Ngày 23/10, tại Hội thảo góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, do Liên hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam và Hội Dược học Việt Nam tổ chức, TS Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, sau hơn 8 năm triển khai thi hành Luật Dược 2016, đến nay bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Trong đó, có một số nội dung liên quan đến đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa phù hợp với chủ trương cải cách hành chính.
Một số quy định về quản lý chất lượng thuốc cũng chưa phù hợp với chủ trương phân cấp quản lý. Một số chính sách phát triển công nghiệp dược chưa tạo được đột phá cho công nghiệp dược Việt Nam trong thời kỳ mới.
Một số quy định về đăng ký, sản xuất, nhập khẩu, cung ứng thuốc chưa phù hợp hoặc chưa được quy định để thực hiện trong trường hợp khẩn cấp, đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch bệnh như đại dịch Covid-19 vừa qua, hay vấn đề về an ninh quốc phòng…
Tại hội thảo, PGS.TS Lê Văn Truyền, Chuyên gia cấp cao Dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết dự thảo Luật đã thể hiện được hai mục tiêu chính. Trước hết là bảo đảm quyền của người dân được tiếp cận, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, có hiệu quả.
Chuyên gia này cho biết, nhiều thuốc mới đã được các quốc gia tiên tiến cấp phép 5-6 năm nhưng vẫn chưa thể vào Việt Nam vì quy trình cấp phép phức tạp.
Qua kinh nghiệm phê duyệt vaccine phòng chống Covid-19 trong đại dịch, PGS Tuyền kiến nghị, cơ quan quản lý phải chấp nhận bộ hồ sơ đăng kí điện tử chứ không phải hồ sơ giấy.
Ngoài ra, cơ quan quản lý Dược cần phải tham chiếu kết quả thẩm định của cơ quan dược chặt chẽ trên thế giới như FDA, hay của 27 nước trong cộng đồng châu Âu. Nếu điều này đưa vào Luật Dược được, thời gian xem xét thuốc mới sẽ ngắn lại rất nhiều, người dân có cơ hội tiếp cận thuốc mới nhanh hơn.
Một đại biểu nêu ý kiến, nên bổ sung quy định cấm lợi dụng hành vi kê đơn thuốc để trục lợi, sự thông đồng giữa đơn vị khám, kê đơn thuốc và nơi bán thuốc nhằm thu lợi bất chính, gây khó khăn cho người bệnh.
Đại biểu này cũng nêu hiện tượng, nhiều chủ cơ sở kinh doanh dược không phải là dược sĩ, nên phải thuê chứng chỉ. "Cần ngăn chặn, nghiêm cấm hành vi thuê mượn chứng chỉ hành nghề để tổ chức cơ sở kinh doanh thuốc, nhà thuốc", đại biểu nêu ý kiến.
Ông Chu Đăng Trung, Trưởng phòng Pháp chế - Hội nhập, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), cho biết cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật ghi nhận và sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến lớn, quan trọng, giải trình trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.