Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả trực tiếp kiểm tra công tác triển khai 2 dự án cao tốc hơn 34.000 tỷ đồng, đưa ra 2 yêu cầu tới nhà thầu

Khi 2 dự án này đi vào hoạt động sẽ góp phần đồng bộ mạng lưới cao tốc, kết nối các cửa khẩu lớn của phía Bắc đến các trung tâm kinh tế lớn trên cả nước.

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả trực tiếp kiểm tra công tác triển khai 2 dự án cao tốc hơn 34.000 tỷ đồng, đưa ra 2 yêu cầu tới nhà thầu- Ảnh 1.

Ông Hồ Minh Hoàng- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả khảo sát dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (Ảnh: CTCP Tập đoàn Đèo Cả)

Ngày 7/11, CTCP Tập đoàn Đèo Cả thông tin, trong 2 ngày (6-7/11), ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đã đi kiểm tra công tác triển khai thực hiện hai dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn) và Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Đi cùng ông Hồ Minh Hoàng còn có Cố vấn Trần Chủng, Cố vấn Bùi Văn Hà, Cố vấn Ngô Văn Quý và ban lãnh đạo Tập đoàn, đại diện các nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án (DNDA), các nhà thầu và đơn vị tư vấn. Khảo sát 2 dự án,

Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng được đầu tư theo hình thức BOT, do UBND tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư, trải dài qua các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn, với tổng chiều dài gần 60km. Tổng mức đầu tư dự án là 11.024 tỷ đồng.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn, khi dự án đi vào hoạt động sẽ cùng với tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đang triển khai, góp phần đồng bộ mạng lưới cao tốc, kết nối các cửa khẩu lớn của phía Bắc đến các trung tâm kinh tế lớn trên cả nước.

Khảo sát dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn), tại khu vực Km 14, ông Lương Văn Hiệp – Tổng Giám đốc DNDA, báo cáo mặt bằng các nhà thầu đã được bàn giao là 35,59Km/59,87 km. Mặt bằng có thể tiếp cận thi công được trong phạm vi bàn giao 221,63 ha/557,82ha (tương đương 39,73%).

Dự án còn gặp khó khăn liên quan đến khâu giải phóng mặt bằng và thiếu bãi đỗ thải, tuy nhiên, nhà thầu đã huy động tổng cộng 505 nhân sự, 286 thiết bị, triển khai 20 mũi thi công đồng loạt với tinh thần có mặt bằng tới đâu khẩn trương thi công tới đó.

Để giải quyết những vướng mắc về mặt bằng, DNDA đã đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung bàn giao mặt bằng các đoạn ưu tiên theo đúng mốc thời gian đã đề xuất, có giải pháp sớm phê duyệt chính thức hoặc tạm duyệt phương án bồi thường GPMB để giải ngân nguồn vốn NSNN bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng nhằm sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.

Ghi nhận nỗ lực của DNDA và các nhà thầu, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn cho biết các nhà thầu phải luôn có ý thức tự nâng cao năng lực thi công và công tác quản lý trên công trường. “Nhà thầu nào chậm thay đổi sẽ phải nhường chỗ cho các nhà thầu tốt hơn để đảm bảo tiến độ và chất lượng”, ông Hồ Minh Hoàng tuyên bố.

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được đầu tư theo hình thức PPP, với chiều dài toàn tuyến khoảng 121km, tổng vốn đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án có chiều dài 93,35km, điểm đầu tại tại nút giao Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng).

Khảo sát tình hình thực hiện dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, ông Hồ Minh Hoàng biểu dương DNDA và các nhà thầu thi công khoa học, gọn gàng, chú trọng an toàn lao động, đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Theo số liệu báo cáo, các nhà thầu hiện đang huy động hơn 1.000 nhân sự và hơn 350 máy móc thiết bị triển khai trên 26 mũi thi công đồng loạt nhiều hạng mục như cầu, hầm, cống,…

Trước những khó khăn trong khâu GPMB, DNDA đã đề xuất UBND tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn hướng dẫn thủ tục đất đai đối với một số khó khăn, vướng mắc để sớm được bàn giao công địa thi công.

Nhằm giải quyết khó khăn về vật liệu đất đắp phục vụ thi công Dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, DNDA kiến nghị UBND tỉnh Cao Bằng xem xét chấp thuận chủ trương sử dụng đất dôi dư từ hoạt động cải tạo đất của người dân để thi công.