COP28 đạt được đồng thuận quan trọng về chống biến đổi khí hậu
Hội nghị khí hậu COP28 tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) mới đây đã giành được thắng lợi mang tính biểu tượng, khi 118 quốc gia đồng ý tăng gấp 3 năng lượng tái tạo vào năm 2030, tức khoảng 11.000 gigawatt.
Mỹ, châu Âu và UAE là những bên thúc đẩy mạnh mẽ cho ý tưởng này. Trong khi Nhật Bản cam kết hỗ các quốc gia đang phát triển ở châu Á và châu Phi để họ nỗ lực hơn. Nếu mục tiêu trên thành hiện thực, đây sẽ là thành công lớn của COP28 trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu.
Chủ tịch COP28, ông Sultan al-Jaber nói: “Điều này giúp thế giới giảm bớt sử dụng than đá, vốn là 1 trong những nguồn thải ra khí CO2 lớn nhất. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu. Hậu quả là các hình thái thời tiết tiêu cực như hạn hán, lũ lụt, cháy rừng, và cuồng phong, được trông thấy trên khắp thế giới trong những năm vừa qua. Sự khắc nghiệt và tính tàn phá đang ngày càng mở rộng.”
Trong báo cáo phát hành tháng 9/2023, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã kêu gọi tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo để đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris 2015, nhằm hạn chế nóng lên toàn cầu ở giới hạn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Mục tiêu này đã được thống nhất tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ tháng 9/2023. Trọng tâm là tạo bàn đạp để đến hội nghị thượng đỉnh COP28, các bên dễ dàng đạt được đồng thuận hơn. Tuy nhiên, để mục tiêu trở nên hiệu quả, khác với nghị định thư Kyoto không có hình phạt nếu có quốc gia làm sai cam kết, thì xác minh quá trình tuân thủ đồng thuận tại COP28 sẽ được xem xét. Dẫu vậy, chưa ai chắc chắn nỗi lực đối phó với nóng lên toàn cầu, có được thực hiện đồng đều trên toàn thế giới hay không.
Thời gian qua, lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu không có dấu hiệu giảm. Khí thải carbon dioxide từ các nước đang phát triển đã tăng gấp đôi từ đầu thế kỷ 21. Theo “Our world in data” do đại học Oxford và một số tổ chức khác ở Anh công bố, lượng khí thải có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch ở các nước đang phát triển không phải là thành viên OSCE, đã tăng gần 30% vào năm 2021 so với năm 2010. Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, lượng khí thải carbon dioxide ở Trung Quốc tăng gấp 3,1 lần. Ở Brazil là 41% và ở Nga là 16%. Ở Indonesia và Malaysia thì tăng gấp đôi. Ở Việt Nam là gấp 5,5 lần.
Cơ quan nghiên cứu khí hậu Copernicus và cơ quan thông tin thời tiết châu Âu đánh giá, nhiệt độ toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 10/2023 cao hơn 1,43 độ C so với mức trung bình cùng kỳ từ năm 1850 đến năm 1900. Do đó, thế giới phải cảm thấy cấp bách hơn, trong việc giải quyết thảm họa này. COP28 sẽ là lần đầu tiên có tiến bộ trong việc giảm phát thải khí nhà kính ở mọi quốc gia. Tiến trình sẽ được xem xét theo mỗi công đoạn, gọi là kiểm kê toàn cầu, đã được thống nhất tương tự trong thỏa thuận khí hậu Paris 2015.
Một báo cáo do Ban Thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu phát hành tháng 9/2023 cho biết, cơ hội duy trì mức tăng nhiệt độ ở mức dưới 1,5 độ C đang thu hẹp. Báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo, và loại bỏ dần việc khai thác nhiên liệu hóa thạch dưới lòng đất.
Các nước châu Á và châu Phi sẽ đóng vai trò quan trọng trong thành hay bại của cam kết vừa thông qua. Một quỹ giúp các nước đang phát triển phục hồi sau mất mát do biến đổi khí hậu, chủ yếu được tài trợ từ những nước phát triển xả thải khí carbon nhiều, đã được thống nhất vào ngày 30/11 - hôm khai mạc hội nghị thượng đỉnh COP28.
Mục đích của mỗi cuộc họp COP, là thu hẹp sự khác biệt giữa các nước phát triển và đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, để tạo ra một chiến lược hành động hiệu quả với tất cả.
Mỹ đóng góp 3 tỷ USD cho quỹ giúp các nước nghèo phục hồi vì biến đổi khí hậu
Hoa Kỳ cam kết đóng góp 3 tỷ USD cho quỹ khí hậu Xanh (Green Climate Fund). Phó Tổng thống Kamala Harris cho biết như vậy vào ngày 2/12, khi bà đến Dubai tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc.
Quỹ viện trợ này được các bên thống nhất vào ngày 30/11, với số tiền cam kết trị giá hơn 20 tỷ USD, là quỹ quốc tế lớn nhất chuyên hỗ trợ hành động giảm thiệt hại cũng như tăng năng lực phòng chống biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển.
Cam kết mới nhất sẽ bổ sung thêm 2 tỷ USD nữa, cộng với số tiền Hoa Kỳ giao trước đó. Quốc hội Hoa Kỳ hiện bị chia rẽ trong việc cần phải tài trợ cho quỹ này.
Bà Harris công bố cam kết trong bài phát biểu chính thức tại COP28.
