Cú lật mặt ngã ngửa: Phải chăng chính NVIDIA cõng rắn cắn gà nhà, tiếp tay tạo nên "con quỷ" Deepseek?

Trò chơi mèo vờn chuột của Nvidia và chính quyền Mỹ vô tình đã tạo ra DeepSeek như ngày nay.

Trong ba năm qua, Nvidia đã "vặn mình" linh hoạt trước các hạn chế của Mỹ để có thể bán được chip AI ở Trung Quốc. Mỗi lần Mỹ tăng cường biện pháp, Nvidia lại thiết kế những con chip mới để tiếp tục cung cấp cho thị trường này.

Trò chơi mèo vờn chuột diễn ra với mỗi bên đều có lý lẽ của riêng mình. Nvidia muốn giữ chỗ đứng ở thị trường béo bở nhất thế giới. Người Mỹ không muốn Trung Quốc có được bí mật AI mà họ đang là số một.

Dù cuộc rượt đuổi vẫn diễn ra chưa hồi kết, khán giả ngồi xem là Trung Quốc đã lẳng lặng nhặt về cho mình đủ những mảnh ghép cần có để ráp lên bức tranh khiến cả thế giới kinh ngạc.

Những con chip của Nvidia có thể đóng góp từ mức nhỏ cho đến toàn bộ cho sự thành công của bom tấn DeepSeek, góp thêm phần tráng lệ cho màn thoát thân của Trung Quốc trong tình thế "thập diện mai phục".

Trò chơi mèo vờn chuột của Nvidia và chính quyền Mỹ

Cuộc rượt đuổi giữa Nvidia và các quan chức Mỹ chính thức bắt đầu vào cuối năm 2022, cùng thời điểm chatbot ChatGPT của OpenAI khởi động cơn sốt AI. Nvidia có những con chip tốt nhất để đào tạo các mô hình AI và tất cả những công ty hàng đầu—OpenAI, Google, Amazon, Microsoft, Meta và nhiều công ty khác—đều muốn sở hữu càng nhiều càng tốt.

Cú lật mặt ngã ngửa: Phải chăng chính NVIDIA cõng rắn cắn gà nhà, tiếp tay tạo nên "con quỷ" Deepseek?- Ảnh 1.

Mỗi lần Mỹ đưa ra các biện pháp hạn chế, Nvidia lại tùy biến một con chip mới để bán cho Trung Quốc.

Kể từ cuối năm 2022, cổ phiếu của Nvidia tăng gấp 10 lần, từ khoảng 12 USD lên khoảng 120 USD như hiện nay và trở thành công ty có giá trị nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường.

Các công ty Trung Quốc cũng muốn đi đầu trong lĩnh vực AI, đặc biệt là DeepSeek, khi đó là một đơn vị nghiên cứu không mấy ai biết đến trong một công ty điều hành quỹ đầu cơ của Trung Quốc.

Trong bài thuyết trình cho hội nghị Nvidia vào tháng 3/2022, một giám đốc điều hành tại quỹ đầu cơ đã mô tả cách họ tích lũy được 10.000 chip A100 tiên tiến của Nvidia khi đó. Người này mô tả đây là công ty đầu tiên tại Trung Quốc lắp ráp một máy chủ với những chip AI nói trên.

Chính quyền Joe Biden khi ấy muốn hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ này, khẳng định AI có những ứng dụng quân sự, chẳng hạn như điều hướng máy bay không người lái thông minh xác định mục tiêu theo cách chính xác nhất. Với căng thẳng gia tăng ở các vùng phụ cận, Mỹ không muốn Bắc Kinh giành được lợi thế trong xung đột.

Vào tháng 10 năm 2022, công ty áp dụng lệnh kiểm soát xuất khẩu đầu tiên nhắm vào các chip AI, bao gồm cả chip A100 mà DeepSeek đã mua, tạo nên một cuộc chạy đua quy định nhằm hạn chế sự phát tán của các chip này.

Các kỹ sư của Nvidia nhanh chóng tung ra con chip có tên A800 —một biến thể của A100 đáp ứng các quy định của Mỹ và Nvidia sẽ chỉ bán trong phạm vi Trung Quốc. Động thái trên diễn ra với tốc độ chóng mặt đối với một ngành công nghiệp mà chip mới thường phải mất nhiều năm để phát triển.

Sau đó, Nvidia phát triển một con chip khác, H800, một phiên bản cải tiến cho thị trường Trung Quốc của chip AI H100 thế hệ tiếp theo, loại chip này cũng đã bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho biết, các con chip mới tuân thủ các giới hạn của Washington nhưng sử dụng giải pháp thay thế để giúp chúng có hiệu quả gần như ngang bằng với các sản phẩm hàng đầu của Mỹ vào thời điểm đó.

Các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, bao gồm cả công ty mẹ của TikTok là ByteDance, đã đặt hàng nhiều tỷ USD cho các con chip mà Nvidia thiết kế riêng cho Trung Quốc. DeepSeek cho biết trong một bài báo nghiên cứu vào tháng 12 rằng họ đã sử dụng khoảng 2.000 chip H800 để đào tạo mô hình đằng sau chatbot của mình.

