Giao thông vận tải tỉnh này thông tin rằng, các cơ quan chức năng đã hoàn thiện phần lớn hồ sơ nghiên cứu khả thi ban đầu cho dự án. Ông Hà Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Nông cho biết dự kiến đến đầu năm 2025, nhà đầu tư cùng các cơ quan chức năng sẽ hoàn tất hồ sơ này và trình lên UBND tỉnh Bình Phước.

Tiếp theo, hội đồng thẩm định quốc gia sẽ tiến hành xem xét hồ sơ nghiên cứu khả thi của dự án. Sở Giao thông vận tải Đắk Nông cũng dự kiến rằng, chậm nhất tháng 9 năm 2025, dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ được khởi công và dự kiến hoàn thành cơ bản vào cuối năm 2026 để có thể đưa vào sử dụng trong năm 2027.

Mới đây, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Nông cũng đã công bố chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy liên quan đến việc chọn phương án triển khai dự án đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Tây, từ Gia Nghĩa (Đắk Nông) đến Chơn Thành (Bình Phước). 

Theo đó, sau khi xem xét báo cáo từ Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đắk Nông, Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông đã đồng ý với phương án 2 theo đề xuất.

Phương án này bao gồm việc dịch chuyển tim tuyến của cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành về phía Tây, cách xa hơn khoảng 8km so với phương án ban đầu. Điểm đầu của tuyến dự kiến sẽ nằm tại Km1923+750 trên đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ), thuộc địa phận xã Kiến Thành, huyện Đắk R'lấp của tỉnh Đắk Nông.

Hướng tuyến mới này không những phù hợp với quy hoạch của đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây mà còn tận dụng được lợi thế của địa hình, giảm thiểu sự ảnh hưởng tới các dự án tổ hợp của Alumin Nhân Cơ. 

Đồng thời, tuyến đường này còn giúp tiết kiệm chi phí lên đến hơn 1.000 tỷ đồng so với phương án tiền khả thi trước đó. Tuy nhiên, vì tuyến đường sẽ đi qua khu vực có mỏ bauxite Nhân Cơ, việc triển khai dự án đòi hỏi phải có sự điều chỉnh khai thác mỏ và đánh giá lại tác động đến môi trường.

Cao tốc 128km trị giá 25.540 tỷ đồng chốt khởi công, tương lai mở ra "chân trời mới" cho 2 vùng kinh tế- Ảnh 1.

Điểm đáng chú ý là khoảng cách từ giao điểm của cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành với đường Hồ Chí Minh đến TP. Gia Nghĩa sẽ tăng thêm hơn 8km, nâng tổng chiều dài lên hơn 20km so với phương án ban đầu.

Cao tốc sẽ mở ra "chân trời mới" cho hai vùng kinh tế

Vào tháng 10/2024, UBND tỉnh Bình Phước đã ký kết thỏa thuận hợp tác với liên danh Vingroup - Techcombank để lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Trước đó, ngày 28/6/2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) với 464/469 đại biểu tán thành (chiếm 95,47%).

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ việc đầu tư tuyến cao tốc này nhằm mục đích tạo liên kết giữa hai khu vực kinh tế trọng điểm là Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, đồng thời kết nối các tỉnh như Bình Phước và Đắk Nông cùng những địa phương lân cận với TP.HCM, nhằm mở ra khoảng không gian mới và động lực cho sự phát triển của hai vùng này.

Cao tốc 128km trị giá 25.540 tỷ đồng chốt khởi công, tương lai mở ra "chân trời mới" cho 2 vùng kinh tế- Ảnh 2.

Ảnh minh họa đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đoạn qua Đắk Nông bằng ứng dụng AI ChatGPT

Bên cạnh đó, tuyến cao tốc này cũng hỗ trợ phát triển ngành du lịch và các ngành công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản, qua đó định hình lại bộ mặt kinh tế của Tây Nguyên.

Dự án này có tổng chiều dài 128,8km, vốn đầu tư dự kiến trị giá 25.540 tỷ đồng và được chia thành 5 phần dự án nhỏ. Phần đầu tiên của dự án được triển khai theo mô hình đối tác công - tư (PPP), với hình thức hợp đồng BOT, và có những cơ chế bảo lãnh đầu tư cũng như cơ chế phân chia lợi nhuận theo những quy định hiện hành của luật đầu tư.

Theo dự kiến, dự án sẽ sử dụng khoảng 1.111ha đất, gồm khoảng 12ha đất trồng lúa, khoảng 1.000ha đất nông nghiệp khác, 12ha đất ở và 46ha đất rừng sản xuất. Nghị quyết của Quốc hội đã quyết định tiến hành giải phóng mặt bằng một lần cho toàn bộ tuyến đường theo quy hoạch đã được duyệt.

Đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ được xây dựng với những công nghệ tiên tiến và hiện đại để đảm bảo an toàn, đồng bộ và hiệu quả. Khi hoàn thành, dự án sẽ áp dụng hệ thống thu phí không dừng.