Chiều 11/10, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 10 tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh, Sóc Sơn trước kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.
Hà Nội xung yếu về đê hơn các tỉnh khác
Tại hội nghị, cử tri Nguyễn Văn Tĩnh (xã Tráng Việt) nêu vấn đề, tuyến đê sông Hồng trên địa bàn huyện Mê Linh có chỗ được trải nhựa, có chỗ đổ bê tông, trông không khác gì "con rắn cạp nong, cạp nia", gây khó khăn cho đi lại, giao thông của người dân, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.
Trả lời cử tri, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, hằng năm thành phố đều tiến hành duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hạ tầng giao thông tại các tuyến đê. Thời gian tới, thành phố đang có dự án cải tạo đồng bộ giao thông các tuyến đê như kiến nghị của cử tri.
“Dự án hiện đang lập nghiên cứu tiền khả thi, sở sẽ tiến hành rà soát toàn bộ các tuyến đê , bảo đảm cải tạo đồng bộ hạ tầng giao thông”, ông Phương nói.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu, khi về công tác ở Hà Nội, ông đã yêu cầu các phòng chức năng bay flycam toàn bộ tuyến đê của Hà Nội và toàn bộ hệ thống giao thông đối ngoại của Hà Nội. Sau đó, lãnh đạo thành phố và các ngành chức năng đã ngồi mục sở thị với nhau "mới thấy 1 điều là Hà Nội đang là điểm xung yếu về đê chứ không phải các tỉnh xung quanh".
Theo ông Thanh, các tuyến đê của các địa phương gần Hà Nội đã cơ bản được đầu tư bài bản, “cứng hoá”; các tuyến đường kết nối đều làm rộng hơn Hà Nội. Theo ông Thanh, đợt lũ vừa rồi như một phép thử với các tuyến đê của thành phố. Qua thực tế, ông Thanh khẳng định nhiều tuyến đê của thành phố rất lạc hậu, nguy cơ "xung yếu" hơn các tỉnh xung quanh. Ngoài ra, toàn bộ hệ thống đường đối ngoại của Hà Nội cũng chưa theo kịp các tỉnh xung quanh.
Thông tin thêm, ông Thanh cho biết có tỉnh quy hoạch đường 60m và đã làm thật ra đường 6 m, trong khi Hà Nội quy hoạch nhiều đường chỉ hơn 20m. Khi vào thủ đô là thành nút cổ chai. “Rất nhiều bí thư, chủ tịch tỉnh khác mong muốn Hà Nội phải đấu nối giao thông tương xứng. Thành phố đã giao nhiệm vụ cho các ngành lập kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2026-2030, trong đó phải ưu tiên hai lĩnh vực này. Không thể để Hà Nội kiểu như thế này được", ông Thanh nêu.
Chủ tịch thành phố Hà Nội nói "các đồng chí sang Vĩnh Phúc mà xem, đường của người ta mở có thể còn chưa ai ở, nhưng rất rộng. Đường có thể xấu nhưng mặt đường rất rộng, tôi chưa nói chất lượng".
"Cứ loay hoay loay hoay, không biết Thủ đô to đẹp thế nào mà đường cứ bé tẹo. Giờ làm nông thôn mới cũng vậy, phải làm những con đường rộng. Chúng ta không làm được việc này thì rất có lỗi với tương lai con em chúng ta”, ông Thanh nói.
Ông Thanh cho rằng nếu làm tốt, người dân sẵn sàng hiến đất làm đường. Nông thôn mới phải có đường rộng, phải có chất nông thôn. Các địa phương làm việc gì hôm nay cũng phải nghĩ đến ngày mai, nghĩ đến vài chục năm nữa, đặc biệt là vấn đề quy hoạch.
Nêu ví dụ có dự án làm lễ khởi công hoành tráng, mời bí thư, chủ tịch đến dự nhưng hai năm sau chưa giải phóng mặt bằng được được mét nào, ông Thanh cho biết Luật Đầu tư công đang có nhiều vướng mắc, có tình trạng có tiền mà không tiêu được. Trung ương và Chính phủ nhận thấy bất cập nên tới đây sẽ trình Quốc hội sẽ xem xét sửa Luật Đầu tư công, khi sửa đổi xong sẽ linh hoạt trong việc bố trí vốn và thực hiện các dự án được nhanh hơn.
Ánh mắt nụ cười của người dân là sự động viên
Về việc triển khai Luật Thủ đô , ông Thanh cho biết sáng 11/10, thành phố đã nghe quán triệt, tới đây phải làm tốt. “Trung ương giao nhiệm vụ cho chúng ta, giao chức năng, giao quyền năng cho chúng ta thì Hà Nội phải cố gắng để làm. Kỳ họp cuối năm của HĐND sẽ chủ yếu thông qua các nghị quyết. Dù thời gian rất gấp nhưng làm phải chắc chắn các cơ chế chính sách để thực thi từ 1/1/2025. Vấn đề này rất quan trọng”, ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, hiện thành phố đã trình Thủ tướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Thành phố và các bên liên quan đang tập trung làm rõ các vấn đề mà cấp có thẩm quyền yêu cầu để Thủ tướng sớm xem xét phê duyệt. Khi Thủ tướng ký phê duyệt, thành phố sẽ cố gắng thực hiện các quy trình sớm nhất để đưa vào cuộc sống.
Chủ tịch Hà Nội cho biết thời gian vừa rồi cả Thủ đô rất bận rộn, vui mừng và đã tổ chức nhiều sự kiện chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và đón nhận 25 năm danh hiệu Thành phố vì hoà bình.
Ông Thanh cho biết, thành phố đã làm loạt sự kiện trên các lĩnh vực, tri ân thế hệ đi trước, người có công. Nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô đã diễn ra rất tốt đẹp, an toàn, bà con nhân dân rất hồ hởi, phấn khởi. “Thực sự là thấy ánh mắt, nụ cười của người dân là tôi rất vui. Thấy ánh mắt nụ cười của người dân là sự động viên, là một phần thưởng đối với chúng ta, trong đó có tôi”, ông Thanh nói.