Khu chế xuất Linh Trung (TP.HCM) trong ca làm việc cuối cùng của năm chiều 25 Tết, nhiều công nhân tranh thủ về phòng trọ sửa soạn đồ về quê trong đêm.
Nhưng có một vài người lặng lẽ, chọn ở lại
Khu chế xuất Linh Trung (TP.HCM) trong ca làm việc cuối cùng của năm chiều 25 Tết, nhiều công nhân tranh thủ về phòng trọ sửa soạn đồ về quê trong đêm.
Nhưng có một vài người lặng lẽ, chọn ở lại
Anh Nhàn đi lựa thêm ít đồ trang trí về treo cho có không khí Tết - Ảnh: AN VI
Anh Nhàn tâm sự trước đây làm công nhân ở Bình Dương, rồi có thời gian chạy xe công nghệ ở TP.HCM. Do sức khỏe yếu, anh chọn làm công nhân gia công ở Khu chế xuất Linh Trung được khoảng bốn năm nay.
“Vợ tui năm nay đổi công ty 2-3 lần rồi, không có lương thưởng được bao nhiêu. Mà hai vợ chồng về quê là phải qua nội ngoại đủ hết, giờ không có tiền, về quê kỳ lắm”, anh Nhàn chia sẻ.
Tiền thưởng của công ty anh sẽ gửi về quê cho ba mẹ một ít, còn lại hai vợ chồng gói ghém qua Tết.
“Có hai người, vắng hoe vầy cũng đâu gì cầu kỳ. Mua miếng thịt, chừng chục cái trứng, hai đòn bánh tét nữa”, anh Nhàn dự tính.
Anh Nhàn cũng tranh thủ chạy ra chợ Thủ Đức tìm mua cuốn lịch với vài miếng hình dán cho có không khí Tết. Sẵn coi có chậu bông nào tươi mà rẻ thì mua về cho vợ một chậu.
Người gói ghém, người cày xuyên Tết
Chị Mai Thị Thu Ngân (34 tuổi, quê Cần Thơ) đong đưa trên chiếc võng cùng cô con gái trong khu nhà trọ Hưng Lợi 2 (TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Chị đã được công ty cho nghỉ từ hồi 23 tháng chạp nhưng vẫn không có ý định về quê.
“Thưởng đầy đủ nhưng tại năm nay không dành dụm được nhiều. Hai mẹ con về cũng bắt xe mấy chập tốn kém lắm nên thôi chọn ăn Tết ở đây chung với cô ruột. Hy vọng năm sau mần ăn được thì về quê bù”, chị Ngân nói.
Ngoài đứa nhỏ đang học tiểu học ở với chị, dưới Cần Thơ chị còn hai đứa lớn cũng tuổi ăn tuổi học. Vì thế cố tiết kiệm được khoản nào hay khoản đó.
Chị Ngân cho biết đã dắt cô con gái ở với chị đi mua ba bộ đồ mới. Về phần mình chị không sắm sửa gì, chỉ mua ít mứt kẹo ăn mấy ngày Tết.
“Tết này cũng được nhà trọ cho thùng nước ngọt với mắm muối đầy đủ, nói chung không tốn gì nhiều, gói ghém cho mấy đứa con được rồi” - chị Ngân nói.
Trong căn phòng trọ nằm cuối hẻm 58 đường số 5 (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM), chỉ mới 26 tháng chạp nhưng anh Nguyễn Văn Hùng đã bắt đầu làm món thịt nhồi khổ qua để ăn Tết.
Anh Hùng là người duy nhất trong dãy trọ này chọn ở lại ăn Tết ở thành phố. Người đàn ông làm nghề chạy xe công nghệ dự tính ở lại cày cuốc mấy ngày Tết, chừng khoảng mùng 6 vợ chồng anh mới về quê ở Sóc Trăng.
“Vợ tui mần cho công ty, còn tui chạy xe công nghệ. Dịp Tết này thấy tăng cước cho tài xế nên cũng ham, ráng ở lại chạy mấy ngày Tết kiếm tiền về quê sau cũng được”, anh Hùng nói.
Anh Hùng kể năm ngoái ở lại đợt Tết khoảng 10 ngày mà hai vợ chồng kiếm được gần 7 triệu. “Thấy đã chưa, tụi tui nhịn ăn Tết còn có thêm tiền, để ra mùng về quê có dư ít đồng cho thoải mái”.
Bà Đào Thị Mỳ, chủ dãy trọ của anh Hùng, cho biết năm nào cũng có vài phòng báo với bà sẽ ở lại ăn Tết. Gia đình bà sẽ mua vài thùng nước ngọt, bánh mứt để tặng những người ở lại.
Ngoài phần quà đã cho, ông bà còn rủ những người ở trọ cùng dự ăn tất niên cho có không khí Tết.
“Tết mà, sum vầy cho nó xôm. Tui cũng hiểu họ hoàn cảnh mới phải ở lại, vợ chồng tui giúp được gì sẽ giúp liền”, bà Mỳ nói.