Cú lừa từ vụ giả gái để quan hệ với '1.691 trai trẻ' ở Trung Quốc

Tâm lý thích "hóng chuyện", đặc biệt với các chủ đề liên quan đến giới tính, tình dục trên mạng xã hội, đã góp phần thổi bùng câu chuyện "Hồng tỷ lừa tình 1.691 trai trẻ".

Tối 7/7, mạng xã hội Trung Quốc lan truyền chóng mặt thông tin về "một người đàn ông 60 tuổi ở thành phố Nam Kinh giả gái, quan hệ tình dục với hơn 1.000 người đàn ông và bị nghi làm lây lan HIV". Câu chuyện kỳ quặc lập tức thu hút sự chú ý, trở thành chủ đề nóng trên nhiều nền tảng.

Tuy nhiên, thông tin chính thức từ cơ quan điều tra đã bác bỏ phần lớn nội dung lan truyền trên mạng. Theo đó, ngày 8/7, công an quận Giang Ninh, thành phố Nam Kinh cho biết đối tượng họ Jiao (nam, 38 tuổi, người từ tỉnh khác đến Nam Kinh), còn được gọi là "Hồng tỷ", đã giả dạng phụ nữ để quan hệ tình dục với nhiều người đàn ông, đồng thời quay lén video và phát tán trên mạng.

Người này đã bị tạm giữ vì hành vi phát tán văn hóa phẩm đồi trụy hôm 6/7. Thông tin “một người đàn ông 60 tuổi quan hệ với hàng nghìn người” là sai sự thật. Vụ việc hiện cũng đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.

Công thức để một câu chuyện "viral"

Không có “ông lão 60 tuổi”, không có “hơn 1.000 người đàn ông”, cũng không có bằng chứng nào về việc lây truyền HIV. Sự thật duy nhất được xác nhận là: một người đàn ông giả gái, quan hệ với nhiều người và phát tán clip. Thế nhưng, dưới góc nhìn tò mò và tâm lý “thích hóng chuyện” của dư luận, sự việc đã nhanh chóng bị bóp méo, trở thành một câu chuyện lệch xa sự thật.

vu hong ty gia gai anh 1

Vụ việc người đàn ông 38 tuổi giả gái, quan hệ tình dục với nhiều nam giới gây chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc.

Theo Beijing News, các chủ đề liên quan đến tình dục vốn luôn có sức hút đặc biệt trên mạng xã hội. Giáo sư Zou Zhendong, chuyên gia truyền thông, từng chỉ ra trong một học thuyết rằng những nội dung đơn giản, giật gân thậm chí dung tục thường dễ lan truyền hơn so với các vấn đề phức tạp, nghiêm túc.

Vụ việc ở Nam Kinh hội tụ đầy đủ các yếu tố thu hút sự chú ý: nội dung nhạy cảm, nhân vật “giả gái” kỳ lạ, tình tiết ly kỳ... khiến đám đông dễ dàng bị cuốn vào, đẩy tin đồn đi xa, khiến sự thật bị bóp méo và lấn át.

Câu chuyện này cũng gợi nhớ đến “người kết nối” và “người bán hàng” theo lý thuyết truyền thông của Malcolm Gladwell trong cuốn "The Tipping Point". Theo đó, để tạo ra một xu hướng lan rộng, cần có những người tạo kết nối và truyền tải thông tin.

Trong vụ việc của "Hồng tỷ", những kẻ tung và lan truyền tin đồn chính là “người kết nối” và “người bán hàng”, khiến thông tin sai lệch lan rộng, tỏa ra như vụ cháy rừng. Nếu không có sự can thiệp kịp thời từ cơ quan chức năng, tin đồn có thể trở thành "thảm họa truyền thông" khó xử lý.

Ngăn chặn

Trong bối cảnh mạng xã hội len lỏi vào từng ngóc ngách đời sống kết hợp với sự hiếu kỳ, tin đồn thường được lan truyền một cách phi lý và khó kiểm soát. Chúng phát sinh từ nơi công chúng tập trung sự chú ý, rồi được lan truyền và củng cố qua tương tác liên tục. Đây cũng là thực trạng hiện nay, một thế giới "bùng nổ thông tin” nơi thật - giả lẫn lộn, khó phân biệt.

vu hong ty gia gai anh 2

Nhiều nam giới bị Tiêu lén quay clip và phát tán lên mạng.

Để hạn chế tác động của những tin đồn lây lan vô tội vạ, cần xử lý nghiêm những người phát tán thông tin sai lệch, ngăn chặn từ gốc, đồng thời siết chặt trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội.

Theo Quy định về quản lý hệ sinh thái nội dung thông tin trên mạng của Trung Quốc, người sản xuất nội dung không được tạo, sao chép hoặc đăng tải các thông tin xâm phạm danh dự, quyền riêng tư hoặc lợi ích hợp pháp của người khác.

Các nền tảng cung cấp dịch vụ cũng phải có trách nhiệm giám sát, phát hiện và kịp thời xử lý nội dung vi phạm.

Vụ việc "Hồng tỷ" là minh chứng mới nhất cho mối quan hệ gắn liền giữa tính hiếu kỳ và tin đồn.

Mọi sự ngớ ngẩn, thuyết âm mưu hay lời bịa đặt đều có thể có người cổ xúy. Công chúng có quyền tự do buôn chuyện và tò mò, nhưng điều đó không nên trở thành mảnh đất màu mỡ cho tin đồn sai sự thật sinh sôi.

Cẩm nang 'sống sót' nơi công sở

Trong MENTOR - Từ sinh viên chất đến nhân sự chiến, tác giả Lê Công Minh chia sẻ trải nghiệm vượt qua và học hỏi từ thất bại: Từ nam sinh thi trượt đại học đến giám đốc truyền thông kỹ thuật số, nhân viên Big 4 kiểm toán, sáng lập trung tâm tiếng Anh… Đây là nơi những bạn trẻ "lênh đênh" chốn công sở dễ tìm thấy mình và học hỏi để vươn lên trên con đường sự nghiệp.