"Cơn sóng ngầm" gây ra gần 80% ca tử vong tại Việt Nam

() - Các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, hô hấp... trở thành "cơn sóng ngầm" trong cộng đồng, thầm lặng gây ra gần 80% ca tử vong tại Việt Nam.

Tại hội thảo“Cập nhật những bước tiến mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh không lây nhiễm”, diễn ra ngày 26/7 ở Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và tỷ lệ tử vong cao do sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm.

Cơn sóng ngầm gây ra gần 80% ca tử vong tại Việt Nam - 1

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cảnh báo sự gia tăng của bệnh không lây nhiễm (Ảnh: PV).

Theo thống kê của Bộ Y tế, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân của khoảng 80% số ca tử vong và chiếm 74% tổng gánh nặng bệnh tật; 70% gánh nặng chi phí điều trị, dịch vụ y tế đều bắt nguồn từ các bệnh không lây nhiễm.

Điều đáng lo ngại nữa là tỉ lệ tử vong do bệnh mạch vành và đột quỵ có xu hướng gia tăng, trở thành nguyên nhân chính gây tử vong trong các bệnh không lây nhiễm.

Đánh giá về các bệnh không lây nhiễm, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Y khoa Quốc gia cho hay, nhóm bệnh này là "cơn sóng ngầm" với sức khoẻ.

Các bệnh tim mạch (tăng huyết áp, đột quỵ suy tim...), ung thư (phổi, gan, đại trực tràng, cổ tử cung, vú...), hô hấp mạn tính (COPD, hen phế quản), đái tháo đường (tuýp 2 và các biến chứng) gây nên gánh nặng bệnh tật hàng đầu, nhưng lại có tỷ lệ lưu hành cao.

Cơn sóng ngầm gây ra gần 80% ca tử vong tại Việt Nam - 2

GS.TS Nguyễn Viết Tiến chia sẻ tại hội thảo (Ảnh: PV).

Theo GS Tiến, các bệnh này không loại trừ bất kỳ ai, từ trẻ nhỏ, phụ nữ, người trưởng thành đến người già, do ảnh hưởng từ thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, ít vận động, hút thuốc, rượu bia và căng thẳng kéo dài.

Đáng nói, tỷ lệ phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm rất ít, đa số người bệnh chỉ được phát hiện khi bệnh đã chuyển nặng. Như với ung thư phổi, có đến 65% bệnh nhân được chẩn đoán khi đã ở giai đoạn III và IV, thường không có cơ hội điều trị.

Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, bên cạnh việc khám sức khỏe định kỳ, người dân cần điều chỉnh lối sống, giảm đồ ăn nhanh, giảm bia rượu, tăng cường thể dục mỗi ngày... để giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm.

Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam chia sẻ, cần thay đổi tư duy, chỉ khi có bệnh mới đi chữa sang chăm sóc chủ động. Việc chủ động theo dõi sức khỏe, chủ động phòng bệnh sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh; tăng cơ hội được điều trị khi phát hiện bệnh sớm.

Trong bối cảnh này, các giải pháp xét nghiệm y khoa giá trị cao, hay còn gọi là xét nghiệm theo hướng cá thể hóa, đang đóng vai trò như chìa khóa giúp ngành y tế chuyển từ tư duy "chữa bệnh" sang "chăm sóc chủ động".

Theo GS Kính, xét nghiệm y khoa giá trị cao là công cụ không thể thiếu để nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị bệnh không lây nhiễm. Nhờ vào các dấu ấn sinh học tiên tiến, bác sĩ có thể xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân, dựa trên yếu tố di truyền, môi trường và lối sống, thay vì một phương pháp chung cho tất cả.

Hội thảo khoa học "Cập nhật những bước tiến mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh không lây nhiễm" ngoài phiên toàn thể, còn có 4 phiên chuyên đề: Bệnh tim mạch; chăm sóc tích cực; giải phẫu bệnh; sức khỏe thai kỳ...