Chuyên gia: Tương lai bất động sản Đà Nẵng dịch chuyển về khu Tây Bắc

Theo KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Khu thương mại tự do thế hệ mới Đà Nẵng có liên quan mật thiết đến cảng Liên Chiểu và sự phát triển thị trường bất động sản khu Tây Bắc Đà Nẵng.

Chuyên gia: Tương lai bất động sản Đà Nẵng dịch chuyển về khu Tây Bắc- Ảnh 1.

Theo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực Tây Bắc Đà Nẵng được định hướng trở thành cực tăng trưởng mới của thành phố. Vùng này đang có sự thay đổi ngoạn mục về cơ sở hạ tầng, đồng thời thu hút phát triển nhiều đại dự án lớn, có ý nghĩa to lớn đối với kinh tế của Đà Nẵng nói riêng và toàn bộ khu vực miền Trung nói chung...

Tháng 6/2024, Quốc hội thông qua nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Điều 13 của Nghị quyết nêu TP Đà Nẵng được thành lập khu thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu ở khu vực phía Tây Bắc Đà Nẵng để thí điểm cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.

Trong đó, khu thương mại tự do gồm khu sản xuất, trung tâm logistics và khu thương mại - dịch vụ chất lượng cao mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp đầu tư dự án. Đây là tiền đề quan trọng để thu hút các dự án quy mô lớn và nguồn vốn quốc tế, tạo động lực phát triển toàn diện trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ cao cấp. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan, tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động kinh doanh và sản xuất tại thành phố.

Đối với cảng Liên Chiểu, dự án này rộng 450 ha, gồm 8 bến container tiếp nhận tàu 30.000-200.000 DWT; 6 bến tổng hợp tiếp nhận tàu 30.000-100.000 DWT; 1.200 m bến thủy nội địa và 6 bến hàng lỏng, khí, công suất khai thác đạt 50 triệu tấn mỗi năm vào năm 2050. Tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng. Dự án khởi công cuối năm 2022, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Khi cảng Liên Chiểu đi vào khai thác sẽ giảm tải cho cảng Tiên Sa hiện hữu (dự kiến chuyển đổi chuyên phục vụ tàu du lịch), giảm áp lực vận tải trong nội đô.

Theo KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Khu thương mại tự do thế hệ mới Đà Nẵng có liên quan mật thiết đến cảng Liên Chiểu và sự phát triển thị trường bất động sản khu Tây Bắc Đà Nẵng.

“Khi khu thương mại tự do thế hệ mới Đà Nẵng ra đời sẽ gắn chặt với cảng Liên Chiểu và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Hướng tới thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp hàng xuất khẩu, nhập khẩu; cung cấp các dịch vụ logistics… nhằm thiết lập một trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế, tạo nên cấu trúc ngày càng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, phát huy tối đa chuỗi giá trị của cảng biển và cảng hàng không”, ông Chính khẳng định.

Cũng theo Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: “Khu thương mại tự do thế hệ mới cũng sẽ kết nối hiệu quả hạ tầng sản xuất và bổ trợ liên hoàn cho các khu, cụm công nghiệp mới sẽ phát triển trong tương lai; kết nối cảng cạn, ga đường sắt, các trục giao thông lớn…Như vậy, khu vực Tây Bắc Đà Nẵng nơi được quy hoạch phát triển khu thương mại tự do sẽ thu hút rất đông dân cư, người lao động đến sống và làm việc, có thể lên đến 6-7 vạn người”.

“Tôi cho rằng, Đà Nẵng đã có quy hoạch và sự chuẩn bị bài bản cho tạo lập đô thị phục vụ phát triển khu thương mại tự do thế hệ mới. Hiện nay, khi chưa có khu thương mại tự do, đã có rất nhiều dự án bất động sản được phê duyệt và khởi công để đón đầu. Bây giờ, Đà Nẵng cần điều chỉnh và gắn kết các khu chức năng cho phù hợp, hiệu quả”, ông Chính khẳng định.

Chuyên gia: Tương lai bất động sản Đà Nẵng dịch chuyển về khu Tây Bắc- Ảnh 2.

Khu vực Tây Bắc nói chung và khu thương mại tự do thể hệ mới Đà Nẵng nói riêng sẽ trở thành trọng điểm phát triển kinh tế của Đà Nẵng.

Ở góc độ Giám đốc Sở Công Thương, Bà Lê Thị Kim Phương từng cho biết, để chuẩn bị “xây tổ đón đại bàng”, thành phố Đà Nẵng đang chuẩn bị hồ sơ để trình xin Thủ tướng Chính phủ cho thành lập Khu thương mại tự do, thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, thủ tục về thu hồi đất. Trên cơ sở đó sẽ triển khai, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược để đầu tư vào các khu chức năng của Khu thương mại tự do và thu hút đầu tư về thương mại dịch vụ chất lượng cao, qua đó góp phần thúc đẩy, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Việc Quốc hội cho phép thành phố Đà Nẵng được thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là chủ trương lớn, có ý nghĩa rất quan trọng, là “cú hích”, động lực lớn để kinh tế Đà Nẵng nói riêng và kinh tế vùng nói chung phát triển. Khu vực Tây Bắc nói chung và khu thương mại tự do thể hệ mới Đà Nẵng nói riêng sẽ trở thành trọng điểm phát triển kinh tế của Đà Nẵng, giúp thành phố cân bằng lại tỷ trọng kinh tế trước đây phụ thuộc nhiều vào du lịch, dịch vụ.

Hiện khu vực Tây Bắc Đà Nẵng được quy hoạch tập trung phát triển 2/3 trụ cột gồm: Công nghiệp – Công nghệ cao; Kinh tế biển, hướng đến mục tiêu trở thành “thung lũng silicon” của Việt Nam. Vùng Tây Bắc đang tập trung phần lớn các khu công nghiệp của Đà Nẵng như: Khu công nghiệp Hòa Khánh, khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, khu công nghiệp Liên Chiểu, khu công nghiệp Hòa Cầm và khu dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng với tổng diện tích đất hơn 1.160ha… Trong danh sách dự án thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022 – 2026, định hướng đến năm 2030, Đà Nẵng kêu gọi nhiều dự án công nghệ cao, công nghệ thông tin tại khu vực này.

Trong tương lai, khu vực Tây Bắc Đà Nẵng với những công trình mang tính trọng điểm như cảng Liên Chiểu, khu Công nghệ cao và đặc biệt là dự án mới khu thương mại tự do thế hệ mới sẽ mang tới những lợi ích không chỉ về kinh tế mà các yếu tố liên quan tới hạ tầng, xã hội, an sinh… cho khu vực và thành phố Đà Nẵng.

Với chiến lược thu hút đầu tư bài bản và toàn diện, các chuyên gia cho rằng Đà Nẵng kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư lớn trên thế giới, đồng thời là trung tâm kinh tế - xã hội khu vực miền Trung. Thông qua việc xây dựng Khu thương mại tự do, Đà Nẵng không chỉ thu hút vốn đầu tư mà còn góp phần tạo động lực phát triển cho nhiều lĩnh vực, từ bất động sản, du lịch cho đến thị trường việc làm.