Chuẩn bị kịch bản ngừng bắn ở Ukraine

Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump tự tin sẽ đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga để chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Anh và Pháp đang lên kế hoạch triển khai một lực lượng hòa bình châu Âu gồm 30.000 binh sĩ tại Ukraine nếu nước này và Nga đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, theo tờ The Wall Street Journal, kế hoạch này phụ thuộc vào việc thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý về vai trò quân sự hạn chế của Washington để bảo vệ các binh sĩ châu Âu tại Ukraine trong trường hợp họ gặp nguy hiểm và ngăn Nga vi phạm bất kỳ lệnh ngừng bắn nào.

Kế hoạch không yêu cầu Mỹ triển khai lực lượng tại Ukraine mà tìm cách tận dụng các khả năng quân sự hiện có để hỗ trợ lực lượng châu Âu. Chẳng hạn, Mỹ có thể vận hành các hệ thống phòng không tại các nước lân cận Ukraine, đồng thời cung cấp thêm các hệ thống tương tự cho châu Âu. Ngoài ra, lực lượng không quân Mỹ đặt bên ngoài Ukraine có thể được duy trì trong trạng thái sẵn sàng hỗ trợ hoặc can thiệp trong trường hợp binh sĩ châu Âu gặp nguy hiểm.

Để xây dựng một lực lượng gìn giữ hòa bình mạnh mẽ, các nước châu Âu cho rằng họ có thể cần đến sự trợ giúp của Mỹ về phòng không và tên lửa. Các khả năng quan trọng khác mà Mỹ cung cấp gồm hậu cần, tình báo và không quân.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Anh Keir Starmer dự kiến gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng trong tuần này. Ảnh: NUMBER 10/FLICKR

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Anh Keir Starmer dự kiến gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng trong tuần này. Ảnh: NUMBER 10/FLICKR

Chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn chưa nói rõ liệu có hỗ trợ cho nỗ lực trên hay không. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth hôm 12-2 nói với các đồng minh tại thủ đô Brussels - Bỉ rằng Washington hoan nghênh đề xuất về một lực lượng gìn giữ hòa bình, trong đó không bao gồm binh sĩ Mỹ và không hoạt động dưới cờ NATO. Ông Mike Waltz, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, cũng khuyến khích châu Âu lên kế hoạch bảo vệ Ukraine nhưng chưa thảo luận về vai trò quân sự tiềm năng của Mỹ.

Vấn đề Mỹ cung cấp bảo đảm an ninh của Ukraine sẽ được thảo luận khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer dự kiến hội đàm với ông Donald Trump tại Nhà Trắng trong tuần này. Tại cuộc gặp Tổng thống Mỹ ngày 27-2 tới, ông Starmer dự kiến đề cập kế hoạch trên nhưng có thể chưa đưa ra yêu cầu cụ thể về hỗ trợ từ Washington.

Hai chuyến đi này diễn ra giữa lúc châu Âu đang lo lắng về lập trường ngày càng cứng rắn của ông Donald Trump đối với Kiev trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine sắp bước qua năm thứ 4. Theo Reuters, 2 nhà lãnh đạo Anh và Pháp dự kiến tìm cách thuyết phục ông Donald Trump không vội vàng đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Nga bằng bất kỳ giá nào và để châu Âu tham gia tiến trình này.

Hôm 22-2, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết Tổng thống Donald Trump tự tin sẽ đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga để chấm dứt xung đột ở Ukraine. Ông Donald Trump cũng tin rằng Moskow đã sẵn sàng đàm phán về một thỏa thuận để chấm dứt xung đột.

Trước đó, ông chủ Nhà Trắng thông báo Mỹ và Nga sẽ tổ chức vòng đàm phán thứ hai tại thủ đô Riyadh - Ả Rập Saudi ngày 25-2. Dù vậy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ kết quả nào từ các cuộc đàm phán Mỹ - Nga vì không có sự tham gia của Kiev.

Giới chức Nga - Mỹ sẽ tiếp tục gặp nhau

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov hôm 22-2 cho biết giới chức nước này và Mỹ sẽ gặp trong vòng 2 tuần tới để bàn về nỗ lực chấm dứt xung đột tại Ukraine. Trao đổi với truyền thông Nga, ông Ryabkov cho biết việc chuẩn bị cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đang được tiến hành.

Nếu diễn ra, hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ có thể bao gồm các cuộc thảo luận sâu rộng về nhiều vấn đề toàn cầu "cấp bách" và "nguy hiểm", không chỉ riêng xung đột Nga - Ukraine. Dù vậy, ông Ryabkov nhấn mạnh nỗ lực tổ chức một cuộc gặp như vậy vẫn đang ở giai đoạn ban đầu và việc hiện thực hóa nó sẽ cần đến khâu chuẩn bị ở "mức độ cao nhất".

Trước đó, tại cuộc gặp ở thủ đô Riyadh - Ả Rập Saudi hôm 18-2, các quan chức Mỹ và Nga đã đạt được thỏa thuận bắt đầu hợp tác để chấm dứt xung đột ở Ukraine, đồng thời cải thiện quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa hai nước. Sau cuộc gặp này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Moscow hoàn toàn đồng ý với chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc giải quyết khủng hoảng Ukraine bằng con đường ngoại giao để "thiết lập hòa bình sớm nhất có thể".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết hai bên đã thống nhất về các nội dung gồm cải thiện quan hệ ngoại giao và khôi phục đội ngũ nhân sự tại đại sứ quán, thành lập các nhóm đàm phán cấp cao để thảo luận về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine, đặt nền tảng cho sự hợp tác địa chính trị và kinh tế trong tương lai sau khi xung đột kết thúc.

Cao Lực