Cú lật mặt ngã ngửa: Phải chăng chính NVIDIA cõng rắn cắn gà nhà, tiếp tay tạo nên "con quỷ" Deepseek?- Ảnh 2.

2.000 chip H800 từ Nvidia có thể đã đóng góp vào sự thành công của DeepSeek.

Chiến lược bán chip tùy biến riêng của Nvidia khiến các quan chức Mỹ tức giận vì công ty không giúp ích nhiều hơn trong việc hạn chế những tiến bộ về AI của Trung Quốc. Họ cho rằng Nvidia không hành động theo đúng tinh thần của các quy định hạn chế, trong khi công ty nói ngược lại.

Mỹ đưa ra các biện pháp kiểm soát mới vào tháng 10/2023, yêu cầu phải có giấy phép cho các chip A800 và H800 dành riêng cho Trung Quốc của Nvidia. Một lần nữa, Nvidia đã phát triển một loạt chip mới tuân thủ các biện pháp, bao gồm một mẫu có tên là H20.

Cuộc chiến chip chưa ngã ngũ

Trong khi khách hàng Trung Quốc ban đầu lo ngại về việc chip Nvidia liên tục bị hạ cấp, thì đến năm ngoái, người ta nhận thấy H20 vẫn đủ mạnh để thực hiện các tác vụ AI, đội ngũ tham gia vào mảng kinh doanh AI tại Trung Quốc cho biết. Các đối thủ Trung Quốc như Huawei phải vật lộn để sản xuất chip có thể cạnh tranh với Nvidia, bao gồm cả số lượng.

Nvidia còn cho thêm vào gói chip bộ nhớ định hướng AI bổ sung để tăng cường khả năng của H20. Nhờ sự cải tiến này, H20 dành cho Trung Quốc thậm chí vượt trội hơn chip H800 của Nvidia trong một số trường hợp nhất định, mặc dù phải tuân thủ các hạn chế mới của Mỹ.

Trong khi đó, những khách hàng Trung Quốc chưa hài lòng với H20 đã tìm cách để có được chip Nvidia tiên tiến hơn bằng cách truy cập vào sức mạnh tính toán từ xa hoặc mang chip về Trung Quốc thông qua các nước thứ ba.

Sau cùng, DeepSeek có thể đã tích lũy được khoảng 50.000 chip Nvidia, bao gồm H800, H20 và H100 bị cấm, theo dữ liệu chuỗi cung ứng do Dylan Patel, người sáng lập công ty phân tích ngành SemiAnalysis, biên soạn.

Cú lật mặt ngã ngửa: Phải chăng chính NVIDIA cõng rắn cắn gà nhà, tiếp tay tạo nên "con quỷ" Deepseek?- Ảnh 3.

OpenAI cho biết họ đang điều tra xem liệu DeepSeek có sử dụng mô hình của mình để đào tạo chatbot hay không.

Về phần mình, Nvidia tin rằng DeepSeek không cần nhiều chip để làm được như hiện tại. Thay vào đó, họ chỉ cần các kỹ sư thông minh và quyền truy cập vào các mô hình tiên tiến của OpenAI để tạo ra một đối thủ cạnh tranh. Nvidia coi DeepSeek là một "kẻ đi sau thần tốc" không thể tránh khỏi.

Các quan chức chính quyền Biden biết rõ trò lách luật mà Nvidia đang làm nhưng chưa có phương án để giải quyết. Họ chia ra làm hai quan điểm tranh cãi. Một bên là các quan chức đồng tình với các công ty bán sản phẩm ra nước ngoài. Một bên là "phe diều hâu" lo ngại Trung Quốc sẽ đánh bại Mỹ trong cuộc chiến AI.

Một số muốn trấn áp hoạt động kinh doanh của Nvidia tại Trung Quốc nhưng hành động bị trì hoãn vì đội khác lại nhạy cảm với rủi ro ảnh hưởng đến doanh thu tại Nvidia và các công ty lớn của Mỹ.

Vào cuối nhiệm kỳ của chính quyền Biden, các quan chức Nhà Trắng và Bộ Thương mại đã thảo luận về việc kiểm soát chip H20 của Nvidia khi họ nhận ra giá trị ngày càng tăng của chúng đối với cách phát triển AI.

Cuối cùng, các quan chức không thể thống nhất về việc có nên thực hiện lệnh cấm hay không.

Trong những tuần gần đây, đội ngũ bán hàng của Nvidia trấn an khách hàng Trung Quốc rằng chip H20 vẫn sẽ được bán tại đây vì lệnh hạn chế mới nhất của Biden không cấm chúng. Quyết định cuối cùng sẽ tùy thuộc vào Tổng thống Trump vừa nhậm chức.

Một số giám đốc công nghệ Trung Quốc cho biết họ lo ngại về việc mất quyền tiếp cận H20 vì không có sản phẩm thay thế ngay lập tức - tương tự như quan điểm của Liang Wenfeng, người sáng lập DeepSeek vào năm ngoái rằng vấn đề lớn nhất của ông không phải là tìm kiếm nguồn vốn mà là có được chip tiên tiến.