Hôm nay, chúng tôi tự hào thông báo sẽ đóng góp 3 tỷ USD cho quỹ khí hậu Xanh, để giúp các nước đang phát triển tiếp cận nguồn vốn mà họ cần, để đầu tư vào khả năng phục hồi, phát triển năng lượng sạch và bảo tồn thiên nhiên.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris
Tháng 10/2023, nhà điều hành của quỹ thông báo, ở thời điểm đó quỹ có khoảng 9,3 tỷ USD, để tài trợ cho nhiều dự án ở các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu trong thời gian từ 2024 đến 2027. Ý tưởng về quỹ khí hậu Xanh đã có từ hội nghị COP27 tại Ai Cập năm 2022, nhưng việc tạo ra đồng thuận cuối cùng phải đợi tới hội nghị 1 năm sau.
Mặc dù vậy, cộng tất cả cam kết mới nhất, thì đến nay số tiền cũng chỉ chiếm một phần nhỏ trong khoảng 250 tỷ USD các nước đang phát triển cần thường niên đến năm 2030, để thích ứng với thế giới đang nóng lên.
Một quan chức về khí hậu của Hoa Kỳ cho biết, Phó Tổng thống Kamala Harris nói với hội nghị thượng đỉnh rằng, tất cả những người có mặt tại hội nghị này cần đảm bảo sẽ làm hết sức, để không quốc gia nào nằm ngoài xu hướng chung, là cùng bắt tay chống biến đổi khí hậu và làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu.
Bà Harris thay Tổng thống Joe Biden dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ tại COP28. Phái đoàn còn có đặc phái viên về khí hậu John Kerry, và hàng chục quan chức cấp cao khác.
Một số hoạt động đáng chú ý tại hội nghị COP28 đến nay
Ngày 3/12, đặc phái viên khí hậu John Kerry thay mặt cho Chính phủ Hoa Kỳ, cùng đại diện hơn 50 quốc gia khác cam kết, là ngưng xây dựng nhà máy điện than và tiến tới loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu độc hại này, bằng cách ký vào 1 văn bản của Liên minh Tiến Tới Loại Bỏ Năng Lượng Than (Powering Past Coal Coalition). Đây là sáng kiến khởi xướng bởi Anh và Canada năm 2017.
Chuyên gia Leo Roberts tại tổ chức nghiên cứu khí hậu E3G có trụ sở ở Anh cho biết: “Điều này gây áp lực đáng kể lên một số quốc gia còn lại chưa cam kết thực hiện, đặc biệt là Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản.”
Theo ông, động thái của Hoa Kỳ thực sự mang tính đột phá, về mặt giảm phát thải lẫn biểu tượng là nền kinh tế lớn nhất thế giới đi đầu trong chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm.
Bên cạnh đó, Pháp còn đưa ra sáng kiến đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ than sang năng lượng sạch, như kiểm soát nguồn tài chính dành cho các dự án điện than. Những nước ủng hộ động thái này gồm Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Canada, Ủy ban châu Âu, Senegal, Anh và Mỹ.
Trong những ngày làm việc vừa qua, mỗi lãnh đạo có ba phút để phác thảo cam kết về khí hậu của nước mình. Các nước đang phát triển đòi hỏi sự công bằng từ những nền kinh tế công nghiệp hóa nhưng xả thải nhiều. Người dân các nước đang phát triển ngày càng phải trả giá đắt do biến đổi khí hậu, mặc dù họ phát thải ít hơn.
Ông Tupou VI, vua của quốc đảo Thái Bình Dương Tonga cho biết: “Thật đau lòng cho người dân các quốc đảo nhỏ, khi thấy rằng COP28 có thể chưa tạo được bước đột phá lớn, khi tiến trình thực thi thỏa thuận khí hậu Paris 2015 vẫn rất chậm.”
Vị quốc vương này cho biết thêm, hơn 50.000 người ở Thái Bình Dương phải di dời mỗi năm do biến đổi khí hậu.
Chúng ta đang hủy hoại trái đất và bịt đường sống của thế hệ tương lai, chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất rất thiển cận và ích kỷ. Tôi đứng đây vì công lý cho những người vô tội. Họ là nạn nhân của sự tàn phá vô tri này.
Thủ tướng Nepal, ông Pushpa Kamal Dahal
Tổng thống Mông Cổ Khurelsukh Ukhnaa nói rằng, chi tiêu quân sự toàn cầu đạt kỷ lục 2,2 nghìn tỷ USD là đáng trách và hổ thẹn. Theo ông, đến lúc phải suy ngẫm về những tiến bộ nào có thể đạt được trong việc bảo vệ hành tinh xanh, nếu dùng chỉ một phần trong số tiền đó để chống biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Narendra Modi đề xuất Ấn Độ đăng cai hội nghị thưởng đỉnh khí hậu 2028. Ông lập lại những lời kêu gọi như đã đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi tháng 9/2023. Ông nói: “Trong thế kỷ qua, 1 bộ phận nhỏ nhân loại đã khai thác thiên nhiên bừa bãi. Kết cục, toàn bộ thế giới đang phải trả giá cho điều này, đặc biệt là những nước đang phát triển.”
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tận dụng thời gian để kêu gọi tất cả quốc gia cùng nhau theo đuổi mục tiêu chung, đó là hướng tới phát thải ròng bằng 0. Điều này có thể đạt được, nhưng vẫn bảo đảm tăng trưởng và an ninh năng lượng. Ông cam kết giảm dần sự phụ thuộc của kinh tế Nhật vào than đá, tiến tới đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ấn Độ, Nhật Bản và nước chủ nhà COP28 là UAE, đã hợp tác chặt chẽ trong năm nay, nhằm làm nổi bật cách tiếp cận của họ về chuyển đổi năng lượng, như thận trọng trong quá trình thoát khỏi năng lượng hóa thạch, và từng bước tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo. Cách tiếp cận này nhìn chung được các nước châu Âu chấp nhận.