Chiều 12/5, TAND Hà Nội tiếp tục xét xử 27 bị cáo trong vụ án khai thác, buôn lậu đất hiếm xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương (Công ty Thái Dương). Bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương bị xét xử về 3 tội Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Gây ô nhiễm môi trường.
Theo cáo buộc, Huấn tổ chức, chỉ đạo hoạt động khai thác quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ đất hiếm Yên Phú (tỉnh Yên Bái) từ năm 2019-2023 vi phạm quy định pháp luật. Số lượng khoáng sản bị khai thác trái phép trị giá hơn 864 tỷ đồng. Công ty Thái Dương tiêu thụ tổng số quặng đất hiếm, quặng sắt có trị giá hơn 736 tỷ đồng.
Vừa bước lên bục khai báo, bị cáo Huấn liên tục khóc. Bị cáo cho biết, Công ty Thái Dương thành lập từ năm 2012 với 3 cổ đông, trong đó bị cáo là người trực tiếp điều hành cùng vợ và anh trai. Bị cáo Huấn thừa nhận chỉ đạo khai thác trái phép hơn 864 tỷ đồng và bán 736 tỷ đồng quặng đất hiếm, quặng sắt. Bị cáo nói chỉ học hết lớp 8, hoàn toàn không biết gì về kế toán, giao hết cho cán bộ phụ trách, chấp nhận con số bị cáo buộc.

Bị cáo Đoàn Văn Huấn tại toà.
Chủ tịch Công ty Thái Dương khẳng định không tác động nhờ vả ai để được cấp phép sai quy định. Về việc chưa xây xong 2 nhà máy chế biến sâu tại Yên Bái và Hải Phòng nhưng đã đi vào khai thác, bị cáo tiếp tục khóc, nói "đã cố hết sức, đang xây rất cẩn thận, cấp tốc".
"Bị cáo nghĩ như xây nhà, phải xong cái này mới làm được cái kia", bị cáo Huấn tiếp tục khóc.
HĐXX truy vấn: " Theo quy định là phải xây xong 2 nhà máy mới bắt đầu được khai thác hay là được vừa làm vừa xây?". Bị cáo Huấn khóc to hơn, nói biết mình nhận thức sai, chỉ xin được nói ra nhận thức khi đó của mình.
Về cáo buộc bán quặng thô cho doanh nghiệp Trung Quốc, khi đáng lẽ phải hợp tác dây chuyền tiêu chuẩn với đơn vị Nhật Bản và bán cho doanh nghiệp trong nước, bị cáo Huấn nhiều lần phân trần "tưởng là cấm xuất khẩu quặng thô thôi, chứ không có quy định chỉ được bán quặng cho công ty trong nước".
"Thực sự là bị cáo đang làm thật, chỉ là làm chưa xong chứ không phải không làm. Bị cáo đang làm thì bị bắt..." , bị cáo Huấn tiếp tục khóc.
Ngoài sai phạm trên, Huấn còn bị cáo buộc chỉ đạo nhân viên tại Công ty Thái Dương thực hiện gian lận kế toán, bán "chui" khoáng sản cho hai công ty: Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam và Công ty TNHH thương mại vận tải Hợp Thành Phát, gây thiệt hại hơn 9 tỷ đồng thuế cho Nhà nước.
Hai công ty này sau đó tiếp tục bán "chui" cho công ty khác hoặc gian lận sổ sách kế toán, mua khống hóa đơn để hợp thức hóa số đất hiếm mua từ Thái Dương. Song với sai phạm này, bị cáo Huấn cũng nói "giao hết kế toán", tin tưởng cấp dưới chứ không biết gì.
Cũng trong buổi chiều thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Linh Ngọc, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bị xét xử tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí đã trả lời trước tòa.
Bị cáo Ngọc bị cáo buộc cố ý làm trái nguyên tắc, điều kiện cấp phép cho Công ty Thái Dương. Khai tại tòa, bị cáo Ngọc nói rằng nếu Công ty Thái Dương thực hiện đầy đủ như giấy phép thì đã không có sai phạm xảy ra và khẳng định không có ai tác động để cấp phép.
“Bị cáo cũng không biết bị cáo Huấn, hoặc có thể gặp rồi nhưng ở đâu, làm gì thì bị cáo không nhớ”, bị cáo Ngọc nói. Bị cáo thừa nhận khi ký giấy phép thì hồ sơ chưa phù hợp với Luật Khoáng sản nhưng phù hợp với Chỉ thị 02 của Chính phủ và Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị.
“Việc truy tố là có cơ sở, so sánh quy định pháp luật thời điểm đó thì cấp phép là sai rồi”, cựu Thứ trưởng thừa nhận.