Chỉ 1 tép tỏi mỗi ngày, bạn nhận được vô vàn lợi ích sức khỏe ấn tượng

() - Một chút tỏi có thể giúp tăng thêm hương vị cho món ăn. Không những thế, ăn tỏi còn mang lại nhiều lợi ích như giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư và hội chứng chuyển hóa.

Việc tiêu thụ tỏi đã được chứng minh mang lại lợi ích sức khỏe đầy hứa hẹn đối với một số bệnh như tim mạch, ung thư và hội chứng chuyển hóa. Trên thực tế, tỏi chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh đến mức nhiều nghiên cứu đang tìm hiểu về tác dụng của việc sử dụng tỏi dưới dạng bổ sung.

Tỏi chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng. Theo nghiên cứu, trong 100g tỏi có chứa 6,36g protein, 33g carbohydrate và các dưỡng chất như vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6), sắt, canxi, kali, mangan, magie, photpho...

Thành phần công hiệu chính trong tỏi là hợp chất hữu cơ sulfur và glycosides. Ngoài ra, trong tỏi còn có hàm lượng cao germanium và selen. Đặc biệt, hàm lượng germanium trong tỏi cao hơn so với các dược liệu như nhân sâm, trà xanh, trà đỏ...

Chỉ 1 tép tỏi mỗi ngày, bạn nhận được vô vàn lợi ích sức khỏe ấn tượng - 1

Chỉ 1 tép tỏi cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe (Ảnh: Istock).

Lợi ích chính của tỏi chủ yếu đến từ allicin. Trong tỏi tươi không có allicin tự do, chỉ có tiền chất của nó là alliin. Khi tỏi được băm nhuyễn, enzyme trong tỏi bị kích hoạt sẽ kích thích alliin hình thành allicin.

Lợi ích của tỏi

Những lợi ích sức khỏe của tỏi bao gồm: 

- Chống lại các gốc tự do. 

- Chống cholesterol cao và huyết áp cao. 

- Có khả năng kháng virus và kháng khuẩn. 

- Tỏi già có thể làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. 

Theo Today, lượng tỏi cần thiết trong hầu hết các công thức nấu ăn là nhỏ so với các thành phần khác, nhưng lợi ích cho sức khỏe thì rất nhiều. Tỏi có hợp chất phenolic có đặc tính chống viêm.

Các nghiên cứu cho thấy ngay cả một lượng nhỏ các hợp chất thực vật này trong chế độ ăn uống cũng có thể có tác dụng tích cực đối với sức khỏe tổng thể.

Một đánh giá gần đây cho thấy việc bổ sung tỏi đã được chứng minh là làm giảm mức cholesterol và nguy cơ xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, tăng lipid máu, đau tim và đột quỵ. Các nhà khoa học cho rằng những phát hiện này là do đặc tính chống oxy hóa của tỏi, giúp bảo vệ tim khỏi căng thẳng và tổn thương.

Tỏi cũng đã được nghiên cứu về vai trò của nó trong điều trị ung thư. Ví dụ, một thử nghiệm có đối chứng ngẫu nhiên đã kết luận rằng việc bổ sung tỏi trong thời gian dài ở những bệnh nhân ung thư dạ dày có liên quan đến tỷ lệ tử vong thấp hơn.

Ngoài ra, tỏi đã được nghiên cứu về vai trò của nó trong hội chứng chuyển hóa, một nhóm các bệnh như tăng huyết áp và béo phì, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch. Tất cả các nghiên cứu trong lĩnh vực này cho thấy rằng việc tiêu thụ tỏi giúp giảm nguy cơ phát triển hội chứng chuyển hóa.

Một nghiên cứu đã kiểm tra tác động của việc ăn từng tép tỏi mỗi ngày trong 30 ngày đối với bệnh nhân tiểu đường type 2. Những người tham gia đã giảm cholesterol LDL (cholesterol "xấu") và triglyceride, cũng như cải thiện cholesterol HDL (cholesterol "tốt").

Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu đã xem xét tác động đối với hội chứng chuyển hóa khi những người tham gia được cho ăn tỏi sống, nghiền nát. Họ phát hiện ra rằng sau khi ăn một bữa ăn duy nhất với 5 gam (khoảng 1,5 tép) tỏi, các gen miễn dịch và tiêu diệt tế bào ung thư đã tăng lên.

Tác dụng phụ của tỏi

Tỏi không đắt và dễ sử dụng, đồng thời mang lại hương vị và dinh dưỡng tuyệt vời. Tuy nhiên, nó có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa cho những người bị hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

Tỏi chứa fructan, một loại carbohydrate có thể gây ra khí bụng và đầy hơi không mong muốn ở những người bị IBS. Ngoài ra, hợp chất hoạt tính của tỏi - allicin - làm tăng độ axit trong dạ dày và làm giãn cơ thắt thực quản. Các cơ chế này gây ra nhiều trào ngược hơn ở những người bị GERD.